Cải cách tư pháp

Phó Chánh án Nguyễn Văn Tiến chủ trì phiên họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng

Mai Đỉnh 11/09/2023 19:09

Ngày 11/9, TANDTC tổ chức phiên họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng để thảo luận các nội dung của dự thảo Pháp lệnh. Đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Bí thư Đảng ủy, Phó Chánh án TANDTC - Phó Trưởng ban Ban soạn thảo chủ trì phiên họp.

Dự phiên họp có đồng chí Trần Hồng Hà, Thẩm phán TANDTC; các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng (đại diện các cơ quan: Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, VKSNDTC, Bộ Tài chính, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và một số đơn vị trực thuộc TANDTC, TAND TP. Hà Nội).

Phiên họp nhằm bổ sung, trao đổi ý kiến của các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Pháp lệnh về các nội dung còn có những ý kiến khác nhau để tiếp tục hoàn thiện dự thảo trước khi trình Quốc hội.

phap-lenh-chi-phi-to-tung2.jpg
Đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Bí thư Đảng ủy, Phó Chánh án TANDTC - Phó Trưởng ban Ban soạn thảo Dự án Pháp lệnh chủ trì phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp, đồng chí Nguyễn Văn Tiến - Bí thư Đảng ủy, Phó Chánh án TANDTC, Phó Trưởng ban Ban soạn thảo - cho biết, theo Chương trình làm việc của Quốc hội khóa XV thì Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với Dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng vào Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) và thông qua vào tháng 11/2023, do đó thời gian chuẩn bị không còn nhiều. Đồng chí mong rằng trong thời gian tới đây, các thành viên sẽ tiếp tục quan tâm, đầu tư thời gian và trí tuệ, phối hợp chặt chẽ với TANDTC trong quá trình xây dựng để Dự án Pháp lệnh được trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng được các mục tiêu và yêu cầu đặt ra.

Theo Phó Chánh án Nguyễn Văn Tiến, triển khai xây dựng Dự án Pháp lệnh, sau Phiên họp lần thứ nhất của Ban soạn thảo, Tổ biên tập vào tháng 7/2023, TANDTC đã tổ chức triển khai nghiên cứu, xây dựng dự thảo Hồ sơ dự án Pháp lệnh; tổ chức lấy ý kiến các TAND, các Bộ, ngành; xin ý kiến các thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC về dự thảo Pháp lệnh; họp Tổ biên tập để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Hồ sơ dự án Pháp lệnh.

“Đến nay, TANDTC đã chuẩn bị các bộ hồ sơ dự án Pháp lệnh gồm các tài liệu theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở kết quả cuộc họp hôm nay, TANDTC sẽ tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh cũng như các báo cáo thuộc hồ sơ dự án Pháp lệnh” - Phó Chánh án Nguyễn Văn Tiến cho hay.

Tại phiên họp, đồng chí Lê Thế Phúc, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC trình bày những nội dung chính trong dự thảo Pháp lệnh. Theo đó, Dự thảo Pháp lệnh lần này được mở rộng, dự kiến gồm 13 chương, 86 điều. Dự thảo Pháp lệnh đã bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 2 nhóm chính sách đề nghị xây dựng Pháp lệnh đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.

Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Pháp lệnh gồm: việc miễn, giảm chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí giám định; chi phí ủy thác tư pháp nước ngoài; chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ; chi phí giám định; chi phí định giá tài sản; chi phí cho người làm chứng, người chứng kiến; chi phí cho người phiên dịch, người dịch thuật; chi phí cho luật sự, trợ giúp pháp lý, bào chữa viên nhân dân; chi phí Hội thẩm; chi phí tổ chức phiên tòa trực tuyến; chi phí cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng; chi phí tố tụng khác.

phap-lenh-chi-phi-to-tung1.jpg
Toàn cảnh phiên họp.

Theo đánh giá, mục đích Dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng được xây dựng sẽ tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho việc thi hành các quy định pháp luật về chi phí tố tụng; khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn; bảo đảm trình tự, thủ tục thu, nộp, thanh toán chi phí tố tụng đơn giản; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử của Tòa án.

Tại phiên họp, đa số các đại biểu ý kiến tán thành và cho rằng thường trực Tổ biên tập đã xây dựng nội dung dự thảo Pháp lệnh đầy đủ, công phu, hợp lý. Trên cơ sở thực tiễn, đại biểu đại diện các bộ ngành thảo luận, đóng góp những ý kiến có tích chất gợi mở, thiết thực nhằm tiếp tục hoàn thiện thêm vào dự thảo Pháp lệnh, đồng thời tập trung vào những vấn đề đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, như: phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh; chi phí cho Hội thẩm; chi phí tổ chức phiên tòa trực tuyến, chi phí sao chụp tài liệu; chi phí giám định…

phap-lenh-chi-phi-to-tung3.jpg
Đại diện Bộ Công an, Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Bộ Tư pháp đóng góp ý kiến vào dự thảo Pháp lệnh.

Phát biểu kết luận phiên họp, đồng chí Nguyễn Văn Tiến cảm ơn các thành viên cùng đại diện các các cơ quan, đơn vị đã có những góp ý hết sức chất lượng, có trách nhiệm và bám sát thực tiễn cuộc sống. Ban soạn thảo sẽ tổng hợp, nghiên cứu kỹ và tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại phiên họp này.

Cũng trên cơ sở các ý kiến góp đó, đồng chí Nguyễn Văn Tiến đề nghị các thành viên trong Ban soạn thảo, Tổ biên tập tiếp tục phối hợp chặt chẽ, nghiên cứu và có đề xuất mới để hoàn thiện dự thảo Pháp lệnh theo đúng tiến độ đề ra; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử của Tòa án.

Ngày 07/6/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 793/NQ-UBTVQH về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 20, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng vào Chương trình xây dựng luật năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), thông qua tháng 11/2023.

Mai Đỉnh