Thực hư thông tin đau mắt đỏ lây qua nước uống?
Theo Sở Y tế TP.HCM, bệnh đau mắt đỏ lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với nước mắt và các chất tiết của mắt có mang virus gây bệnh.
Sở Y tế TP.HCM vừa thông tin về nguồn lây, mức độ gây bệnh và tình hình thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ đang xảy ra tại TP.
Theo đó, Sở Y tế dẫn ý kiến từ các chuyên gia của Bệnh viện Mắt TP.HCM và các tài liệu khoa học hiện nay trên thế giới.
Cụ thể, bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) thường do các tác nhân virus gây ra (adenovirus, enterovirus, coxsackie…). Bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp với nước mắt và các chất tiết của mắt có mang vi rút gây bệnh từ người bệnh. Việc cho rằng bệnh lây lan qua đường nước uống là không chính xác.
"Viêm kết mạc do enterovirus thường nhẹ hơn so với viêm kết mạc do adenovirus và thường ít có khả năng gây dịch lớn so với viêm kết mạc do adenovirus…". Sở Y tế nhấn mạnh đây cũng là thông tin thiếu cơ sở khoa học.
Về thuốc nhỏ mắt sử dụng trong bệnh đau mắt đỏ, Sở Y tế TP cho biết, người bệnh có thể dùng nước muối sinh lý (natri clorua 0,9%) hoặc nước cất để rửa mắt. Các loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh được bác sĩ chỉ định khi có dấu hiệu nghi bội nhiễm vi khuẩn (như đau nhức, giảm thị lực, sợ ánh sáng) và phòng ngừa nhiễm trùng sau bóc giả mạc.
Khảo sát nhanh của Phòng Nghiệp vụ dược, Sở Y tế TP.HCM cho thấy hiện nay, thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh levofloxacin có hơn 270.000 lọ; ofloxacin còn .000 lọ và sẽ nhập về thêm 900.000 lọ; tobramycin còn 20.000 lọ và sẽ nhập về thêm 280.000 lọ,…
Do đó, cơ quan này khẳng định nguồn thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh trên thị trường hiện nay rất lớn, không thể xảy ra tình trạng khan hiếm thuốc.
Điều quan trọng là, theo khuyến cáo của các bác sĩ chuyên khoa Mắt, người mắc bệnh đau mắt đỏ tuyệt đối không tự ý sử dụng các thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid. Việc tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid không những không có tác dụng mà còn làm tổn thương nặng hơn, kéo dài thời gian bệnh và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Đầu tháng 9, Sở Y tế TP.HCM cho biết, tổng số trường hợp đau mắt đỏ được ghi nhận đến nay tại địa phương là 71.740 ca, gần đây có xu hướng tăng so với những tháng đầu năm. Khoảng 1/3 trường hợp là trẻ em ở tuổi đi học.
Trong khi đó, 8 tháng đầu năm 2022, TP.HCM có hơn 53.500 ca mắc bệnh trên.