Mặt trận báo chí luôn đảm trách những nhiệm vụ nặng nề, đòi hỏi nhà báo phải có tư duy, tầm nhìn mới
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - đại biểu Quốc hội khóa XV (Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng) - là một nhà khoa học, cũng là người tham gia viết báo nhiều năm, rất am hiểu hoạt động báo chí, đặc biệt là báo chí nghị trường - nơi những vẫn đề chính trị, xã hội luôn là sự quan tâm hàng đầu của Nhân dân và cử tri cả nước. Ông đã dành cho Báo Công lý buổi trò chuyện về nghề báo về những đóng góp của báo chí trên mặt trận “cầm bút” hiện nay.
PV: Thưa ông, là ĐBQH, ông đánh giá như thế nào về vai trò báo chí hiện nay đối với hoạt động Quốc hội?
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Báo chí là một công cụ không thể thiếu trong hoạt động truyền thông, tuyên truyền các mặt của đời sống kinh tế-xã hội; chủ trương, chính sách, pháp luật và các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thách thức đối với phát triển kinh tế; bảo đảm an ninh, chủ quyền toàn vẹn của đất nước. Báo chí nước ta đồng hành cùng Đảng và Nhà nước, Nhân dân trong suốt chặng đường cách mạng, từ công cuộc giải phóng dân tộc đến sự nghiệp phát triển đất nước trong hoà bình.
Trong quá trình đó, báo chí và các nhà báo nước ta đã có những đóng góp to lớn, làm tốt vai trò định hướng và đã tạo ra những tác động nhanh, mạnh, lan toả trong đời sống xã hội, xứng đáng là những chiến sỹ trên “mặt trận cầm bút”. Đến nay, công tác báo chí không ngừng được củng cố và tiếp tục phát huy hiệu quả, đáp ứng kịp thời sự thay đổi của đất nước.
Quốc hội là cơ quan lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đại diện cho lợi ích của nhân dân. Quốc hội và ĐBQH phải gắn bó máu thịt với dân, trọng dân, tin dân và vì dân. Thông qua các quyết sách, Quốc hội định hướng, hỗ trợ giải quyết các vấn đề bức xúc của đất nước (cả về đối nội, đối ngoại), của xã hội, của doanh nghiệp và người dân. Nên, các hoạt động trên nghị trường Quốc hội luôn được người dân và doanh nghiệp quan tâm, mong đợi và chăm chú dõi theo.
Trong bối cảnh đó, báo chí nói chung, báo chí nghị trường nói riêng cũng đóng vai trò quan trọng đối với các quyết sách của Quốc hội. Báo chí là phương thức kết nối và truyền tải nhanh, kịp thời, chuẩn xác các hoạt động của Quốc hội vào cuộc sống. Đồng thời, thông qua báo chí, các nguyện vọng, yêu cầu, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp được phản ánh kịp thời, trung thực lên nghị trường Quốc hội.
"Nhà báo cần đưa tin đầy đủ, kịp thời và khách quan các hoạt động trên nghị trường, các quyết sách của Quốc hội, phản ánh nhanh các phản ứng chính sách, kết quả giám sát, các hoạt động thảo luận dân chủ, công khai, minh bạch trên nghị trường Quốc hội; tránh tập trung đưa tin một chiều, phiến diện, phát tán thông tin giật gân,…"
PV: Theo ông, nhiệm vụ chính của phóng viên nghị trường hiện nay là đưa tin đầy đủ, chi tiết các nội dung mà Quốc hội bàn thảo, hay chỉ cần những vấn đề “nóng”, vấn đề “mới” để thu hút bạn đọc?
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Trong bối cảnh kinh tế - xã hội và tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, khó đoán định hiện nay, đất nước ta đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức cần phải tháo gỡ và thích ứng kịp thời. Bên cạnh đó, tác động của công nghệ 4.0 đã làm mới báo chí với những thay đổi cơ bản, tích cực, đa dạng loại hình, nhưng cũng kéo theo đó là sự gia tăng các thông tin xấu độc. Vì thế, với sứ mạng cao cả của cơ quan quyền lực cao nhất, Quốc hội đã có những lựa chọn và quản lý hoạt động báo chí nhằm tăng cường tính định hướng, bảo đảm tính trung thực; đội ngũ người làm báo hiểu sâu biết rộng để truyền tải chính xác các thông tin từ nghị trường.
Theo đó, các nhà báo, các phóng viên nghị trường, ngoài kỹ năng nghề nghiệp, cần phải đưa tin đầy đủ, kịp thời và khách quan các hoạt động của Quốc hội; phản ánh nhanh các chính sách, các kết quả giám sát, các hoạt động thảo luận công khai trên nghị trường Quốc hội; tránh tình trạng đưa tin một chiều, phiến diện, hay phát tán thông tin giật gân,…
Đối với các thông tin và vấn đề “nóng” trên nghị trường có tình tiết khác dễ hấp dẫn người đọc, phóng viên cần chọn lọc, không thiên lệch và bỏ qua những nội dung quan trọng trên nghị trường có độ “hót” kém hơn. Bởi lẽ, báo chí không chỉ thuần tuý là đưa tin, mà phải tăng cường nhiều hơn nữa các bài viết phân tích và đánh giá sâu sắc các ý kiến thảo luận của đại biểu và các quyết sách của Quốc hội; như vậy mới có thể chuyển tải hơi thở của thời đại và xã hội vào nghị trường và ngược lại. Những bài viết trong giải báo chí Diên Hồng vừa qua là một minh chứng điển hình.
