Tòa án địa phương

Sự giám sát của báo chí đối với hoạt động xét xử của Tòa án có ý nghĩa thiết thực

Mạnh Hùng 21/06/2023 - 16:56

“Có thể nói, báo chí đóng vai trò vô cùng quan trọng trong công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật cũng như trong công tác cải cách tư pháp đối với khối cơ quan tư pháp nói chung và hệ thống Toà án nói riêng”, đó là chia sẻ của ông Nguyễn Hữu Chính, Chánh án TAND TP. Hà Nội với PV Báo Công lý nhân dịp Kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

d23d979c-003b-41cb-83ea-e01ed14b9b42.jpeg
Đồng chí Nguyễn Hữu Chính, Chánh án TAND TP. Hà Nội

PV: Thưa Chánh án, với vai trò là người đứng đầu một đơn vị trong hệ thống Tòa án, ông có chia sẻ gì về vai trò, tầm quan trọng của báo chí trong công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật cũng như trong công tác cải cách tư pháp đối với khối cơ quan tư pháp nói chung và hệ thống Tòa án nói riêng?

Chánh án Nguyễn Hữu Chính: Có thể nói, báo chí đóng vai trò vô cùng quan trọng trong công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật cũng như trong công tác cải cách tư pháp đối với khối cơ quan tư pháp nói chung và hệ thống Toà án nói riêng.

Trong bối cảnh xã hội hiện đại ngày nay, vai trò của báo chí càng được khẳng định. Thông qua báo chí, những tồn tại, bất cập của xã hội được phát hiện, được đề xuất cách giải quyết; vấn đề bảo vệ an ninh quốc gia, tích cực đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng và các tệ nạn xã hội được bảo vệ. Báo chí góp phần chỉ ra nguyên nhân của hiện tượng tiêu cực về an ninh trật tự, an ninh xã hội.

Hơn nữa, hình thức báo chí đa dạng như: báo nói, báo viết, báo hình, báo điện tử… Vì vậy, báo chí tác động và ảnh hưởng đến người dân một cách tự nhiên, dễ tiếp nhận, đáp ứng được nhu cầu thông tin của lực lượng đông đảo người đọc. Thông tin được đưa ra ở nhiều góc độ, nhìn nhận và đánh giá đa chiều. Tùy theo đối tượng độc giả khác nhau, báo chí sẽ đưa ra những hình thức tuyên truyền phù hợp. Tranh thủ và phát huy thế mạnh này, báo chí càng có thêm sức mạnh của tuyên truyền pháp luật.

Ngoài mục tiêu xét xử, giải quyết các vụ án theo quy định của pháp luật, hoạt động xét xử của Tòa án còn có một mục đích khác, đó là thông qua hoạt động xét xử để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Do đó, nhiều cơ quan báo chí tham gia tác nghiệp tại Tòa án đóng góp hiệu quả cho việc thực hiện mục đích tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đạt hiệu quả cao. Việc công bố các bản án trên Cổng thông tin điện tử của Toà án đã trực tiếp tác động đến đội ngũ Thẩm phán, tạo ra động lực để các Thẩm phán tự học tập, tự đào tạo nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án.

Hoạt động công bố án lệ tạo tạo ra diễn đàn trao đổi thông tin mà những người quan tâm có thể dễ dàng tiếp cận. Các Thẩm phán có thể nhanh chóng tìm kiếm các văn bản quy phạm pháp luật mới về án lệ, án lệ được công bố để nghiên cứu, tham khảo. Người dân có thể tra cứu bất kỳ một án lệ nào hoặc một bản án, quyết định được dự kiến, từ đó góp ý, đánh giá đối với các án lệ đã được ban hành, cho ý kiến đối với các bản án, quyết định đề xuất dự kiến phát triển thành án lệ.

55b0a2ef-6b5e-4c30-9a0c-31f1c1f00192.jpeg
Chánh án Nguyễn Hữu Chính trao đổi với Nhà báo Mạnh Hùng, PV Báo Công lý

Báo chí, truyền thông có vai trò quan trọng trong hoạt động mọi mặt của đời sống xã hội, đóng góp tích cực vào việc kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan công quyền, trong đó có hệ thống Toà án. Thông qua truyền thông, công chúng sẽ biết được về các hoạt động của hệ thống Toà án, hiểu biết về quá trình đi đến các quyết định pháp lý, tạo ra niềm tin vào công lý. Thông qua báo chí, nhân dân thực hiện quyền giám sát của mình. Đó là, trong quá trình thực hiện chủ trương chính sách, luật pháp là để kịp thời phát hiện những nơi làm đúng, làm hay để biểu dương khích lệ và tổng kết kinh nghiệm thực tiễn; đồng thời cũng để sớm phát hiện những vấn đề bất cập, những nơi vi phạm chủ trương, chính sách và luật pháp để đấu tranh.

