Việc quyết định nhân sự Nh nước diễn ra thế no trong hơn 10 ngy tới?
Chính trị - Ngày đăng : 11:46, 30/03/2016
Theo chương trình đã đề ra của kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII, Quốc hội sẽ dành hơn 10 ngày (từ 30/3-12/4) để kiện toàn nhân sự lãnh đạo Nhà nước, trong đó có các chức danh chủ chốt là Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội; bãi nhiệm một số chức danh cũ của Ủy viên Bộ Chính trị đã nhận nhiệm vụ mới sau Đại hội Đảng XII (như Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành uỷ TPHCM Đinh La Thăng...).
Trước đó, Ban chấp hành TƯ khóa trước đã giới thiệu khóa mới xem xét 3 ủy viên Bộ Chính trị vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt gồm ông Trần Đại Quang (Bộ trưởng Bộ Công an) ứng cử vị trí Chủ tịch nước, ông Nguyễn Xuân Phúc (Phó Thủ tướng Chính phủ) ứng cử vị trí Thủ tướng Chính phủ và bà Nguyễn Thị Kim Ngân (Phó Chủ tịch Quốc hội) ứng cử vị trí Chủ tịch Quốc hội.
Hôm nay, lúc 10h30 ngày 30/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia. Sau đó, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở Đoàn về việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia.
Buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về kết quả thảo luận tại Đoàn về việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia.
Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu để làm việc cho tất cả các lần bỏ phiếu quyết định nhân sự.
Sau các thủ tục thành lập Ban kiểm phiếu, công bố thể lệ bỏ phiếu, Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia bằng hình thức bỏ phiếu kín và dành thời gian thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình dự kiến nhân sự Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia để các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn.
Sáng 31/3, sau khi nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về kết quả tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận tại Đoàn về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua danh sách bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia và tiến hành bầu bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Ngay sau khi kết quả kiểm phiếu được công bố và Quốc hội thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia, tân Chủ tịch Quốc hội sẽ tuyên thệ.
Cũng trong ngày 31/3, Quốc hội thực hiện các quy trình miễn nhiệm Chủ tịch nước và thảo luận về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch nước.
Sáng 2/4, Quốc hội bỏ phiếu kín bầu tân Chủ tịch nước, công bố kết quả và Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ nhậm chức. Đồng thời, Quốc hội cũng sẽ thực hiện quy trình miễn nhiệm một số Phó Chủ tịch Quốc hội, một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc,
Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Trong các ngày 4-5/4, Quốc hội tiến hành bỏ phiếu kín bầu một số Phó Chủ tịch Quốc hội, một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (chiều 4/4), bầu Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiếm toán Nhà nước (chiều 5/4).
Sáng 6/4, tân Chủ tịch nước sẽ trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ để Quốc hội thảo luận tại Đoàn. Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội. Sau đó, Quốc hội sẽ tiến hành miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín. Sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước sẽ trình danh sách đề cử nhân sự dự kiến bầu vào vị trí Thủ tướng Chính phủ để Quốc hội thảo luận tại đoàn, thảo luận tại hội trường và biểu quyết thông qua danh sách.
Sáng 7/4, Quốc hội tiến hành bỏ phiếu kín bầu Thủ tướng Chính phủ, ra Nghị quyết về việc này và tân Thủ tướng Chính phủ tuyên thệ.
Từ 7 đến 12/4, Quốc hội tập trung thực hiện quy trình miễn nhiệm và bầu mới nhân sự cho các vị trí Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, một số Phó Thủ tướng Chính phủ, một số Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ, Phó Chủ tịch và một số Ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Phó Chủ tịch và một số Ủy viên Hội đồng Quốc phòng-An ninh.
Trước đó, lý giải việc dành 1/2 thời gian kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII cho việc kiện toàn nhân sự Nhà nước, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, công tác nhân sự thuộc Đảng lãnh đạo, Đảng giới thiệu ra Quốc hội để đại biểu Quốc hội thay mặt cho nhân dân bỏ phiếu quyết định chức danh này. Khi miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng phải theo quy đúng quy trình, trình, thảo luận, sau đó tiến hành bỏ phiếu kín, kiểm phiếu, công bố kết quả... Do vừa phải làm công tác miễn nhiệm vừa phải bầu mới nên mới cần thời gian tới hơn 10 ngày.
Lý do Quốc hội kiện toàn nhân sự lãnh đạo Nhà nước ngay tại kỳ họp 11 mà không để sang Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá XIV, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, vì nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt không tái cử Ban Chấp hành Trung ương; Bộ Chính trị đã phân công nhiệm vụ mới đối với một số Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong khi đến tháng 7/2016 Quốc hội khoá XIV mới họp. Do đó thời gian là khá dài, trong khi 2016 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XII, nên cần kiện toàn chức danh để tạo tinh thần, khí thế mới để thực hiện tốt năm đầu của nhiệm kỳ 5 năm.
Liên quan vấn đề nhân sự, tại Hội nghị Trung ương 2 khoá XII vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương khẳng định, cần sớm kiện toàn, sắp xếp lại chức danh lãnh đạo cơ quan nhà nước một cách đồng bộ, đáp ứng kịp thời yêu cầu triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; nhất trí cho thực hiện kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIII theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng cho biết, Trung ương đã bỏ phiếu giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội với số phiếu tập trung rất cao, đồng thời, Bộ Chính trị báo cáo xin ý kiến Trung ương trước khi Bộ Chính trị chính thức giới thiệu nhân sự đối với các chức danh khác để Quốc hội xem xét, bầu hoặc phê chuẩn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.