Chủ tịch Hồ Chí Minh và tư tưởng xây dựng Nhà nước pháp quyền
Sau Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945, giữa bộn bề công việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành nhiều thời gian suy nghĩ cho một việc dài lâu, đó là xây dựng và hoàn thiện một Nhà nước kiểu mới sản sinh từ Cách mạng tháng Tám - một Nhà nước mà người dân làm chủ, lấy dân làm gốc.
Những luận điểm cơ bản của Bác về Nhà nước pháp quyền
Thực ra, tư tưởng Nhà nước pháp quyền của Bác đã hình thành ngay từ những năm đầu Bác đi tìm đường cứu nước. Ngày 18/6/1919, tại Paris (Pháp) Nguyễn Ái Quốc đã gửi Tổng thống Mỹ và Trưởng đoàn các nước tham dự Hội nghị Versaille một giác thư kèm theo bản “Yêu sách của nhân dân An Nam”.
Trong bản yêu sách mà Nguyễn Ái Quốc nói là những yêu sách khiêm tốn có 8 điểm, trong đó có 2 điểm nói về pháp luật đó là: “Cải cách nền pháp lý Đông Dương bằng cách cho người bản xứ được quyền hưởng những đảm bảo về pháp luật như người châu Âu; xóa bỏ hoàn toàn các Tòa án đặc biệt đang làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam;..; và "Thay các chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật...”.
Đến năm 1921, khi chuyển “Yêu sách của Nhân dân An Nam” từ văn xuôi sang văn vần cho dễ nhớ, với tựa đề “Việt Nam yêu cầu ca”, Bác viết:
“Hai xin phép luật sửa sang,
Người Tây, người Việt hai phương cùng đồng,
Những Tòa đặc biệt bất công,
Dám xin bỏ đứt rộng dung dân lành...
Bảy xin hiến pháp ban hành
Trăm điều phải có thần linh pháp quyền...”
Chúng ta có thể hiểu được, mặc dù ngày thắng lợi của cách mạng còn xa, nhưng từ năm 1919 trong tư duy của Bác đã hình thành một luận điểm cơ bản về tổ chức bộ máy nhà nước khi cách mạng thành công. Đó là việc điều hành hoạt động của một xã hội, một đất nước phải bằng Hiến pháp, pháp luật.
“Thần linh pháp quyền” - ngôn ngữ những năm 20 của thế kỷ XX nhưng rất đúng với tinh thần “Nhà nước pháp quyền” hiện đại. Tư tưởng về Nhà nước pháp quyền thường trực trong tâm trí Bác trong suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng. Bác hiểu thấu đáo trình tự, thủ tục việc thành lập một nhà nước. Trước tiên phải có cơ quan đại diện cho nhân dân, đó là Quốc hội/Nghị viện, từ đó mới thành lập được Chính phủ/Nội các, các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan tư pháp.
Theo Bác, Nhà nước kiểu mới sinh ra từ Cách mạng tháng Tám phải là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Trong "Thư gửi UBND các, tỉnh, huyện và làng” ngày 17/10/1945, Bác viết: “Chính phủ ta đã hứa với dân, sẽ gắng sức làm cho ai nấy đều có phần hạnh phúc. Trong việc kiến thiết nước nhà, sửa sang mọi việc, phải làm dần dần... Song ngay từ bước đầu, chúng ta phải làm theo đúng phương châm.
Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật”.
Bác dặn dò kỹ lưỡng cán bộ của Nhà nước cách mạng những lời tâm huyết và mong muốn những lời tâm huyết đó trở thành phương châm hành động của cán bộ các cấp chính quyền là: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.
Trong bài phát biểu tại Hội thảo 60 năm Quốc hội Việt Nam 1946 - 2006 tại Hà Nội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhấn mạnh: Nhà nước vì dân là tư tưởng vĩ đại của Bác, được Bác quán triệt trong toàn bộ lời nói đi đôi với việc làm của Bác trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, và là mục tiêu phấn đấu cao nhất của Người.