Sự giám sát của báo chí đối với hoạt động xét xử của Tòa án có ý nghĩa thiết thực, góp phần biểu dương những Thẩm phán, những phiên tòa xét xử thấu tình, đạt lý, đúng pháp luật, và ngược lại kịp thời phản ánh những bất cập, sai sót để Tòa án điều chỉnh kịp thời.

Có thể nói, báo chí đóng vai trò hết sức quan trọng trong công tác tuyền truyền pháp luật, đặc biệt đối với yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay.

PV: Chánh án có thể chia sẻ việc đơn vị mình đã tạo điều kiện như thế nào cho các Nhà báo khi tác nghiệp tại phiên tòa?

Chánh án Nguyễn Hữu Chính: Nhận thức vai trò, tầm quan trọng của báo chí truyền thông, đặc biệt trong công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật và trong công tác cải cách tư pháp, TAND TP. Hà Nội luôn tạo điều kiện để các Nhà báo tác nghiệp tại phiên tòa một cách thuận tiện và hiệu quả nhất.

Đảm bảo hoạt động xét xử công khai, minh bạch, TAND TP. Hà Nội luôn tạo điều kiện để việc đưa tin về diễn biến phiên toà dễ dàng, phù hợp với quy định của pháp luật nói chung và quy định theo Luật Báo chí nói riêng. Các nhà báo được quyền hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên toà xét xử công khai, được bố trí khu vực tác nghiệp, được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật.

Đáng chú ý, trong thời gian dịch bệnh Covid, đối với những phiên toà xét xử các vụ án dư luận xã hội quan tâm, TAND TP. Hà Nội đã bố trí một phòng riêng để các cơ quan báo chí có thể tham dự đầy đủ nhất, không giới hạn số lượng, vẫn đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh và đáp ứng nhu cầu truyền thông thông tin.

Các phiên toà rút kinh nghiệm cũng được các các cơ quan báo chí thông tin đầy đủ để nâng cao chất lượng tranh tụng, thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc: Bình đẳng, khách quan, tôn trọng sự thật, thẳng thắn trong tranh luận, nâng cao tính giáo dục, phổ biến pháp luật.

PV Để việc tuyên truyền pháp luật và cải cách tư pháp có hiệu quả, đơn vị mình đã có sự phối hợp, triển khai như thế nào với các cơ quan báo chí nói chung và Báo Công lý nói riêng, thưa Chánh án?

Chánh án Nguyễn Hữu Chính: Việc tuyên truyền pháp luật và đóng góp cho công cuộc cải cách tư pháp có hiệu quả là một trong những nhiệm vụ vô cùng quan trọng của ngành Toà án. Để đảm bảo thực hiện xuất sắc nhiệm vụ này, Toà án cần có sự phối hợp một cách có hiệu quả với các cơ quan truyền thông. Trong thời gian qua, TAND TP. Hà Nội luôn tích cực phối hợp với các cơ quan báo chí nói chung và Báo Công lý nói riêng.

Khi nhận được đề nghị cung cấp thông tin, TAND TP. Hà Nội sẵn sàng có trách nhiệm và có biện pháp phù hợp để cung cấp thông tin về hoạt động của Toà án. Hiểu được báo chí là diễn đàn của nhân dân, là nơi phản ánh tiếng nói, nguyện vọng của nhân dân, khi nắm bắt và tiếp nhận những vấn đề bất cập mà báo chí phản ánh, Toà án Thành phố đã nghiêm túc tiếp thu, xử lý nhanh chóng, kịp thời.

TAND TP. Hà Nội đã luôn tạo điều kiện tối đa để các phóng viên đến tham dự và tác nghiệp tại các phiên toà công khai theo đúng quy định của pháp luật; bố trí khu vực tác nghiệp riêng; liên hệ, phỏng vấn để thu nhận những thông tin mang tính thời sự cũng như những vấn đề bức xúc của người dân trong xã hội. Qua đó, nhiều vụ án đã được kịp thời thông tin đến người dân, đem lại nhiều bài học có tính giáo dục, răn đe phòng, chống tội phạm, góp phần tạo sự đồng thuận trong dư luận, người dân hiểu thêm về hoạt động tố tụng của Toà án, quy trình giải quyết các tranh chấp trong xã hội.