PV: Là người từng viết báo và cũng thường xuyên gần gũi và tiếp xúc với phóng viên nghị trường, ông có thể chia sẻ những cảm nhận của mình về vấn đề này không?
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Là người tham gia viết bài, viết báo nhiều năm, tôi luôn gần gũi các nhà báo và học hỏi kinh nghiệm, cách viết của họ. Nên các nhà báo “tay phải” gọi vui tôi là “nhà báo tay trái”. Khi tham gia nghị trường Quốc hội, các nhà báo cũng tìm đến tôi đề nghị chia sẻ các nội dung, chủ đề mà họ cần chú ý đưa tin. Có những phóng viên ảnh gửi hoặc gặp tôi để trao và tặng những tấm ảnh đẹp, có thần thái ghi lại những khoảnh khắc tôi tham gia các hoạt động, hoặc phát biểu tại nghị trường... Tôi thấy nhiều lắm những nhà báo say nghề, cần mẫn với công việc của mình để làm ra những sản phẩm trí tuệ phục vụ nhân dân. Tôi rất trân trọng những đóng góp và cống hiến của họ.
Phóng viên nghị trường - họ thực sự là những nhà báo có năng lực chuyên môn và bản lĩnh chính trị vững vàng. Không ít người trong số họ đã từng tham gia truyền thông trên mặt trận dập đại dịch Covid-19, phục hồi kinh tế, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tiếp tục bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia, trong đó có chủ quyền biển, đảo Tổ quốc - lĩnh vực mà tôi gắn bó nhiều nhất. Nhiều nhà báo đã theo đuổi nghiệp làm báo trong nhiều khoá và kỳ họp của Quốc hội, UBTVQH, vậy nên, khi nhắc đến vai trò của báo chí không thể không nhắc đến các nhà báo nơi nghị trường Quốc hội.
PV: Với những kinh nghiệm đã trải qua, theo ông hoạt động báo chí thời gian tới cần có những thay đổi gì cả về cách thức tuyên truyền, cũng như các nội dung đáp ứng yêu cầu của bạn đọc và các nhà hoạch định chính sách?
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Trong thời gian tới, tình hình trong nước và quốc tế có những thay đổi căn bản, nhanh và khó đoán định. Nhiều nghị quyết của Đảng và Nhà nước, các chương trình/kế hoạch của Chính phủ được triển khai thực hiện “nước rút”, để kéo giảm khó khăn, thách thức; chuyển các lợi thế vốn có, các yếu thế thành lợi thế chung để chuyển thành lợi ích cho đất nước, cho các địa phương. Vì vậy, mặt trận báo chí tiếp tục đảm trách những nhiệm vụ nặng nề, nhạy cảm, đòi hỏi các cơ quan báo chí, các nhà báo tiếp tục đổi mới tư duy, tầm nhìn mới, tiếp tục đồng hành cùng đất nước và là “cầu nối” giữa báo chí với Quốc hội, với cử tri và Nhân dân.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên giảng viên Trường Đại học KHTN, là đại biểu Quốc hội khoá XV. Hiện ông là chuyên gia tư vấn độc lập, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam (VINAFIS), Ủy viên Hội đồng Trung ương Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Ủy viên Thường vụ VACNE kiêm Chủ tịch Hội Bảo vệ Môi trường biển (VAMEN). Từ năm 1975 đến nay, ông đã chủ trì hơn 50 đề tài khoa học, dự án các cấp quốc gia, khu vực và quốc tế liên quan đến nghiên cứu, quản lý vùng bờ và biển; tác giả và đồng tác giả của 53 cuốn sách
chuyên khảo và giáo trình, đứng tên chính của khoảng 0 bài báo nghiên cứu và quản lý biển xuất bản trong và ngoài nước và hàng trăm tác phẩm báo chí được đăng tải trên các báo.
Theo đó, cần ưu tiên hiện đại hoá hoạt động báo chí để bảo đảm kết nối và truyền tải nhanh, gọn, chính xác các hoạt động của Đảng, quyết sách của Quốc hội và kết quả triển khai nhiệm vụ của Chính phủ và các địa phương. Tiếp tục đa dạng hoá các hình thức truyền thông, tuyên truyền để báo chí xứng đáng là công cụ đắc lực, các nhà báo là lực lượng tiên phong trên mặt trận “cầm bút” với những bản tin, bài viết sâu, chất lượng trong việc định hướng, đấu tranh với các quan điểm sai trái, xấu độc của các thế lực thù địch; góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức cho toàn xã hội, tạo dựng niềm tin của Nhân dân, doanh nghiệp vào sự nghiệp chèo lái “chiếc thuyền cách mạng” vì nước, vì dân của Đảng và Nhà nước ta.
Tôi hy vọng, báo chí tiếp tục góp phần thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng một Việt Nam hùng cường, phồn thịnh và hạnh phúc vào năm 2030 và xa hơn theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Trân trọng cảm ơn ông!
Mai Thoa (thực hiện)