Quốc hội chấp thuận miễn nhiệm chức danh Chủ tịch Quốc hội

Chính trị - Ngày đăng : 19:07, 30/03/2016

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 11, chiều 30/3, với đa số đại biểu Quốc hội bỏ phiếu tán thnh, Quốc hội đã đồng ý miễn nhiệm chức danh Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia đối với ng Nguyễn Sinh H ng.

Tại buổi làm việc chiều 30/3, theo quy trình Quốc hội đã tiến hành bỏ phiếu miễn nhiệm ông Nguyễn Sinh Hùng thôi giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia với hình thức bỏ phiếu kín. 

Theo kết quả được công bố, có 477/494 đại biểu tham gia bỏ phiếu, trong đó 473 phiếu hợp lệ, 4 phiếu không hợp lệ. Trong số các phiếu hợp lệ, có 431 phiếu đồng ý miễn nhiệm chức danh Chủ tịch Quốc hội (chiếm hơn 90%). 

Với chức danh Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, có 430 phiếu đồng ý miễn nhiệm chức danh này đối với ông Nguyễn Sinh Hùng. 

Ngay sau đó, Quốc hội đã nghe Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đọc dự thảo Nghị quyết miễn nhiệm hai chức danh trên và tiến hành bỏ phiếu. 

Quốc hội chấp thuận miễn nhiệm chức danh Chủ tịch Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bỏ phiếu miễn nhiệm chức danh Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia. Ảnh: TTXVN

Với tỷ lệ 454 đại biểu bỏ phiếu tán thành (92,11% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội khóa XIII và chức vụ Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia đối với ông Nguyễn Sinh Hùng. Nghị quyết có hiệu lực đến khi Quốc hội bầu được Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia mới. 

Tiếp đó, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã trình bày Tờ trình về dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. 

Người được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương giới thiệu ứng cử chức danh Chủ tịch Quốc hội mới thay thế Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng là bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội khóa XIII. 

Quy trình bầu Chủ tịch Quốc hội sẽ diễn ra vào sáng 31/3. Nếu trúng cử, bà Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ là nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên trong lịch sử Quốc hội Việt Nam. 

Trên cương vị người đứng đầu Cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước, trong suốt nhiệm kỳ 5 năm qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã để lại nhiều ấn tượng sâu đậm trong lòng cử tri và đồng bào, chiến sỹ cả nước. Với vai trò người điều hành cao nhất của Quốc hội, trên cơ sở những kinh nghiệm nền tảng của người lãnh đạo nhiều năm trong khối cơ quan hành pháp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã mang đến cho Quốc hội một làn sóng đổi mới mạnh mẽ về cả ba mặt công tác của Quốc hội: lập hiến, lập pháp; giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước theo hướng ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả hơn. Dấu ấn lớn nhất của cử tri về Quốc hội khóa XIII và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng là việc xây dựng và ban hành Hiến pháp 2013 mà chính Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng là Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Sự ra đời của Hiến pháp 2013 đã là một mốc son trong lịch sử lập hiến, lập pháp của Quốc hội Việt Nam, là văn kiện pháp lý gốc, hội tụ tinh hoa trí tuệ của toàn dân tộc, là cơ sở pháp lý mang tính nền tảng cho giai đoạn phát triển mới của đất nước nhiều năm tiếp theo. 

Ấn tượng của đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước về Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng còn ở một nhà lãnh đạo cấp cao có phong cách lãnh đạo, quản lý, điều hành tinh tế, sắc sảo quyết liệt nhưng cũng rất hài hòa, đặc biệt là qua các phần chất vấn và trả lời chất vấn tại các Kỳ họp Quốc hội. 

Trao đổi với phóng viên, theo đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), tư duy sắc sảo và tinh thần đổi mới trong chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã giúp Quốc hội khoá XIII thực sự đổi mới, mang hơi thở và nguyện vọng của cử tri cả nước. 

“Tại diễn đàn Quốc hội không khí tranh luận sôi nổi, thẳng thắn, các quyết định ngày càng chuẩn xác và mang tính khả thi, góp phần quan trọng ổn định đất nước, để lại âm hưởng khó quên trong lòng nhân dân. Đặc biệt sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ở mỗi phiên họp toàn thể để lại dấu ấn về sự chuẩn mực, nhạy bén, sắc sảo trong quá trình xử lý vấn đề”- đại biểu Huỳnh Nghĩa chia sẻ. 

Trong lần trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội tại kỳ họp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng thẳng thắn bộc bạch ông không còn gì trăn trở khi đã hoàn thành nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao và cả việc chuẩn bị người kế nhiệm. 

Cũng theo chương trình làm việc của Quốc hội, ngày 31/3, Quốc hội sẽ tiến hành miễn nhiệm Chủ tịch nước. Sáng 2/4, Quốc hội sẽ bầu tân Chủ tịch nước, công bố kết quả và Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ nhậm chức. Sáng 6/4, tân Chủ tịch nước sẽ trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội để Quốc hội tiến hành miễn nhiệm vào chiều cùng ngày. Quốc hội sẽ bầu Thủ tướng Chính phủ và tân Thủ tướng sẽ ra mắt, tuyên thệ trong sáng 7/4. Các hoạt động miễn nhiệm, bầu các chức danh lãnh đạo chủ chốt này đều được tiến hành bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Quang Vũ