Ngày /11/1945, nói chuyện với học viên Khóa 5 Trường huấn luyện cán bộ Việt Nam, Bác ân cần căn dặn:
“Phải nhớ rằng dân là chủ. Dân như nước, mình như cá. Lực lượng bao nhiêu là nhờ ở dân hết. Phải làm sao cho dân mến... chớ vác mặt làm quan cách mạng cho dân ghét, dân khinh, dân không ủng hộ...”.
Với tầm hiểu biết sâu sắc, toàn diện mọi mặt, Bác cùng với Đảng ta đã bắt tay ngay vào việc xây dựng và từng bước hoàn thiện Nhà nước kiểu mới ngay sau Tuyên ngôn độc lập...
Ngày nay theo tư tưởng của Bác, chúng ta vẫn đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền.
Tư tưởng Nhà nước pháp quyền hiện đại trong đường lối của Đảng
Tư tưởng Nhà nước pháp quyền của Bác là cơ sở, là nền tảng lý luận để Đảng và Nhà nước ta tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện và vận hành hoạt động của Nhà nước ngày càng có hiệu lực, hiệu quả.
Gần đây nhất, Văn kiện Đại hội XII và XIII của Đảng đã xác định và ghi thành mục, thành điểm rất trang trọng. Văn kiện Đại hội XII chỉ rõ: “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị.
Trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước, phải thực hiện dân chủ, tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền và phải tạo ra sự chuyển biến tích cực, đạt kết quả cao hơn. Xây dựng Nhà nước pháp quyền phải tiến hành đồng bộ cả lập pháp, hành pháp, tư pháp và được tiến hành đồng bộ với đổi mới hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; gắn với đổi mới kinh tế, văn hóa, xã hội. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp và pháp luật”.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, một lần nữa khẳng định: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước. Xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước.
Xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ich hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững”
Còn nói về bản chất của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, đó “là công cụ thể hiện và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm và bảo vệ lợi ích của đại đa số nhân dân”.
Thực hiện đường lối lãnh đạo của Đảng, cả nước đã triển khai đồng bộ nhiều công việc, trong đó có việc tiếp tục cải cách hành chính, từng bước sắp xếp lại bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, gắn với tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng, năng lực, phẩm chất, đạo đức của cán bộ, đảng viên trong cả hệ thống chính trị. Từ đó, hiệu quả của hoạt động, hiệu lực của bộ máy có những bước tiến rõ rệt trong việc phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp...
Tuy nhiên, có những “khuyết tật” của không ít cán bộ, đảng viên trong bộ máy nhà nước đã bộc lộ mà Bác đã sớm phát hiện và chỉ ra để mọi người lưu ý tu luyện, khắc phục, đó là, “có người hủ hóa, lên mặt làm quan cách mạng, hoặc là độc hành độc đoán, hoặc là dĩ công dinh tư. Thậm chí dùng pháp công để báo thù tư, làm cho dân oán đến Chính phủ và Đoàn thể”...
78 năm đã qua đi, ngày nay và ngay bây giờ những “khuyết tật” đó vẫn còn rơi rớt, tồn tại, biểu hiện dưới các dạng khác nhau mà tựu trung lại là chủ nghĩa cá nhân.
Tác phẩm: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói rõ và công luận cũng đã và đang lên tiếng phê phán, đó là “Bệnh sợ trách nhiệm”. Căn bệnh này thể hiện thái độ làm việc cầm chừng theo quan điểm, “làm nhiều sai nhiều, làm ít sai it, không làm không sai” là căn bệnh đáng báo động, bởi nó ảnh hưởng lớn đến tiến độ và hiệu quả của công việc chung.
Đảng ta cũng đã tuyên bố một cách minh bạch rằng, có cơ chế lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài; đồng thời có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, bị xử lý kỷ luật, không còn uy tín...
Bởi vậy, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN là một quá trình phấn đấu thường xuyên liên tục trong từng thời gian mới, hoàn cảnh mới, không phải công việc một sớm, một chiều là xong.