Hà Giang: Hỗ trợ xây dựng du lịch mạo hiểm, trạm dừng chân du lịch
Với lợi thế về cảnh quan, địa chất địa mạo, với vùng cao núi đá thuộc Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn và vùng núi đất phía Tây với di tích quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang đang phát triển thêm các loại hình du lịch mạo hiểm nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách.
Tại Nghị quyết số 10, ngày /7/2023, HĐND tỉnh Hà Giang đã thông qua các chính sách mới nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, thu hút du lịch, phát triển kinh tế trọng điểm tỉnh.
Cụ thể, đối với chính sách hỗ trợ xây dựng sản phẩm du lịch mạo hiểm. Điều kiện hỗ trợ là các dự án đầu tư mới để xây dựng hạng mục công trình, hạ tầng cố định, mua sắm trang thiết bị, đầu tư thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn nhằm phát triển sản phẩm du lịch mạo hiểm, phục vụ khách du lịch tham gia trải nghiệm tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, bao gồm: Bay dù lượn, khinh khí cầu; nhảy dù; đu dây mạo hiểm hành trình trên cao; đi xe đạp, mô tô, ô tô địa hình trên núi; đi trên dây; leo núi, vách đá; đu dây vượt thác; lặn dưới nước; chèo thuyền vượt ghềnh thác; đi mô tô nước; lướt ván; ca nô kéo dù bay; thám hiểm hang động, rừng, núi. (không hỗ trợ các dự án có tính chất thử nghiệm, các dự án tổ chức cho vận động viên thi đấu, tập luyện, biểu diễn chuyên nghiệp)
Mức hỗ trợ: 100% lãi suất tiền vay từ các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh trong thời gian 36 tháng, hỗ trợ 1 lần đối với 1 dự án và với khoản vay tối đa 2 tỷ đồng/dự án.
Chính sách hỗ trợ xây dựng trạm dừng chân du lịch: Điều kiện hỗ trợ là các dự án xây dựng mới hoặc nâng cấp thành tổ hợp công trình có công năng là trạm dừng chân phục vụ du lịch dọc trên các tuyến du lịch, đảm bảo điều kiện tối thiểu phục vụ khách du lịch gồm: Có bãi đỗ xe diện tích tối thiểu 200m2; cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đạt tiêu chuẩn phục vụ du lịch theo quy định; nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn phục vụ du lịch quy định của Tổng cục Du lịch.
Mức hỗ trợ: 100% lãi suất tiền vay từ các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh trong thời gian 36 tháng, hỗ trợ 1 lần đối với 1 dự án và với khoản vay tối đa 2 tỷ đồng/dự án.
Thời điểm hỗ trợ của 2 chính sách trên đều được thực hiện sau khi dự án được đầu tư đưa vào khai thác, được cấp, ngành có thẩm quyền thẩm định công nhận đảm bảo các điều kiện.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 10 cũng quy định: Hỗ trợ 200 triệu đồng cho làng được công nhận lần đầu và 100 triệu đồng cho làng được công nhận lần 2 để thực hiện đầu tư, nâng cấp, cải tạo hạ tầng du lịch, các công trình phúc lợi, cải tạo cảnh quan làng văn hóa du lịch nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, thu hút khách du lịch. Thời điểm hỗ trợ sau khi được UBND tỉnh quyết định công nhận hoàn thành tiêu chí Làng Văn hóa du lịch tiêu biểu.