Khắc phục tình trạng quy hoạch “treo”
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến lần 2 đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Một vấn đề được quan tâm là xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân không thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt; không thực hiện việc xử lý “quy hoạch sử dụng đất treo”.
Cần chế tài xử lý nghiêm khắc
Liên quan đến quy định về tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, có ý kiến cho rằng cần bổ sung quy định Quốc hội giám sát Chính phủ tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; giám sát Thủ tướng Chính phủ phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trên cơ sở các chỉ tiêu sử dụng đất quốc gia đã được Quốc hội quyết định; giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, đất an ninh của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện giám sát thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện theo quy định tại khoản 2 Điều 72 nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và khẳng định vai trò, chức năng của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai.
Đề nghị bổ sung khoản 5 Điều 72 như sau: “Diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được phê duyệt thu hồi để thực hiện dự án hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau 03 năm kể từ ngày phê duyệt và được tiếp tục cập nhật vào kế hoạch sử dụng đất của năm tiếp theo mà chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh hoặc hủy bỏ và phải công bố việc điều chỉnh hoặc hủy bỏ việc thu hồi hoặc chuyển mục đích đối với phần diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất tại trụ sở cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trên trang thông tin điện tử của cơ quan; trên các phương tiện thông tin đại chúng; dán tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi; tại nhà sinh hoạt cộng đồng khu dân cư nơi thu hồi đất để người dân được biết”. Trong trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố công khai thì người sử dụng đất không bị hạn chế về các quyền sử dụng đất đã được pháp luật quy định”.
Quy định như vậy mới tạo điều kiện để người dân được tiếp cận, biết được thông tin về việc điều chỉnh hoặc hủy bỏ kế hoạch sử dụng đất. Việc nắm được thông tin về điều chỉnh hoặc hủy bỏ kế hoạch sử dụng đất là rất quan trọng đối với người sử dụng đất; bởi việc này ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp của họ trong sử dụng đất.
Khoản 6 quy định: “Hàng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức rà soát, xử lý và công bố công khai việc hủy bỏ, thu hồi đất, chuyển mục đích đối với đất đã được ghi trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường”. Quy định này mới chỉ đảm bảo về khía cạnh thống nhất quản lý nhà nước về đất đai mà chưa đảm bảo đầy đủ tính công khai minh bạch.
Để khắc phục hạn chế này, khoản 6 cần sửa đổi, bổ sung như sau:“Hàng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức rà soát, xử lý và công bố công khai việc hủy bỏ, thu hồi đất, chuyển mục đích đối với đất đã được ghi trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường; trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp huyện; dán tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã; dân tại điểm sinh hoạt công cộng tại khu dân cư”.
Bên cạnh đó, bổ sung điều khoản xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân không thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt; không thực hiện việc xử lý “quy hoạch sử dụng đất treo” với những chế tài xử lý nghiệm khắc, đủ sức răn đe, giáo dục người vi phạm ….
Kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm
Vấn nạn “quy hoạch treo” tại nhiều địa phương hiện nay gây ra rất nhiều hệ lụy, thiệt hại, khó khăn cho người dân. Có những quy hoạch lập dự án nhưng 10 năm, 20 năm, thậm chí còn lâu hơn nhưng vẫn chưa triển khai thực hiện. Việc này làm hạn chế quyền khai thác sử dụng đất, kìm hãm phát triển kinh tế - xã hội, người dân trong ranh quy hoạch rơi vào khốn đốn, khó khăn trăm bề, nhà nước thì thất thu ngân sách, còn bộ mặt đô thị nơi có quy hoạch, dự án treo trở nên nhếch nhác.
Để xảy ra tình trạng trên cho thấy vẫn còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật các chuyên ngành liên quan và quy hoạch xây dựng. Các quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn mới chưa đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất; chất lượng lập quy hoạch, tính khả thi của một số đồ án quy hoạch còn thấp. Công tác quản lý quy hoạch còn xảy ra sai phạm.Ngoài ra còn có trách nhiệm của chính quyền địa phương trong các bước thẩm định, phê duyệt dự án.
Trước đó, trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Thủ tướng Chính phủ cho biết: Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã có Báo cáo số 28/BC-BXD ngày /3/2019 về vấn đề này, trong đó đã xác định rõ nguyên nhân và đề xuất các giải pháp khắc phục; Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019 về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.
Để khắc phục tình trạng “quy hoạch treo”, “dự án treo”, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, Bộ Xây dựng đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Xây dựng sửa đổi. Trong đó quy định người dân được cấp phép xây dựng có thời hạn tại khu vực đã có quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, công bố nhưng chưa thực hiện và chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ngoài ra, để khắc phục triệt để tình trạng này, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa Bộ, ngành và chính quyền các địa phương.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan cần tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương trong công tác quản lý thực hiện quy hoạch. Trong đó, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng. Hoàn thiện thể chế về thanh tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch...
Tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương trong công tác quản lý thực hiện quy hoạch để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm như thu hồi các dự án chậm tiến độ theo quy định; xử lý các cán bộ gây ách tắc làm thiệt hại cho nhà đầu tư, Nhà nước, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân...
Thủ tướng yêu cầu chính quyền các địa phương cần: Rà soát quy hoạch, kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi. Rà soát các dự án để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ, khắc phục tình trạng “dự án treo”. Xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, công khai quy hoạch và kế hoạch thực hiện theo đúng quy định.