Ngư dân gặp khó trên những con “tàu 67”
Từng là niềm mơ ước của biết bao ngư dân khi được Nhà nước hỗ trợ đầu tư tàu to máy lớn, thế nhưng đến nay nhiều ngư dân phải loay hoay đối mặt với cảnh bị ngân hàng siết nợ.
Xã Quỳnh Long và xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) là hai xã có thế mạnh với nghề đi tàu biển từ hàng chục năm qua, hàng nghìn người dân địa phương đã sống nhờ nghề đi biển.
Thế nhưng, khoảng vài ba năm trở lại đây, do đánh bắt không hiệu quả, giá dầu và các nguyên liệu khác “leo thang”, cùng với nhiều nguyên nhân khách quan khác khiến nhiều ngư dân vốn coi sông nước như “ngôi nhà” thứ hai của mình, nay trở nên bế tắc, khi phải xoay xở đủ đường để tiếp tục kế sinh nhai.
Chưa bao giờ nghề cá xã nhà lại khó khăn và ảm đạm như hiện nay, một ngư dân đứng ở bến tàu Lạch Quèn (xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu) cho hay.
Đó cũng là thực trạng mà chúng tôi ghi nhận được, khi có hàng chục tàu cá đang nằm bờ, nhiều tàu cá nhiều tháng nay không ra khơi bởi họ càng đi càng thua lỗ.
“Nếu như trước đây khu neo đậu tàu lúc nào cũng ken kít, không có chỗ để neo, thì bây giờ, số lượng tàu cá ít hơn hẳn, nhiều tàu bị ngân hàng siết nợ do không trả được lãi, có tàu phải bán lỗ vì hoạt động không hiệu quả”- ngư dân Trần Văn Trình cho hay.
Cũng theo ngư dân Trần Văn Trình - chủ tàu NA 96767-TS đang neo bến tàu Quỳnh Thuận cho biết: “Tàu của tôi đóng theo Nghị định 67/CP có chi phí 7 tỷ đồng năm 20, cùng chung vốn vài hộ dân khác. Nghĩ rằng tàu to máy lớn, hiệu quả đánh bắt sẽ cao hơn, nhưng không ngờ càng về sau càng khó khăn, càng đi càng lỗ”.
Số tiền phải trả ngân hàng hàng tháng tùy vào mức vay vốn của từng tàu. Theo ông Trình, như tàu cá của ông, số tiền phải trả bình quân mỗi tháng chiếm từ 20-30% doanh thu là quá sức. Mỗi chuyến đi với chi phí khoảng 200–300 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, nếu may thì đủ vốn, còn không thì coi như lỗ.
Đó cũng là trăn trở của anh Trần Văn Hoàn ở xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, và là nỗi trăn trở của nhiều tàu cá khác nơi đây.
Anh Hoàn cho biết: “Tôi cùng vài hộ vay vốn đóng tàu lớn đi vây. Ban đầu cũng nghĩ là nếu mọi chuyện thuận lợi như trước, việc trả nợ không quá khó, nhưng không ngờ đánh bắt khó khăn, tàu lớn nên ra khơi chi phí nhiều mà đánh bắt không hiệu quả, phải nằm bờ nên lao động cũng bỏ đi hết, giờ muốn đi biển cũng không có lao động và nợ nần ngày càng chồng chất”.
Huyện Quỳnh Lưu là địa phương có số tàu cá đóng mới theo chính sách hỗ trợ của Nghị định 67/CP nhiều nhất tỉnh, với 52 chiếc. Sau nhiều năm đưa vào hoạt động, tính đến tháng 6/2022, có 26 tàu cơ bản trả được nợ, số còn lại hoạt động kém hiệu quả, nợ kéo dài, trong đó có 6 chủ tàu đã bị khởi kiện ra tòa.