Chính trị

Sáng nay, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn

Nguyên Bình /08/2023 - 07:38

Sáng nay /8, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long sẽ trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về các nội dung liên quan đến giải pháp kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; giải pháp nâng cao hiệu quả đấu giá tài sản...

Cụ thể, Bộ trưởng Lê Thành Long trả lời chất vấn tập trung 3 nhóm vấn đề:

-Việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các dự án, dự thảo Chính phủ trình Quốc hội; giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, giải pháp kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ.

202211090832322300_z3863286747620_7b7d766b0551d03ba80fce1d06f2d1.jpg
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

- Thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành, nội dung chồng chéo, mâu thuẫn và những hạn chế, sai phạm trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH.

- Thực trạng và giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác đấu giá tài sản, giám định tư pháp.

Ngoài trách nhiệm trả lời chính của Bộ trưởng Lê Thành Long, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Chánh án TANDTC; Viện trưởng VKSNDTC... sẽ cùng tham gia giải trình về những vấn đề liên quan.

Trước đó, báo cáo về các vấn đề thuộc lĩnh vực của ngành tư pháp, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết: Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, vẫn còn tình trạng bổ sung và đang có chiều hướng tăng lên các dự án vào Chương trình không theo Chương trình tổng thể hoặc đề nghị sát thời điểm tổ chức kỳ họp, phiên họp của Quốc hội, UBTVQH.

Một số dự án chưa được nghiên cứu, tính toán kỹ về phạm vi điều chỉnh, tác động của chính sách trong dự án luật nên chưa được bổ sung vào Chương trình; có dự án phải chuyển từ 2 kỳ thành 3 kỳ họp như Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); chất lượng một số dự án luật chưa cao; còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, chưa đồng bộ giữa một số quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật dẫn đến cách hiểu khác nhau, khó tổ chức thi hành.

Tính đến ngày 30/7/2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ còn nợ 17 văn bản (giảm 11 văn bản so với năm 2020, tăng 9 văn bản so với năm 2021 và tăng 05 văn bản so với năm 2022).

Bộ trưởng Lê Thành Long cũng cho biết, Bộ Tư pháp đang tham mưu giúp Chính phủ ban hành nghị quyết về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng đang tham gia góp ý, xây dựng dự thảo quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong xây dựng pháp luật.

Về công tác đấu giá tài sản, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng cho biết, hiện nay, trong cả nước có hơn 1.200 đấu giá viên, gần 600 tổ chức đấu giá tài sản, trong đó có 57 Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo số liệu thống kê, từ tháng 7/2017 đến 31/12/2022, các tổ chức đấu giá tài sản đã tổ chức hơn 200.000 cuộc đấu giá, chênh lệch giữa giá trúng đấu giá và giá khởi điểm là gần 110.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là quyền sử dụng đất.

Về giải pháp được Bộ trưởng nêu ra thời gian tới là tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra nhằm chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. Đồng thời từng bước kiện toàn đội ngũ đấu giá viên có đủ số lượng, có trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, khuyến khích đấu giá trực tuyến, nhất là đối với tài sản công, quyền sử dụng đất có giá trị lớn.

Về giám định tư pháp, ông Long cho biết, tính đến đầu năm 2023, toàn quốc có 136 tổ chức giám định tư pháp công lập, 411 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc. Đội ngũ người giám định tư pháp tăng về số lượng và chất lượng; hiện có 7.111 giám định viên tư pháp, 2.921 người giám định tư pháp theo vụ việc.

Về cơ bản, việc thực hiện giám định đáp ứng yêu cầu của hoạt động tố tụng, đồng thời cho biết sẽ tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong quản lý giám định tư pháp; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động giám định, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm, chấn chỉnh hoạt động giám định tư pháp.

Theo báo cáo thống kê của các bộ, ngành và địa phương, từ năm 2020 đến hết năm 2022, các tổ chức giám định tư pháp, người giám định tư pháp trong cả nước đã thực hiện 538.638 vụ việc.

Nguyên Bình