Đối với Báo Công lý, cơ quan báo chí của ngành Toà án, từ trước đến nay, TAND TP. Hà Nội luôn duy trì sự phối hợp tích cực, có hiệu quả. Bên cạnh những hoạt động đưa tin về các phiên toà công khai theo quy định của pháp luật, các sự kiện quan trọng của TAND TP. Hà Nội như Hội nghị tổng kết công tác năm, triển khai nhiệm vụ và phương hướng thời gian tới; Hội thảo, Tọa đàm khoa học về sự phối hợp liên ngành, các cuộc thi văn nghệ thể thao… cũng đều được Báo Công lý kịp thời đưa tin, bài phản ánh. Nhiểu trang báo đã kịp thời giới thiệu, biểu dương những tấm gương người tốt, việc tốt, tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, những Thẩm phán giỏi, Thẩm phán mẫu mực được vinh danh..

Qua đó, góp phần thông tin về tổ chức và hoạt động của TAND TP. Hà Nội; đáp ứng nhu cầu của xã hội về tìm hiểu pháp luật và hoạt động của hệ thống TAND Thành phố; nhân rộng những tấm gương điển hình tiên tiến; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật, đóng góp tich cực trong công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

PV: Chánh án có mong muốn gì đối với các cơ quan báo chí nói chung và Báo Công lý nói riêng trong việc tuyên truyền pháp luật và cải cách tư pháp trong thời gian tới?

Chánh án Nguyễn Hữu Chính: Chức năng, nhiệm vụ chính của Toà án là xét xử, diễn ra công khai (trừ một số vụ án xét xử kín) trước đông đảo người dân và các cơ quan báo chí. Hoạt động của Toà án còn có ý nghĩa tuyên truyền pháp luật. Các phóng viên tham gia tác nghiệp cũng đóng góp cho mục đích tuyên truyền pháp luật đạt được hiệu quả cao hơn. Thông qua báo chí, người dân hiểu được hoạt động của Toà án, quy trình đi đến một quyết định, bản án; từ đó tạo nên niềm tin vào công lý. Bên cạnh đó, báo chí còn có vai trò quan trọng đóng góp tích cực vào việc thực hiện quyền giám sát của nhân dân đối với hoạt động của Toà án.

Có thể nói, hoạt động của Tòa án và hoạt động của báo chí có tính tương tác với nhau. Hiểu được vấn đề này, đứng trước yêu cầu cải cách tư pháp nói chung và nhu cầu cần thiết của việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, tôi thực sự mong muốn tiếp tục duy trì sự phối hợp nhịp nhàng, có hiệu quả cao với các cơ quan báo chí.

Một là, mong các cơ quan báo chí mãi là phương tiện thông tin thiết yếu, là cơ quan ngôn luận của Đảng, cơ quan nhà nước, tuyên truyền chủ trương, đường lối; phản ánh trung thực, khách quan về hoạt động của Toà án;

Hai là, đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục cử các phóng viên có am hiểu pháp luật, có kinh nghiệm chốn pháp đình để theo dõi hoạt động của Toà án, từ đó hình thành nên các bài viết có chất lượng, có cái nhìn đúng đắn về Toà án

Ba là, kịp thời thông tin về những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, những bất cập để có hướng xử lý phù hợp, tránh những hiểu lầm không đáng có, giúp Toà án thực hiện đúng và tốt chức năng, nhiệm vụ của mình được quy định trong Hiến pháp và pháp luật.

Trong thời gian tới đây, TAND TP. Hà Nội sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi trong tác nghiệp, cung cấp thông tin về hoạt động của Toà án, về những vụ án, phiên toà dư luận quan tâm, tiếp thu, xử lý những vấn đề bất cập mà báo chí phản ánh.

Đối với báo Công lý, chúng tôi mong muốn tiếp tục được nhận sự quan tâm, tham gia đưa các tin bài phản ánh hoạt động của TAND TP. Hà Nội để kịp thời nhân rộng những tấm gương điển hình tiên tiến, phát huy hiệu quả cao của công tác tuyên truyền pháp luật nói riêngvà đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp nói chung.

Nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, tôi kính chúc các đồng chí đã và đang công tác trong ngành báo chí nói chung và Báo Công lý nói riêng, có thật nhiều sức khoẻ để cống hiến hết mình cho ngành, giữ mãi ngọn lửa đam mê với nghề, luôn vững ngòi bút của mình để trở thành chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Chúng tôi luôn ngưỡng mộ những đóng góp thầm lặng của các bạn.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Mạnh H ng