Quảng Ninh: 282 vụ vi phạm về trật tự xã hội trong 6 tháng
Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 282 vụ vi phạm về trật tự xã hội, làm chết 7 người, bị thương 63 người, thiệt hại tài sản trị giá khoảng 1,6 tỷ đồng, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, có 26 vụ án thuộc khung thống kê từ rất nghiêm trọng trở lên, tăng 8 vụ (26/18). Địa bàn xảy ra chủ yếu tại 4 thành phố thuộc tỉnh, chiếm 55% tổng số vụ (5/283).
Trong cơ cấu các loại tội phạm, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, chủ yếu vẫn là nhóm xâm phạm sở hữu (xảy ra 123 vụ, chiếm 43,5%); xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người (85 vụ, chiếm 30,1%); xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng (58 vụ, chiếm 20,5%); còn lại là các nhóm tội khác (xảy ra 16 vụ, chiếm 5,7%).
Một số loại tội phạm tăng so với cùng kỳ năm 2022 như giết người (17/08 vụ), gây rối trật tự công cộng (06/05), hiếp dâm người dưới 16 tuổi (06/02 vụ), giao cấu với người dưới 16 tuổi (07/04),...; một số loại tội phạm giảm như cướp tài sản (2/6), cưỡng đoạt tài sản (3/4), trộm cắp tài sản (58/68), cố ý gây thương tích (44/71), lừa đảo chiếm đoạt tài sản (33/36)....; số vụ sử dụng vũ khí “nóng” gây án giảm (03/05).
Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, tội phạm, vi phạm pháp luật về lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông và công nghệ cao còn phức tạp, nhất là sử dụng các phần mềm, thiết bị công nghệ để tổ chức đánh bạc, cá độ xuyên quốc gia, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mua bán hàng cấm, tán phát thông tin giả, tin nhắn rác trên mạng internet,...
Hoạt động “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng biến tướng, tinh vi hơn thông qua cho vay trực tuyến qua các website, ứng dụng trên smartphone. Đã khởi tố 23 vụ, 27 bị can phạm tội về lĩnh vực công nghệ thông tin mạng viễn thông và lĩnh vực công nghệ cao (chủ yếu về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng).
6 tháng đầu năm, tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩmcơ bản được kiểm soát, đã phát hiện, xử lý 280 vụ đối với 32 tổ chức, 255 cá nhân vi phạm.
Tuy nhiên, vẫn xảy ra một số vi phạm như quản lý chất thải, đổ chất thải không đúng quy định; xả nước thải, khí thải vượt quy chuẩn cho phép ra môi trường; buôn bán, tàng trữ động vật hoang dã trái phép; hoạt động khai thác thủy sản bằng ngư cụ bị cấm, nuôi trồng thủy sản ngoài vùng quy hoạch, thải bỏ vật liệu phao xốp gây ô nhiễm môi trường biển; vận chuyển, kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc; còn diễn ra tình trạng khai thác trái phép nhỏ lẻ, vận chuyển và hợp thức hóa khoáng sản không rõ nguồn gốc do nhu cầu lớn phục vụ các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.