Chính trị

ĐBQH: Phải thay thế những cán bộ không dám làm vì không có lợi ích riêng

Bình Nguyên 31/05/2023 - 16:27

Chiều 31/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình kinh tế xã hội năm 2022 và kế hoạch 2023.

Trước đó, khi thảo luận về nội dung này, các đại biểu tranh luận về hiện tượng cán bộ né tránh trách nhiệm đã có từ lâu, nhưng dường như gần đây đang nặng hơn.

310520230835-z4391218864543_660cd095981bc3a06dc52f8a18560450.jpg

Tìm nguyên nhân để xử lý cán bộ không dám làm

Đại biểu Trần Quốc Tuấn - Đoàn ĐBQH Trà Vinh cho biết, ông đặc biệt quan tâm đến nội dung hạn chế về một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa quyết liệt, có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, gây ách tắc, làm cản trở sự phát triển kinh tế của đất nước.

Vấn đề đại biểu đặt ra là tại sao từ trước đến nay không xuất hiện hiện tượng cán bộ có tâm lý sợ trách nhiệm mà đến nay mới có, lan rộng từ trung ương đến địa phương và tiếp tục lan rộng từ khu vực công đến khu vực tư. Do vậy, cần phải xác định được nguyên nhân của căn bệnh này thì mới có thể điều trị hiệu quả.

Theo đại biểu Trần Quốc Tuấn, cán bộ sợ trách nhiệm ấy, bao gồm 2 nhóm: Nhóm cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai, không muốn làm vì không có lợi ích riêng; và nhóm thứ 2 là cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm.

Về nhóm thứ nhất, đại biểu cho rằng, ngay trong thời điểm dầu sôi lửa bỏng hiện nay giải pháp cấp thiết là ưu tiên thay thế những cán bộ ấy bằng những cán bộ tốt, những cán bộ có đủ tâm huyết và trách nhiệm để làm việc. Cũng giống như bóng đá, cầu thủ ra sân cần thiết cũng phải thay thế và đó cũng là chuyện bình thường.

Nhưng về lâu dài, ngoài Kết luận số 14 của Bộ Chính trị, đại biểu đề xuất Quốc hội, Chính phủ cần chỉ đạo rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là các quy định pháp luật có liên quan đến công chức, viên chức để đảm bảo tính đồng nhất, không chồng chéo, mâu thuẫn để làm cơ sở khuyến khích bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

310520230816-z4391197254986_eec2932a0f7f1ed0822fb939f7fa0c82.jpg
Đại biểu Trần Quốc Tuấn - Đoàn ĐBQH Trà Vinh phát biểu thảo luận.

Còn nhóm thứ 2, theo đại biểu Trần Quốc Tuấn, cán bộ không dám làm vì sợ vi phạm pháp luật xuất phát từ 2 nguyên nhân chính:

Nguyên nhân thứ nhất là do một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, nhất là các văn bản dưới luật còn thiếu tính đồng nhất, khó thực hiện. Điển hình như cùng một nội dung quy định nhưng lại có hai cách hiểu khác nhau, hay cùng một nội dung công việc nhưng lại có hai văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện không đồng nhất.

Đưa ra nhận định này, đại biểu dẫn chứng: “Tôi đã chứng kiến bên lề kỳ họp này 2 vị ĐBQH cùng tranh luận về một nội dung của một Điều khoản luật đang còn hiệu lực. Cuộc tranh luận ấy đã làm cho tôi hết sức tâm tư và lo lắng, bởi lẽ nó đang xảy ra ngay trong chính cơ quan lập pháp, cho nên không loại trừ khả năng nó sẽ xảy ra ở các cơ quan hành pháp, trong đó có cả những cơ quan thanh tra, kiểm tra và như thế sẽ có nguy cơ dẫn đến nhiều hệ lụy khác nhau cho các cán bộ thực thi công vụ". Cũng theo đại biểu Trần Quốc Tuấn, những bất cập này cũng đã được rất nhiều ĐBQH phản ánh thẳng thắn trước đó.

Nguyên nhân thứ hai làm cho cán bộ lo sợ vi phạm pháp luật là công tác thanh tra, kiểm tra ngày càng đi vào thực chất cùng với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai quyết liệt và ngày càng hiệu quả. Đặc biệt, có những vụ việc vi phạm pháp luật từ nhiều năm trước đến nay được phát hiện và do mức độ vi phạm nghiêm trọng nên bị xử lý hình sự.

