Sức Khỏe

Liên tiếp ghi nhận hai trường hợp bị chó dại cắn tử vong

Trần Sỹ 26/06/2023 - 19:45

Chiều 26/6, thông tin từ Giám đốc Trung tâm kiểm soát Bệnh tật tỉnh Gia Lai cho biết, trong tháng 6/2023, trên địa bàn tỉnh liên tiếp ghi nhận 2 cháu bé bị chó dại cắn tử vong.

Trường hợp đầu tiên là cháu Kpuih Sang (SN 2016, giới tính Nam), trú tại Làng Lung Prông, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ. Ngày phát bệnh: 21/6/2023, ngày vào viện: 22/6/2023.

Theo lời khai của người nhà, ngày 8/4/2023 cháu Sang bị vật nuôi trong nhà (chó đang sinh con) cắn vào vùng mặt (má trái), vết thương có rỉ máu kích thước khoảng 3cm. Sau khi chó cắn người nhà đưa cháu ra y tế tư nhân để xử trí, rửa và khâu vết thương. Tuy nhiên không tiêm vắc xin phòng dại.

Khi trở về nhà, gia đình tự rửa vết thương và chăm sóc cháu (trong thời gian này bé chưa có biểu hiện bệnh). Sau đó một thời gian, ngày 21/6, cháu bé có biểu hiện sốt, mệt mỏi, chán ăn, sợ nước, sợ gió ở nhà có biểu hiện co giật nhẹ được người nhà cho đi viện.

anh.-gia-lai.-2-chau-be-tu-vong-vi-benh-dai.jpeg
Bệnh dại rất nguy hiểm, tỉ lệ tử vong 100% mà không có thuốc điều trị.

Thời gian nhập viện vào lúc 23h10’ ngày 22/6 tại Khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai. Tại đây, bệnh nhân được thăm khám và được chẩn đoán xác định là dại lên cơn. Người nhà bệnh nhân đã được y, bác sĩ tại khoa hồi sức cấp cứu thông báo và giải thích về tình trạng bệnh của bệnh nhân.

Sau khi nghe giải thích của bác sỹ về tình trạng bệnh, người nhà đã viết giấy cam kết xin về nhà tự điều trị (cam kết tự chịu mọi trách nhiệm nếu có vấn đề xảy ra).

Đến 7h30’ ngày 23/6, bệnh nhân được người thân đưa về nhà. 14h30’ chiều cùng ngày, cháu bé tử vong.

Trường hợp thứ hai là bé gái Nhoam (SN 2018), trú tại thôn Piơm, thị trấn Đăk Đoa, huyện Đăk Đoa. Ngày khởi phát triệu chứng đầu tiên: 14/6/2023; Ngày vào viện: 14/6. Ngày tử vong /6.

Theo lời khai của người nhà bệnh nhân, vào tháng 3/2023 bệnh nhân bị chó dại cắn 1 vết ở chân, có xử lý bằng cách rửa bằng nước. Sau đó 3 ngày con chó chết. Bệnh nhân không tiêm huyết thanh kháng dại và vắc xin dại mà chỉ dùng thuốc đông y.

Đến ngày 14/3, bệnh nhân có triệu chứng sốt, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng, gào hét kèm tiết đờm dãi nhiều và được người nhà đưa đến Trung tâm Y tế huyện Đăk Đoa sau đó chuyển lên Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai để cấp cứu và điều trị.

Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán dại lên cơn. Đến 1h’ ngày /6, người nhà xin đưa bệnh nhân về để chăm sóc. Khoảng 4h20’ giờ 20 phút sáng cùng ngày bệnh nhân tử vong.

Trước sự việc này, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai, khuyến cáo những người đã chăm sóc phục vụ trực tiếp người bệnh có tiếp xúc nước bọt và các đồ vật bị nhiễm chất tiết của người bệnh điều trị dự phòng bằng tiêm vắc xin dại, huyết thanh dại; theo dõi sức khỏe trường hợp bị chó cắn để có hướng xử lý kịp thời.

Cùng với đó, tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến cộng đồng dân cư về sự nguy hiểm của bệnh dại, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về việc tiêm phòng vắc xin sau khi bị chó nghi dại cắn hoặc đến cơ sở y tế để được tư vấn.

Sát trùng, tẩy uế đối với nước bọt và các đồ vật bị nhiễm chất tiết và toàn bộ bề mặt sàn nhà bằng xà phòng và Chloramin B.

Phối hợp với thú y xã cùng với các đoàn thể UBND trong xã tuyên truyền tới từng hộ gia đình về các biện pháp phòng, chống bệnh dại, yêu cầu tất cả chó, mèo trong vùng dịch phải được nhốt, xích hoặc rọ mõm, tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo; đồng thời phải cách ly, theo dõi những con vật nghi mắc bệnh, nhiễm bệnh Dại theo quy định.

Trần Sỹ