Truyền 70 lọ huyết thanh cứu 3 người bị rắn độc cắn
Chỉ trong 4 ngày, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ tiếp nhận 3 trường hợp bị rắn cắn trên địa bàn huyện Đoan Hùng, huyện Thanh Ba và TP Việt Trì.
Trong đó, bệnh nhân V.M.T. (55 tuổi, Đông Thành, Thanh Ba) nhập viện ngày 29/6 trong tình trạng sưng nề, đau nhức, bầm tím trên mu bàn tay trái.
Trước đó, bệnh nhân bị rắn cắn tại nhà riêng. Sau khi giải thích tình trạng với gia đình, bệnh nhân được chỉ định dùng "Huyết thanh kháng nọc độc rắn hổ". 30 lọ huyết thanh đã được sử dụng trong ngày đầu tiên.
Cũng bị rắn hổ mang cắn, bệnh nhân M. (trú tại Đoan Hùng, Phú Thọ) lại diễn biến nặng hơn. Theo lời người nhà, sau khi thức dậy vào khoảng 4h50 ngày 2/7, bệnh nhân bước chân xuống đi trong phòng ngủ và bị rắn ẩn nấp trong gầm tủ cắn.
Bệnh nhân được người nhà đưa đến trung tâm y tế gần nhất nhưng không có thuốc đặc trị nên đã được chuyển xuống Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng: tỉnh, sưng nề, đau nhức lan rộng từ bàn chân lan lên cẳng chân, hoại tử mu bàn chân phải và được truyền 30 lọ huyết thanh kháng nọc rắn trong ngày đầu tiên.
Rạng sáng 2/7, bệnh nhân N.B.N. (35 tuổi, Hy Cương, Việt Trì) bị rắn cắn tại sân nhà và ngay lập tức được người nhà chuyển đến Khoa Cấp cứu, nhập viện trong tình trạng sưng nề đau nhức tại vết cắn vùng gót chân, máu không đông. Chỉ số đông máu cơ bản, fibrinogen giảm thấp.
Bệnh nhân được xác đinh bị rắn lục cắn và được truyền ngay 10 lọ huyết thanh kháng rắn lục.
TS.BS Hà Thị Bích Vân - Trưởng khoa Cấp cứu cho biết, nhiều người liên tiếp bị rắn cắn do mùa mưa là giai đoạn sinh nở, phát triển của các loại rắn, nhất là rắn độc. Tình trạng biến đổi khí hậu và đô thị hóa đã phá vỡ môi trường sống của rắn nên chúng trú ẩn và kiếm ăn trong các khu vườn, tán cây, bụi cỏ, gần dân cư sinh sống và bò vào nhà cắn người.
Mỗi loài rắn có độc tính của nọc khác nhau. Triệu chứng, tình trạng ngộ độc của người bị rắn cắn phụ thuộc vào loài rắn, vị trí vết cắn. Điều trị hữu hiệu nhất là dùng huyết thanh kháng nọc rắn, thời điểm sử dụng tốt nhất là 6 giờ đầu, chậm nhất trong giờ.
Vì vậy, người bị rắn cắn cần được xử trí và cấp cứu kịp thời để hạn chế tình trạng hoại tử tay chân, rối loạn đông máu, nhiễm trùng máu, thậm chí tử vong.
Từ cuối năm 2021, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã mua sắm huyết thanh kháng nọc rắn hổ mang và rắn lục điều trị cho bệnh nhân bị rắn độc cắn. Đến nay, gần 100 trường hợp được điều trị kịp thời mà không cần phải chuyển lên tuyến trên.