Đoàn kiểm tra Bộ Chính trị làm việc tại Hà Giang
Chiều /7, tại tỉnh Hà Giang, Đoàn kiểm tra số 888 của Bộ Chính trị do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang về việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác cán bộ.
Tại buổi làm việc, ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đây là hoạt động kiểm tra thường xuyên, định kỳ hàng năm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhằm kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược; giúp đơn vị đến kiểm tra kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận, đánh giá cao những kết quả trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN của tỉnh Hà Giang, đồng thời nhấn mạnh, công tác cán bộ là khâu then chốt, hết sức quan trọng.
BCH Trung ương vừa tổ chức sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, tiến tới chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng. Do đó, năm 2023 Bộ Chính trị chọn nội dung kiểm tra về công tác cán bộ các cấp, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược nhằm đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Đại hội XIII và Nghị quyết 26 về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khẳng định, Hà Giang là tỉnh địa đầu Tổ quốc, còn nhiều khó khăn, tuy nhiên trong những năm qua đã quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, cán bộ cấp chiến lược. Nhiều cán bộ lãnh đạo được Trung ương điều về Hà Giang hiện đã trưởng thành và phát triển, nổi bật như nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh đã được bầu giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng là cán bộ được Trung ương điều về giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy nay cũng đã trưởng thành, phát triển giữ chức vụ Quyền Bí thư Tỉnh ủy.
Với tinh thần vừa kiểm tra, vừa tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để giúp địa phương làm tốt hơn trong thời gian tới, đồng thời phát hiện mô hình mới, nhân tố mới trong công tác tổ chức, công tác cán bộ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các thành viên đoàn công tác thực hiện theo đúng các quy định về công tác kiểm tra của Đảng, không làm thiếu, làm tắt.
Đồng chí Trần Thanh Mẫn nhắc nhở đoàn công tác cần phải hết sức thận trọng trong phát ngôn, phát biểu, nhất là khâu xây dựng báo cáo sau này; khi liên hệ, phối hợp với cơ quan đến kiểm tra phải đảm bảo đúng quy trình, quy định, nghiêm túc nhưng hết sức chân thành, trên tinh thần xây dựng, nhất định không làm khó cho đơn vị đến kiểm tra; phải thật sự khách quan, thẳng thắn, đầy đủ, chính xác.
Sản phẩm cuối cùng là báo cáo của đoàn, nhất là sau kiểm tra có được các kiến nghị, đề xuất. Nội dung kiểm tra theo đúng đề cương hướng dẫn của Trung ương.
Phải nghiên cứu kỹ các văn bản có liên quan đến công tác này để có thể vừa kiểm tra nhưng cũng đồng thời giúp thêm cho đơn vị đến kiểm tra tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.
Trong quá trình kiểm tra, xây dựng báo cáo, phải bám sát vào Nghị quyết XIII của Đảng về công tác cán bộ; bám sát vào Nghị quyết số 26 ngày 19/5/2018 và các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến công tác này ban hành từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay để đánh giá cho sát thực tế…
Phát biểu tại buổi làm việc, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng cảm ơn đồng chí Trần Thanh Mẫn và đoàn công tác đã có ý kiến động viên tỉnh trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN; xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh.
Quyền Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh và xác định đây là cuộc kiểm tra quan trọng, là cơ hội tốt để tỉnh Hà Giang báo cáo với Bộ Chính trị, Ban Bí thư về những kết quả đạt được, những hạn chế, khuyết điểm trong công tác cán bộ và đề xuất với Trung ương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Nguyễn Mạnh Dũng khẳng định, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định, đây là cơ hội để Đảng bộ tỉnh Hà Giang báo cáo những kết quả làm được và thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá những hạn chế, khuyết điểm trong chỉ đạo, lãnh đạo và tổ chức thực hiện công tác cán bộ cũng như có những đề xuất, kiến nghị về công tác này.