Bắc Giang: Nỗ lực chuyển đổi số tại các thư viện
Hệ thống thư viện của tỉnh Bắc Giang đang nỗ lực chuyển đổi số theo hướng xây dựng mô hình thư viện thông minh. Việc triển khai chuyển đổi số ở một số thư viện bước đầu đã mang lại hiệu quả.
Định hướng phát triển thư viện thông minh
Thực hiện “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ (ban hành ngày 11/2/2021). Các thư viện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã từng bước thực hiện chuyển đổi số. Tại Thư viện tỉnh Bắc Giang hiện có gần 165 nghìn bản sách, tài liệu và hơn 30 nghìn đầu sách luân chuyển ở các huyện và thành phố. Trong 5 năm gần đây, mỗi năm đơn vị này đã số hóa từ 8 - 10 nghìn trang tài liệu địa chí, dịch thuật tài liệu từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, biên soạn 10-12 thư mục tài liệu liên quan đến tỉnh Bắc Giang trên báo chí Trung Ương. Năm 2022, số lượt bạn đọc truy cập tài liệu điện tử và tra cứu mục lục trực tuyến trong trang thư viện tỉnh đạt gần 20 nghìn lượt, tăng % so với năm 2021. Ông Nguyễn Đắc Hồng, Giám đốc Thư viện tỉnh Bắc Giang cho biết, đơn vị này thường xuyên cử nhân viên tham gia các lớp tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số (CĐS) do tỉnh Bắc Giang và Trung Ương tổ chức. Đồng thời, mời các chuyên gia có uy tín bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ số hóa cho cán bộ làm công tác thư viện.
Căn cứ Kế hoạch 4631 ngày 9/9/2021 do UBND tỉnh Bắc Giang ban hành thực hiện “Chương trình CĐS ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, xác định một số mục tiêu chủ yếu đến năm 2025. Đó là đầu tư kinh phí phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, triển khai liên thông, chia sẻ tài nguyên và sản phẩm thông tin thư viện theo chức năng, nhiệm vụ. Hoàn thiện số hóa 100% tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học do Thư viện tỉnh Bắc Giang sưu tầm. Phấn đấu 80% thư viện cộng đồng cấp huyện được trang bị phần mềm quản lý thư viện điện tử. Thực hiện liên kết chia sẻ, khai thác tài nguyên thông tin dùng chung giữa các thư viện. Phấn đấu đạt tỷ lệ 80% người làm công tác thư viện cấp huyện được đào tạo và đào tạo lại, được cập nhật kiến thức, kỹ năng vận hành thư viện hiện đại. Phấn đấu 70% thư viện chuyên ngành và thư viện cơ sở giáo dục, đào tạo được trang bị phần mềm quản lý thư viện. Xây dựng được trang thông tin điện tử có khả năng cung cấp dịch vụ trực tuyến trên nhiều phương tiện truy cập. Định hướng đến năm 2030 tiếp tục đẩy mạnh CĐS, phát triển thư viện thông minh dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo AI, thực hiện liên thông ở mọi loại hình thư viện, bảo đảm cung ứng hiệu quả dịch vụ cho người sử dụng.
Ông Nguyễn Sĩ Cầm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Bắc Giang cho biết, Sở đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị liên quan tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị, tiện ích thư viện thông minh trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) hiện đại. Xây dựng nguồn tài nguyên thông tin số, chủ động khai thác các nguồn tài liệu số mở, liên kết, chia sẻ nguồn tài liệu số với các thư viện và cơ quan thông tin trong nước.
Xây dựng kho tri thức số
Với ngành giáo dục và đào tạo, một số thư viện trường học bước đầu áp dụng CNTT nhằm từng bước hiện đại hóa công tác thông tin, thư viện. Cụ thể, như: Trang bị máy tính, xây dựng cơ sở dữ liệu để tra cứu trên mạng Internet, duy trì, áp dụng phần mềm; xây dựng trang thông tin điện tử, số hóa tài liệu. Đồng thời, cập nhật tin tức, tra cứu hoạt động nghiệp vụ trên trang tin điện tử.
Trường THCS Lê Quý Đôn (Thành phố Bắc Giang) là đơn vị đi tiên phong trong việc ứng dụng CNTT và số hóa các tài liệu vào hoạt động thư viện. Hiện nay, thư viện trường có hơn 2 nghìn bản sách, tài liệu tham khảo dành cho học sinh, giáo viên. Đến tháng 5/2022, nhà trường đã xây dựng trang thư viện số, có kho dữ liệu tiện lợi cho việc tìm kiếm, nghiên cứu tài liệu. Đơn vị đã chụp hơn 1 nghìn bản sách và tài liệu sưu tầm đưa lên trang thư viện số. Bà Ngô Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn cho biết: Trong trang thư viện số của trường có đường liên kết với thư viện các trường đại học uy tín trong và ngoài nước như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Harvard (Mỹ), Đại học James Cook (Singapore). Nhờ việc liên kết này đã góp phần đắc lực phục vụ nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn, chất lượng giảng dạy, học tập của giáo viên, học sinh.
Sau một thời gian triển khai Kế hoạch 4613, nhận thức của các cấp, ngành về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc CĐS ngành thư viện từng bước được nâng lên. Các đơn vị bước đầu tiếp cận, xây dựng kế hoạch triển khai. Việc số hóa tài liệu, nâng cấp phần mềm, liên thông, chia sẻ tài nguyên và sản phẩm thông tin thư viện được quan tâm. Bên cạnh thuận lợi, các thư viện gặp khó khăn trong quá trình triển khai đó là thiếu đội ngũ cán bộ có chuyên ngành CNTT. Phần lớn nhân viên thư viện ở các huyện, thành phố không được đào tạo đúng chuyên ngành; hệ thống máy tính thiếu, xuống cấp; hạ tầng viễn thông ở một số nơi thuộc khu vực miền núi, vùng cao chưa đáp ứng yêu cầu. Cùng đó, việc khai thác, sử dụng, số hóa sách, tài liệu điện tử gặp rào cản do vấn đề bản quyền.
Để thực hiện có hiệu quả chương trình CĐS ngành thư viện tỉnh Bắc Giang, thúc đẩy phát triển văn hóa đọc. Thời gian tới, các cấp, ngành, đơn vị liên quan cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hoàn thiện cơ chế, chính sách và các quy định của pháp luật. Xây dựng nguồn tài nguyên thông tin số, chủ động khai thác các nguồn tài liệu số mở, tích hợp, kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu, trao đổi tài nguyên thông tin giữa các thư viện trong nước và quốc tế. Phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động thông minh. Tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ, chuyên môn, kỹ năng CĐS cho cán bộ quản lý, người làm công tác thư viện. Chú trọng bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng cao, có khả năng xây dựng và quản trị thư viện số. Đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp về phát triển hạ tầng CNTT, hạ tầng số, chuyển giao khoa học và công nghệ.
Trong giai đoạn 2022-2025, Sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang tiếp tục ưu tiên hiện đại hóa hệ thống hạ tầng CNTT, thực hiện CĐS qua hệ thống phần mềm và số hóa dữ liệu, xây dựng kho tri thức số. Cùng đó, đào tạo nhân lực phục vụ vận hành hệ thống, đầu tư nâng cấp hạ tầng CNTT.