Cầu tín dụng còn rất yếu
Các chuyên gia của VDSC cho rằng, tín dụng thường yếu trong khoảng đầu quý III, diễn biến năm nay cho thấy nhu cầu tín dụng vẫn rất yếu.
Báo cáo phân tích mới đây của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết lãi suất huy động tiếp tục có một nhịp giảm mạnh trong tháng 8 trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng còn rất chậm. Trong tháng 8, lãi suất huy động các kỳ hạn của nhóm ngân hàng quốc doanh giảm 30-50 điểm cơ bản, trong khi nhóm ngân hàng tư nhân giảm nhiều hơn 50-100 điểm cơ bản.
Tính từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động đã giảm 0-250 điểm cơ bản, tuỳ kỳ hạn và như vậy đã giảm sâu hơn mức giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Song song với đó, tín dụng tăng khá thấp trong hai tháng đầu của quý III, sau khi giảm trong tháng 7, tín dụng đã phục hồi trong tháng 8.
Tính đến ngày /8/23, tín dụng ước tăng 5,03% so với đầu năm, quy mô tín dụng tăng thêm trong hai tháng chỉ khoảng 40.000 tỷ đồng (con số này đến 29/8 là 5,33%). Các chuyên gia của VDSC cho rằng mặc dù tín dụng thường yếu trong khoảng đầu quý III, diễn biến năm nay cho thấy nhu cầu tín dụng vẫn rất yếu.
"Chúng tôi cho rằng nhịp giảm mạnh của mặt bằng lãi suất trong tháng 8 sẽ kích hoạt tiếp đà giảm lãi suất cho vay, từ đó giúp tăng trưởng tín dụng cải thiện trong các tháng tới", VDSC nhận định
Theo ghi nhận của VDSC, hiện tại lãi suất huy động của hệ thống ở hầu hết các kỳ hạn đã giảm về tương đương mặt bằng lãi suất tại thời điểm tháng 9/2022, duy chỉ còn lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng và 6 tháng là đang cao hơn 30 điểm cơ bản so với thời điểm tháng 9/2022.
Tuy nhiên, nếu so với mức lãi suất thấp kỷ lục trong giai đoạn COVID-19, mặt bằng lãi suất hiện tại vẫn đang cao hơn khoảng 30-100 điểm cơ bản. Trong khi đó, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng vẫn đang duy trì ở mức thấp kỷ lục trong suốt tháng 8.