Văn hóa - Du lịch

Để “tọa độ lửa” Truông Bồn mãi xanh

Gia Ân- Huyền Trang 12/07/2023 - 10:40

Truông Bồn từng là “tọa độ lửa” trong chiến tranh nhưng giờ đây đã khoác lên mình màu sắc của hàng ngàn cây xanh. Trên mảnh đất "bom cày đạn xới" năm xưa bừng lên sức sống của màu xanh cây cỏ.

“Tọa độ lửa”

Khu di tích lịch sử Truông Bồn tọa lạc tại xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương (tỉnh Nghệ An) là nơi nằm xuống của nhiều liệt sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

truong-bon-1.jpg
Truông Bồn “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng và tinh thần yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau

Nơi đây đặc biệt ghi nhớ sự hy sinh của 13 chiến sĩ Đại đội Thanh niên xung phong (TNXP) 317. Họ - những người con trên khắp các vùng quê xứ Nghệ đã ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ. Những tấm gương dũng cảm của liệt sĩ TNXP ở đây đã làm nên “Huyền thoại Truông Bồn”.

Gần 55 năm về trước, trong buổi sáng định mệnh 31/10/1968, những cô gái, chàng trai của Tiểu đội 2, Đại đội 317, Tổng đội TNXP tỉnh Nghệ An vác cuốc xẻng thực hiện nhiệm vụ san lấp hố bom để thông đường cho những đoàn xe ra tiền tuyến với tinh thần “tim có thể ngừng đập, nhưng đường không thể tắc”.

Đến khoảng 6h10 phút ngày 31/10/1968, khi công việc sắp hoàn thành thì bất ngờ máy bay Mỹ xuất hiện, thả 72 quả bom xuống trọng điểm Truông Bồn - một đoạn đường chỉ có chiều dài khoảng 120m, rộng 50m, đúng nơi các thanh niên xung phong đang làm nhiệm vụ.

Những quả bom với sức công phá kinh hoàng, ánh sáng và tiếng nổ ầm ào như xé toạc bầu trời. Chẳng có căn hầm nào chống chịu được sức hủy diệt ấy. Đất đá bị cày xới hất tung lên, để lại những hố bom sâu hoắm. Không lâu sau, tiếng rít gào biến mất. Truông Bồn chìm trong thinh lặng...

13 TNXP ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ. Chỉ ít tiếng nữa thôi, họ hoàn thành nhiệm vụ trên “tọa độ lửa” Truông Bồn, khi đế quốc Mỹ phải ngừng ném bom trên toàn miền Bắc.

Các TNXP ai cũng đã có dự định riêng cho cuộc đời mình. 5 chị chuẩn bị bước vào giảng đường, giấy báo nhập học vẫn đang gói trong từng chiếc khăn mùi soa; và ít tiếng nữa thôi chị Nguyễn Thị Tâm và anh Cao Ngọc Hòa sẽ đưa nhau về quê làm lễ đính hôn, tổ chức đám cưới. Thế rồi, không có đám cưới nào được tổ chức nhưng họ đã sống, chiến đấu và ngã xuống bên nhau, viết nên câu chuyện tình yêu lứa đôi hòa vào tình yêu đất nước.

Ghi nhận địa danh Truông Bồn, ghi nhận sự cống hiến và hy sinh oanh liệt của các chiến sĩ Truông Bồn, tiêu biểu là sự cống hiến và hy sinh oanh liệt của 13 chiến sĩ TNXP “Tiểu đội thép”, ngày 12/1/1996, Truông Bồn được công nhận Di tích lịch sử Quốc gia.

Ngày 23/9/2008, Chủ tịch nước có Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể 14 chiến sĩ TNXP Truông Bồn. Năm 20, Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn với diện tích 217.327m², được hoàn thành.

Truông Bồn mãi xanh

Giờ đây, “túi bom” ngày nào nay đã hồi sinh mạnh mẽ từ màu xanh của hàng nghìn cây trong Khu di tích lịch sử Truông Bồn. Ông Phan Trọng Lộc - Giám đốc Ban quản lý Khu di tích lịch sử Truông Bồn cho biết, trên diện tích hơn 210.000 m2 khu di tích có khoảng gần 2000 cây to các loài, chưa tính các loài cây, bồn hoa nhỏ khác.

truong-bon-2.jpg
Những ngày tháng 7, rất đông du khách đến thăm Khu di tích lịch sử Truông Bồn

Những gốc cây to lớn đã phủ xanh “tọa độ chết” ngày nào. Nào lộc vừng đỏ thắm, nào mận quân tím thẫm, nào ban đỏ Tây bắc, nào mận trắng biên cương… Có nhiều loài cây lưu niệm của các lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương.

Ấn tượng hơn cả, trong khuôn viên Khu Di tích có những cây sim, cây mua hoa nở quanh năm. Vào mùa hè, các bộ Khu di tích thường hái những cánh mua rực tím đặt lên ngôi mộ chung 13 liệt sĩ TNXP mỗi ngày.

Theo cán bộ chăm sóc cây ở đây, mỗi cây có một “lịch sử” riêng; có cây được chở về từ Tây Bắc xa xôi, có cây phải vận chuyển, hay chiết cành từ miền nam xa xôi… Chẳng biết có phải nhờ khí thiêng Truông Bồn hay không mà hầu hết các cây trồng nơi đây đều sinh trưởng tốt, kể cả những cây khó sống trên đất lạ.

Truông Bồn giờ đây đã trở thành điểm đến du lịch tâm linh của nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc mỗi khi có dịp về Nghệ An. Nơi đây cũng là “địa chỉ đỏ” giáo dục cho các thế hệ trẻ về truyền thống anh hùng của dân tộc, về tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng kiên cường, bất khuất của các thế hệ cha anh đi trước.

Ông Phan Trọng Lộc chia sẻ, hàng năm, Khu di tích lịch sử Truông Bồn đón khoảng hơn 300.000 lượt khách. Trong những ngày tháng 7 lịch sử, lượng khách về với Truông Bồn để tri ân các liệt sĩ càng đông hơn. Tất cả đều lặng lẽ dâng hương, lặng lẽ lau vội những giọt nước mắt khi nghe thuyết minh về cái ngày cuối cùng của các TNXP. Và khảm sâu trong tim họ là niềm cảm phục về một thế hệ “đã đi không tiếc đời mình”, hiến dâng cho quê hương những gì đẹp nhất, cho Truông Bồn mãi xanh.

Gia Ân- Huyền Trang