Xây cảng biển 6.800 tỷ đồng ở Bình Định: Nghi ngờ khả năng huy động vốn của Công ty Long Sơn
Dự án Cảng chuyên dùng Khu Liên hợp gang thép Long Sơn được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng trong việc phát triển công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ cảng biển cho tỉnh Bình Định và các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên; nhưng khả năng huy động vốn của nhà đầu tư lại đang là vấn đề gay tranh cãi trong việc hiện thực hóa dự án đầy tham vọng này.
Công ty Cổ phần Gang thép Long Sơn Phù Mỹ (Nhà đầu tư) đang đề xuất đầu tư Dự án Cảng chuyên dùng Khu Liên hợp gang thép Long Sơn giai đoạn 1 (Dự án cảng Long Sơn) tại xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn với tổng vốn đầu tư dự án dự kiến 6.800 tỷ đồng.
Dự án cảng Long Sơn dự kiến có quy mô đầu tư 10 cầu cảng/2.525m, tiếp nhận cỡ tàu trọng tài 250.000DWT, khối lượng bốc dỡ hàng hóa theo hồ sơ thiết kế từ 21 - 23 triệu tấn/năm; diện tích đất dự kiến sử dụng là 496,9ha (trong đó: 23ha hiện trạng là đất ven biển, 473,9ha hiện trạng là đất mặt nước).
Theo UBND tỉnh Bình Định, Cảng chuyên dùng Long Sơn đầu tư sẽ phục vụ cho sản xuất của Khu liên hợp Gang thép Long Sơn có tính liên hoàn, khi Dự án hình thành sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu vận chuyển nguyên vật liệu và sản phẩm của Khu liên hợp gang thép Long Sơn, đảm bảo tiến độ xuất nhập khẩu hàng hóa.
“Khi cả 2 dự án đi vào hoạt động, kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng trong việc phát triển công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ cảng biển, qua đó đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bình Định và các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên”, theo đánh giá của địa phương này.
Tuy nhiên, liên quan tới tổng mức đầu tư (TMĐT) và khả năng huy động vốn cho dự án này lại đang là vấn đề gây tranh cãi. Theo hồ sơ, Dự án cảng Long Sơn có TMĐT 6.800 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư chỉ là 1.020 tỷ đồng (chiếm % TMĐT); trong khi vốn huy động từ tổ chức tín dụng là 5.780 tỷ đồng (chiếm tới 85% TMĐT).
Cũng theo hồ sơ dự án, Công ty cổ phần gang thép Long Sơn Phù Mỹ được xác định là nhà đầu tư đề xuất dự án; doanh nghiệp này mới được thành lập từ 05/7/2021 có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, được Công ty mẹ là Công ty TNHH Long Sơn thành lập để đầu tư tư Dự án khu liên hợp gang thép Long Sơn Phù Mỹ và cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn giai đoạn 1.
Đáng chú ý, vốn góp của nhà đầu tư vào Dự án cảng Long Sơn là 1.020 tỷ đồng và bằng tiền mặt. Công ty TNHH Long Sơn đã có biên bản và văn bản về việc cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ đối với việc thực hiện dự án cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn giai đoạn 1.
Tuy nhiên, theo bảng cân đối kế toán năm 2021 báo cáo chưa kiểm toán của Công ty TNHH Long Sơn (công ty mẹ của Công ty cổ phần gang thép Long Sơn Phù Mỹ), có tổng tài sản là 12.028 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả (9.297 tỷ đồng) chiếm 77,3% tổng nguồn vốn và chủ yếu là nợ dài hạn. Bên cạnh đó, hiện nay Công ty TNHH Long Sơn được cho là đang triển khai hàng loạt dự án có TMĐT lớn và chưa hoàn thành như: Cảng container Long Sơn, khu liên hợp gang thép Long Sơn Phù Mỹ,...
Hơn nữa, về khả năng Công ty cổ phần gang thép Long Sơn Phù Mỹ huy động nguồn vốn không tự có là 5.780 tỷ đồng để thực hiện dự án phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn vay. Mặc dù theo hồ sơ dự án, Vietinbank đã có văn bản số 402- XNCCTC-2023-0010 ngày 17/4/2023 xác nhận cung cấp tài chính cho Công ty cổ phần gang thép Long Sơn Phù Mỹ để thực hiện dự án. Tuy nhiên, đây là văn bản cam kết có điều kiện, không có giá trị ràng buộc pháp lý; việc cho vay còn phụ thuộc vào việc đáp ứng các điều kiện cấp tín dụng theo quy định của pháp luật.
Theo tìm hiểu của PV, trong quá trình tham gia góp ý đối với Dự án cảng Long Sơn, vào hồi cuối tháng 5/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã thể hiện thái độ nghi ngại đối với khả năng huy động vốn để thực hiện Dự án này.
Theo đó, liên quan đến TMĐT, NHNN đề nghị Công ty cổ phần gang thép Long Sơn Phù Mỹ cần rà soát, tính toán kỹ chi phí đầu tư các hạng mục công trình, hạng mục chi phí cấu thành tổng mức đầu tư, so sánh suất đầu tư với các dự án có cùng quy mô, công suất thiết kế nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư và phù hợp với Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, các Thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng.
Về vốn góp của nhà đầu tư vào Dự án cảng Long Sơn là 1.020 tỷ đồng và bằng tiền mặt, NHNN, đề nghị nhà đầu tư thuyết minh, làm rõ khả năng góp đủ vốn chủ sở hữu vào dự án; hình thức hỗ trợ là cho vay hay góp vốn,… và khả năng hỗ trợ của công ty mẹ đối với Dự án; chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác của thông tin số liệu cung cấp; đồng thời, rà soát bổ sung tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư.
Về 5.780 tỷ đồng để thực hiện dự án phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn vay, NHNN cũng đề nghị nhà đầu tư báo cáo thêm về khả năng huy động vốn vay thực hiện dự án; xây dựng phương án huy động vốn trong trường hợp không huy động được vốn tín dụng ngân hàng, giảm sự phụ thuộc quá lớn vào một nguồn vốn cụ thể để đảm bảo tính khả thi trong việc thu xếp vốn thực hiện dự án.
“Ngoài ra, đề nghị nhà đầu tư bổ sung các kế hoạch, dự kiến cụ thể về doanh thu, chi phí, phương án và thời gian vay/ trả nợ ngân hàng bổ sung và làm rõ các yếu tố tính toán chỉ tiêu hiệu quả tài chính Dự án, đảm bảo tính khả thi của dự án nhằm làm rõ về hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án theo khoản 3 Điều 33 Luật Đầu tư”, theo NHNN.
Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Gang thép Long Sơn Phù Mỹ thành lập ngày 5/7/2021, trụ sở chính hiện ở thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, Thị xã Hoài Nhơn, Bình Định; Người đại diện pháp luật kiêm Chủ tịch HĐQT là ông Trịnh Quang Hải (SN 1968). Công ty TNHH Long Sơn là công ty mẹ góp 96% vốn vào Công ty Cổ phần Gang thép Long Sơn Phù Mỹ cũng là công ty của ông Trịnh Quang Hải.