Thị trường lao động vẫn gặp khó trong những tháng cuối năm
Những tháng cuối năm, dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn và thách thức đáng kể, đặc biệt với những ngành hàng, lĩnh vực thâm dụng lao động. Điều này sẽ dẫn đến đời sống người lao động càng khó khăn hơn, tỷ lệ thất nghiệp cũng có thể gia tăng... đang là một vấn đề đáng lo ngại.
Những cơ hội đan xen thách thức
Bảo đảm việc làm và an sinh xã hội cho người dân là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và xã hội, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, đồng thời thể hiện cam kết của Việt Nam với quốc tế trong thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển mới, bên cạnh những cơ hội đan xen khó khăn, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Khi nền kinh tế đang đứng trước nhiều thử thách trong năm 2023, dự báo thị trường lao động chắc chắn cũng sẽ chịu nhiều rủi ro và thách thức.
Trong đó, 3 thách thức lớn do bối cảnh xung quanh gây ra mà thị trường lao động, việc làm phải đối mặt. Đó là, trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn còn và các nước ứng xử rất khác nhau, việc sản xuất, kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng.
Vấn đề lạm phát ở các nước đang đẩy giá thành nguyên vật liệu tăng cao. Xung đột giữa Nga và Ukraine dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, gây khó khăn cho việc sản xuất, nhất là trong các ngành chế biến, chế tạo.
Nền kinh tế suy thoái trong bối cảnh lãi suất cao khiến nhu cầu tiêu dùng những tháng cuối năm 2022 và những tháng đầu của năm 2023 sụt giảm, ảnh hưởng trực tiếp tới đơn hàng của các doanh nghiệp.
Số liệu việc làm, thị trường lao động từ các cơ quan quản lý nhà nước đều cho thấy, thị trường lao động những tháng đầu năm 2023 có sự phục hồi nhất định, song các dự báo về triển vọng nửa cuối năm không mấy lạc quan, người lao động sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập.
Theo Tổng cục Thống kê, tình trạng doanh nghiệp thuộc các ngành hàng xuất khẩu lớn bị cắt giảm đơn hàng kéo dài từ quý IV/2022 đến nay, dẫn đến hàng trăm ngàn người lao động bị mất việc làm, giảm giờ làm.
Dù lao động, việc làm quý II năm 2023 có xu hướng tăng, nhưng thị trường lao động, việc làm tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chủ yếu do các doanh nghiệp thiếu đơn hàng sản xuất. Thị trường lao động việc làm quý II năm 2023 không duy trì được đà phục hồi và khởi sắc như trong các quý đầu năm 2022.
Theo báo cáo nhanh từ các địa phương, số lao động nghỉ giãn việc của doanh nghiệp trên cả nước trong quý II/2023 khoảng 1.500 người, giảm 52.500 người so với quý trước.
Số lao động này đa số thuộc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thuộc lĩnh vực da giày, dệt may, thuộc các địa phương: Đồng Nai, Bắc Giang, Bình Dương, Ninh Bình, Thanh Hóa.
Lao động bị mất việc trong quý II năm 2023 là 217.800 người, tập trung chủ yếu ở các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử, chế biến gỗ (chiếm tỷ trọng lần lượt là 16,8%; 14,1%; 14,8% và 6,1%), thuộc các tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như thuộc các địa phương:: Bình Dương (khoảng 83.200 người), TP.HCM (khoảng 30.400 người), Bắc Ninh (khoảng 10.700 người), Bắc Giang (khoảng 9.300 người),…
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam Bộ là hai vùng có tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động cao nhất cả nước, tương ứng là 2,65% và 2,64%. So với quý trước, tỷ lệ này ở hai vùng trên tăng lên, cùng tăng 0,01 điểm phần trăm.
Số lao động ở các ngành dệt may, chế biến gỗ, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học cũng giảm mạnh so với quý trước, lần lượt là 142.500; 16.900; 30.200 người do đơn hàng giảm. Áp lực sa thải từ các doanh nghiệp đang tạo ra sự dịch chuyển mạnh lao động từ khu vực công nghiệp, xây dựng sang dịch vụ (cả chính thức và phi chính thức).
Tính chung, cơ quan thống kê cho biết, thất nghiệp quý II tăng cả về số lượng lẫn tỷ lệ. Trong đó, số người thất nhiệp trong độ tuổi lao động khoảng 1,07 triệu người, tăng 25.400 người so với quý trước và tăng 1.900 người so với cùng kỳ năm trước, còn tỷ lệ thất nghiệp là 2,3%, tăng 0,05 điểm phần trăm so với quý trước...
Tỷ lệ thiếu việc làm quý II cao nhất thuộc về vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 3,01% và thấp nhất thuộc về vùng Đồng bằng sông Hồng với 1,03%.
Theo quan sát của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, đánh giá chung xu hướng ở thị trường Hà Nội vẫn tích cực, song trong các tháng tiếp theo, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Triển vọng phục hồi và phát triển thị trường lao động Hà Nội sẽ phụ thuộc nhiều vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Nhu cầu sử dụng lao động sẽ có xu hướng phân hóa theo từng ngành sản xuất kinh doanh tùy theo diễn biến của kinh tế trong nước và quốc tế. Nhu cầu sử dụng lao động sẽ có mức tăng trưởng chậm lại so với giai đoạn trước...
Cần giải pháp đồng bộ
Tình hình lao động việc làm quý 2/2023 cho thấy, thị trường lao động đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Lường trước những khó khăn sắp tới, cơ quan chức năng cần có những giải pháp khắc phục với những vấn đề đang đặt ra trong lĩnh vực lao động, việc làm.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, để thị trường lao động phục hồi bền vững, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực…
Đồng thời, Tổng cục Thống kê đề xuất một số giải pháp như Chính phủ tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, phát động các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác thị trường mới, đơn hàng mới cho doanh nghiệp.
Cùng với đó, có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như: Da giày, dệt may, điện-điện tử.
Bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để duy trì việc làm.
"Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản trị thị trường lao động phù hợp, từng bước hiện đại, minh bạch có kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác làm cơ sở xây dựng và tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả kết nối cung cầu lao động, việc làm, an sinh xã hội" - Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.
Như vậy, để giải quyết những khó khăn trên thị trường lao động, cần có sự đồng bộ và tương tác giữa chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức đào tạo, và người lao động. Các bên liên quan cần hợp tác để tạo ra một hệ thống và đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết những thách thức hiện tại.
Chỉ khi tất cả các bên làm việc cùng nhau và đóng góp sức mạnh của mình, chúng ta có thể tạo ra một môi trường lao động tốt hơn, cung cấp cơ hội việc làm và phát triển bền vững cho tất cả mọi người.
Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II năm 2023 khoảng 1,07 triệu người, tăng 25,4 nghìn người so với quý trước và tăng 1,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.