Văn hóa - Du lịch

Khám phá nét độc đáo của ngôi chùa 136 năm tuổi

Phúc Thịnh - Trần An 04/08/2023 - 08:01

Chùa Xiêm Cán mang kiến trúc Angkor Khmer truyền thống với những họa tiết độc đáo nơi mái vòm, tường, các hàng cột và cầu thang, các mảng phù điêu, màu sắc hoa văn, đường nét chạm trổ cong lượn thể hiện đầy đủ, đậm nét đặc trưng cho một di tích văn hóa của đồng bào Khmer.

Chùa Xiêm Cán toạ lạc tại ấp Biển Đông A, xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Chùa được xây dựng trên diện tích rộng gần 50.000m2, được khởi công xây dựng tháng 3/1887 - Phật lịch 30, do Hòa thượng Lâm Mau trụ trì xây dựng.

Quần thể kiến trúc chùa Xiêm Cán gồm nhiều hạng mục quay mặt về hướng Đông, được xây dựng theo trường phái Phật giáo Nam Tông đặc trưng nhưng mang đậm dấu ấn kiến trúc Angkor.

Ấn tượng đầu tiên là Cổng tam quan là một công trình kiến trúc đa dạng gồm nhiều phù điêu đắp nổi hoa văn tỉ mỉ. Trong kiến trúc của chùa Xiêm Cán ta sẽ bắt gặp rất nhiều hình khối này vì người Khmer quan niệm hình tam giác mang ý nghĩa biểu trưng của con số 3 như: Phật - Pháp - Tăng; quá khứ - hiện tại - tương lai...).

anh-1.-cong-tam-quan-mang-y-nghia-bieu-trung-cho-phat-phap-tang.jpg
Cổng Tam quan mang ý nghĩa biểu trưng cho Phật – Pháp – Tăng

Vào bên trong sân chùa là bức tượng Phật trong tư thế nằm nhập niết bàn có phần mái che để khách thập phương dâng hương, cầu nguyện trước khi vào chính điện.

anh-2.-tuong-phat-trong-tu-the-nam-sap-nhap-niet-ban-doi-dien-chinh-dien.jpg
Tượng Phật trong tư thế nhập niết bàn đối diện với chính điện

Nổi bật nhất chính là chính điện của chùa được xây theo dạng hình chữ nhật, mặt chính quay về hướng Đông, lối vào chánh điện với 18 bậc thang để đi lên, phía trên là bức phù điêu đắp nổi hình Phật Thích Ca sống động và rực rỡ. Hình tượng rắn ở chùa Xiêm Cán được đắp nổi 5 đầu xòe hình lá bồ đề trang trí tại các bên đầu cầu thang dẫn vào chính điện.

anh-6.-chinh-dien-the-hien-ve-uy-nghiem.jpg

Bên ngoài chính điện là khuôn viên tường rào được trang khá tỉ mỉ, hài hòa với kiến trúc và màu sắc chung của chùa. Hai bên cửa vào là 2 linh thú canh giữ.

anh-5.-tuong-linh-thu-canh-giu-truoc-cua-chinh-dien.jpg
Tượng linh thú canh giữ trước cửa chính điện

Bên trong chính điện là nơi thờ Phật Thích Ca mâu ni và là nơi diễn ra các lễ nghi tín ngưỡng tôn giáo quan trọng của sư sãi và đồng bào Khmer Nam Bộ. Chính điện có diện tích khá lớn, có 12 cột cái tròn, cao to được đúc bằng xi măng cốt sắt có đắp nổi các hoa văn tuyệt đẹp với mô típ chim thần Garuda được trang trí trên các đầu cột của hành lang chính điện.

anh-7.-tuong-thich-ca-mau-ni-duoc-tho-giua-chinh-dien.jpg
Tượng Thích Ca Mâu Ni được thờ giữa chính điện

Trên tường cũng như trên trần phía trong chính điện đều được trang trí dày đặc những hình ảnh kể về cuộc đời đức Phật từ lúc đản sinh, tu tập đắc đạo và đến khi nhập niết bàn, ca ngợi sự toàn năng, toàn giác của đức Phật.

anh-8.-nhung-buc-tranh-ke-ve-cuoc-doi-cua-duc-phat-duoc-ve-tren-tuong-cua-chinh-dien.jpg
Những bức tranh kể về cuộc đời của đức Phật được vẽ trên tường của chính điện

Chùa Xiêm Cán là nơi đồng bào Khmer tập trung để học chữ, học múa hát, học nghề. Nơi đây hàng năm diễn ra nhiều lễ hội của người Khmer, thu hút rất đông đồng bào Khmer về dự.

Các ngày lễ hội lớn trong năm được diễn ra tại chùa như: Chôl chnăm thmây (lễ vào năm mới), Lễ Sen Đôlta (lễ cúng ông bà) và Kathanhna - tiên (lễ dâng y cà sa).

anh-4.-khung-vien-rong-rai-cua-chua-xiem-can.jpg
Khuôn viên rộng rãi của chùa Xiêm Cán

Bà Ngô Yến Nhiên - Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu cho biết, chùa Xiêm Cán không chỉ là một công trình tín ngưỡng, tâm linh điển hình của người Khmer Nam Bộ, mà còn là điểm tham quan hấp dẫn thu hút rất đông khách du lịch cả trong và ngoài tỉnh.

Trong thời gian qua, Đảng ủy và UBND xã đã tranh thủ các nguồn hỗ trợ của các cấp để hỗ trợ trùng tu các hạng mục công trình của chùa. Một mặt bảo tồn các giá trị tín ngưỡng, mặt khác địa phương phối hợp với Ban trụ trì tạo điều kiện để nhân dân trong xã tổ chức các lễ hội truyền thống của người Khmer trong khuôn viên chùa.

“Hướng tới, lãnh đạo xã cùng với Ban trụ trì Chùa Xiêm Cán sẽ tranh thủ sự hỗ trợ của UBND TP Bạc Liêu, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, đầu tư xây dựng các ki ốt trưng bày các sản phẩm quà lưu niệm đặc trưng trong văn hóa của người Khmer trong khuôn viên chùa để du khách gần xa có dịp đến tham quan mua sắm. Đây là cơ sở để địa phương giới thiệu và quảng bá nét văn hóa truyền thống của người dân địa phương nói riêng và tỉnh Bạc Liêu nói chung”, bà Nhiên thông tin thêm.

anh-9.chua-xiem-can-nhin-tu-tren-cao(1).jpg

Ngày 29/11/2022, UBND tỉnh Bạc Liêu phối hợp với Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức công nhận chùa Xiêm Cán là địa điểm du lịch tiêu biểu của khu vực ĐBSCL.

Phúc Thịnh - Trần An