Chính từ những vụ án này đã làm cho nhiều cán bộ lo sợ, bởi lẽ, những cán bộ ấy đã từng làm các công việc tương tự vào những thời điểm trước đây, từ đó đã tạo ra hiệu ứng lây lan đến một số cán bộ khác, hình thành nên tâm lý e ngại, lo sợ, sợ bị kỷ luật, nhất là sợ bị xử lý hình sự. Trong số cán bộ đó, chúng ta không loại trừ có những cán bộ tâm huyết, có trách nhiệm nhưng họ không thể triển khai thực hiện công việc do sự bất cập, thiếu đồng nhất của các văn bản hướng dẫn.

Từ thực trạng nêu trên, đại biểu Trần Quốc Tuấn đề xuất Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm, tập trung nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung đầy đủ các nội dung quy định của pháp luật, đặc biệt là các văn bản dưới luật, đảm bảo tính chặt chẽ, thống nhất, dễ áp dụng để các địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân khi căn cứ vào đó là có thể triển khai thực hiện được ngay.

Tiếp đến là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhiều hơn nữa, như Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo. Nếu thực hiện tốt công việc này sẽ giảm bớt áp lực, gánh nặng cho các cơ quan cấp trên, đồng thời tăng cường trách nhiệm cho các địa phương và cơ quan cấp dưới. Và cuối cùng là tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát để hướng dẫn, nhắc nhở, đôn đốc thực thi công vụ có hiệu quả, đại biểu đề nghị.

Để cán bộ không phải dám nghĩ, dám làm

Phát biểu tranh luận, đại biểu Trần Hữu Hậu – Đoàn ĐBQH Tây Ninh cho rằng, vấn đề đại biểu Tuấn nêu là rất đúng nhưng chưa đủ. Với nhóm cán bộ, công chức sợ sai, đùn đẩy công việc, ý thứ hai mà đại biểu nêu là đúng, nhưng không chỉ như vậy.

Theo đại biểu Trần Hữu Hậu, nếu trong thực thi công vụ để làm tốt chức trách, nhiệm vụ của mình mà có các quy định, các hành lang pháp lý rõ ràng, phù hợp thì chắc chắn rằng phần đông cán bộ, công chức, viên chức của chúng ta còn nỗ lực để năng động, sáng tạo, tìm đến cách làm hiệu quả hơn, không có gì phải sợ.

310520231006-z439478376_a68b9650ee4fd662c9ff59efd21b06.jpg
Đại biểu Trần Hữu Hậu – Đoàn ĐBQH Tây Ninh phát biểu thảo luận.

Nhưng thực tế hiện nay, trong không ít các việc lớn, việc nhỏ nếu quyết định thực hiện để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, để đem đến hiệu quả cho nhân dân, cho nhà nước thì phải vi phạm không ít các quy định của pháp luật.

Cũng vì vậy mà việc bảo vệ người dám nghĩ, dám làm sẽ rất khó khăn, bởi lẽ bảo vệ họ trong nhiều trường hợp là bảo vệ việc làm sai quy định, trái pháp luật và khi ấy phải cần cơ chế bảo vệ người dám nghĩ, dám làm. Thực tế này đang tạo ra vòng luẩn quẩn cấp dưới đã được cấp trên chỉ đạo nhưng vẫn hỏi xin ý kiến cấp trên rồi mới dám làm.

Việc xây dựng Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, cũng đang đi theo vòng luẩn quẩn này. Bởi Bộ Chính trị đã có Kết luận 14 của về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; Nghị quyết 28 của Hội nghị Trung ương 6 cũng yêu cầu thể chế chủ trương này. Quốc hội trong kỳ họp thứ 4 đã giao Bộ Nội vụ khẩn trương tham mưu thể chế hóa việc này, song đến nay, Bộ Nội vụ vẫn thấy vướng nhiều quy định sau 3 lần chỉnh sửa dự thảo và lấy ý kiến.

Từ những phân tích trên, đại biểu Trần Hữu Hậu cho rằng cần phải làm sao để cán bộ, công chức, viên chức các cấp của chúng ta không phải dám nghĩ, dám làm và không cần cấp trên phải khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm. Cán bộ, công chức, viên chức các cấp chỉ cần tập trung công sức và trí tuệ để năng động, sáng tạo thực hiện công việc của mình hiệu quả nhất cho dân, cho nước trong khuôn khổ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Để làm được điều đó, khi phát hiện luật hoặc các quy định chưa phù hợp thì tập trung sửa ngay với quy trình sao cho chặt chẽ, nhưng đơn giản, ngắn gọn, đại biểu Trần Hữu Hậu nhấn mạnh.

Bình Nguyên