3 nhóm chính sách đặc thù thí điểm phát triển TP. Hồ Chí Minh
Theo chương trình kỳ họp, sáng 26/5, Quốc hội sẽ nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.
Quốc hội cũng sẽ nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Chiều cùng ngày, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Trước kỳ họp, Chính phủ cũng đã có Tờ trình và dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh gửi tới Quốc hội.
Chính phủ cho biết, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết đã có đủ căn cứ theo Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 76 của Quốc hội. Quốc hội đã giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố và trình Quốc hội xem xét, thông qua nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 trong thời gian sớm nhất.
Theo đó, dự thảo Nghị quyết đưa ra 3 nhóm chính sách đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh, cụ thể như sau:
Nhóm 1: 7 cơ chế chính sách được kế thừa từ Nghị quyết số 54
1. TP. Hồ Chí Minh được điều chỉnh mức hoặc tỉ lệ thu phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; Ngân sách TP được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí nêu trên.
2. TP quyết định dự toán, phân bổ ngân sách phù hợp với các định hướng cơ cấu lại ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh vực quan trọng theo quy định của QH và Chính phủ.
3. TP được sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách TP để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách và chi thu nhập tăng thêm.
4. TP được áp dụng tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách TP được hưởng theo phân cấp.
5. TP được bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương với mức không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách TP.
6. HĐND TP quyết định bố trí ngân sách TP để chi thu nhập bình quân tăng thêm với mức không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ; bảo đảm không vượt mức tối đa 0,8 lần quỹ lương cơ bản theo quy định của Nghị quyết 27/2018 của Ban Chấp hành Trung ương. Quy định này được thực hiện cho đến khi cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định chế độ tiền lương mới.
7. TP được chuyển một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP cho các cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác thuộc UBND TP, UBND quận, huyện và TP Thủ Đức.
Nhóm 2: có 4 cơ chế chính sách đặc thù
1.TP chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
2. Phân cấp TP phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật.
3. Cho phép thực hiện trước việc điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, tài sản gắn liền với đất khi thu hồi đất của các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu công nghệ cao, kết cấu hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia, địa phương, giao thông, khu văn hóa thể thao vui chơi giải trí cộng đồng, có quy mô từ 300 ha hoặc có từ 1.000 hộ gia đình trở lên.
4. TP được quy định về các chính sách thu hút và giữ chân nguồn nhân lực cho khoa học công nghệ.
Nhóm 3: 5 cơ chế, chính sách được quy định tại các dự thảo Luật đang trình Quốc hội cho ý kiến
1. TP xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn của TP để áp dụng tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
2. Quy định nguyên tắc bồi thường về đất khi nhà nước thu hồi đất bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi hoặc bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc nhà ở, được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi.
3. Cho phép các tổ chức kinh tế được nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm, mà tiền thuê đất không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước thì có quyền thế chấp, chuyển nhượng hoặc cho thuê quyền thuê trong hợp đồng thuê đất.
4. Quy định việc sử dụng quỹ đất do nhà nước quản lý thuộc trường hợp sắp xếp lại, xử lý tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư đối với dự án áp dụng loại hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT) được ký trước ngày Luật PPP có hiệu lực mà chưa hoàn thành việc thanh toán cho nhà đầu tư.
5. Quy định đối với diện tích đất hình thành sau khi thực hiện lấn biển, TP thực hiện thủ tục về giao đất, thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.