Đang ở Nhật Bản vẫn có bệnh án của Bệnh viện Đa khoa Hoằng Hóa
Khi đang lao động ở Nhật Bản nhưng người dân vẫn có bệnh án nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa). Rà theo danh sách, nhiều trường hợp không hề tới bệnh viện này thăm khám, nhưng vẫn có hồ sơ đề nghị thanh toán. Cơ quan điều tra đã vào cuộc xác minh.
Qua quá trình xác minh thông tin để giải quyết quyền lợi bảo hiểm, một công ty bảo hiểm nhân thọ phát hiện có nhiều khách hàng tuy không điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) nhưng lại có giấy ra viện, các chứng từ y tế có đóng dấu của bệnh viện và dùng chứng từ này để yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm.
Trong số đó, có khách hàng đang làm việc tại Nhật Bản (Nguyễn Văn L. sinh năm 1987, trú tại Hoằng Đức, Hoằng Hóa) thời gian điều trị 2 lần tại Bệnh viện Đa khoa Hoằng Hóa (lần 1 từ 30/12/2021- 09/1/2022; lần 2 từ 17/10/2022- 27/10/2022).
Có khách hàng Lê Đức Th. (sinh năm 1992, tại Hoằng Đại, TP Thanh Hóa) đang đi làm tại 1 công ty xây dựng trên địa bàn phường Long Anh xác nhận, không nằm viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hoằng Hóa nhưng vẫn có bệnh án từ 29/4/2022- 9/5/2022.
Một số trường hợp còn có hồ sơ theo gia đình như trường hợp Phạm Đình Đ. (sinh năm 1974, xã Hoằng Hợp, Hoằng Hóa) cùng 2 con (sinh năm 2007, 2009) có hồ sơ điều trị tại bệnh viện từ /2- 25/2/2022 nhưng thực tế chỉ nằm ở nhà…
Trao đổi với PV, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hoằng Hóa Nguyễn Xuân Lập thừa nhận: “Đúng là bệnh viện có sơ xuất. Đối với bệnh nhân L. qua làm việc với gia đình anh L. được biết, anh này có tham gia bảo hiểm nhân thọ và đang làm việc tại Nhật Bản.
Để được thanh toán chi phí nằm viện với công ty bảo hiểm, người nhà đã nhờ một người đóng giả là anh L. đến khám và điều trị tại bệnh viện. Do lúc này đang cao điểm của Covid-19 nên bệnh viện đã sơ xuất không kiểm tra, đối chiếu giấy tờ tùy thân của người bệnh.
Đối với bệnh nhân Th. có vào viện khám và được chuẩn đoán áp xe vùng má phải. Bệnh nhân được chỉ định vào điều trị nội trú, tiến hành siêu âm, xét nghiệm và dùng thuốc. Nhưng sau đó bệnh nhân tự ý bỏ về đi làm. Bệnh viện nhận thấy thiếu sót khi không quản lý bệnh nhân /.
Các gia đình có bệnh án của bệnh viện, qua kiểm tra nhận thấy công tác quản lý bệnh nhân nằm điều trị nội trú tại một số khoa, phòng của bệnh viện đôi lúc còn chưa đúng quy định. Cái này chúng tôi xin rút kinh nghiệm và đã có báo cáo Sở Y tế”.
Cũng theo ông Lập, hiện cơ quan công an đã vào cuộc, thu thập hồ sơ, tài liệu nên không thể cung cấp gì thêm.
Trước tình trạng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng cao bất thường trong những tháng đầu năm, tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản gửi các đơn vị có liên quan nhằm ngăn chặn việc lợi dụng khám chữa bệnh nhân đạo của một số bệnh viện để trục lợi quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm.
Theo báo cáo, tình hình chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế 4 tháng đầu năm 2023 tại Thanh Hóa lên tới gần 1.440 tỷ đồng, tăng 32% (tương ứng tăng hơn 351 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2022.
Số lượt bệnh nhân đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế toàn tỉnh Thanh Hóa là hơn 1,6 triệu lượt người, tăng 38% (tương ứng tăng 444.721 lượt) so với cùng kỳ năm 2022.
Một số cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế có gia tăng số lượt khám chữa bệnh, chi phí khám chữa bệnh cao so với cùng kỳ như: Bệnh viện Đa khoa huyện Quan Hóa tăng 106%; Phòng khám Đa khoa - Trung tâm y tế huyện Ngọc Lặc tăng 101%; Bệnh viện Đa khoa huyện Lang Chánh tăng 95%...
Một số cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế có gia tăng chi phí bình quân đơn ngoại trú năm 2023 cao so với cùng kỳ như: Phòng khám Đa khoa Nam Sơn tăng 75%; Bệnh viện phục hồi chức năng tỉnh Thanh Hóa tăng 64%; Bệnh viện mắt tỉnh Thanh Hóa tăng 41%; Bệnh viện Đa khoa Hải Tiến tăng 40%...
Nhằm kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế các tháng cuối năm 2023 và tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn quỹ bảo hiểm y tế, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có văn bản yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan bảo hiểm xã hội trong kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm y tế theo các quy định của pháp luật, trong đó có việc lợi dụng khám chữa bệnh nhân đạo của một số bệnh viện để trục lợi quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm.