Hàng nghìn người thiệt mạng vì bão Daniel
Theo các quan chức miền Đông Libya, hàng ngàn người có thể đã thiệt mạng ở Libya sau khi cơn bão Daniel mang mưa và lũ lụt nghiêm trọng đến khu vực phía Đông đất nước, cuốn trôi toàn bộ khu dân cư ra biển.
Ông Ahmed Mismari, người phát ngôn Quân đội Quốc gia Libya (LNA) có trụ sở ở miền Đông, phát biểu trong một cuộc họp báo rằng, chỉ riêng thành phố Derna bị ảnh hưởng nặng nề, đã có hơn 2.000 người thiệt mạng và khoảng 5.000 đến 6.000 người vẫn mất tích.
Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ ở Benghazi trước đó ước tính có khoảng 0 đến 250 người thiệt mạng ở Derna, theo Reuters.
Nhà chức trách cho biết áp lực nghiêm trọng từ những trận mưa lớn ở Derna đã khiến các con đập bị vỡ, phá hủy nhà cửa và đường sá.
Ông Mismari nói trong một cuộc họp báo rằng lũ lụt là do hai con đập bị vỡ ở phía Nam thành phố. “Hậu quả là ba cây cầu đã bị phá hủy. Dòng nước chảy đã cuốn trôi toàn bộ khu dân cư, cuối cùng đẩy tất cả xuống biển”, ông nói.
Người phát ngôn nói rằng “lũ lụt chưa từng có xảy ra ở các thành phố Al-Bayda, Derna, Al-Marj, Tobruk, Takenis, Al-Bayada và Battah, cũng như tất cả các thành phố và làng mạc của Al-Jabal Al-Akhdar và phía Đông tới tận Benghazi".
Đoạn phim được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy ô tô ngập nước, các tòa nhà sụp đổ và dòng nước chảy ào ạt qua đường phố.
Đường dây điện thoại ở Derna bị đứt và những bức ảnh được tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ chia sẻ cho thấy đường phố bị ngập lụt nghiêm trọng.
Người đứng đầu Cơ quan Cứu thương và Khẩn cấp Libya, Osama Aly, nói với CNN rằng sau vụ vỡ đập, “tất cả nước đều chảy về khu vực gần Derna, một khu vực miền núi ven biển”.
Quan chức này cho biết họ không thể liên lạc được với đội của mình bên trong Derna sau khi đường dây điện thoại bị phá hủy. Aly cho biết các đội cấp cứu khác không thể vào Derna do bị tàn phá nặng nề.
Các bệnh viện ở thành phố Bayda phía Đông đã được sơ tán.
Trận mưa này là kết quả tàn dư của một hệ thống áp thấp rất mạnh, được cơ quan khí tượng quốc gia Đông Nam Âu đặt tên chính thức là Bão Daniel.
Cơn bão đã gây lũ lụt thảm khốc cho Hy Lạp vào tuần trước trước khi di chuyển vào Địa Trung Hải và phát triển thành một cơn bão nhiệt đới. Những mô hình thời tiết này có thể mang đến những điều kiện nguy hiểm cho Biển Địa Trung Hải và các quốc gia ven biển, tương tự như các cơn bão nhiệt đới và cuồng phong ở Đại Tây Dương hoặc bão ở Thái Bình Dương.
Phần còn lại của cơn bão đang ảnh hưởng đến miền Bắc Libya và sẽ dần di chuyển về phía Đông tới phía Bắc Ai Cập. Lượng mưa trong hai ngày tới có thể đạt tới 50 mm - lượng mưa khu vực này trung bình thường chỉ dưới 10 mm trong cả tháng 9.
Phái đoàn Hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Libya cho biết trong một bài đăng trên X (trước đây gọi là Twitter): “Liên hợp quốc tại Libya đang theo dõi chặt chẽ tình trạng khẩn cấp do điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở khu vực phía Đông của đất nước gây ra”.
Các nước đã đề nghị gửi viện trợ tới nước này, trong đó cơ quan thảm họa Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ Hai cho biết họ sẽ huy động 0 nhân viên tìm kiếm và cứu hộ, cùng với lều, phương tiện cứu hộ và các vật tư khác như máy phát điện.
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Libya cho biết trên X (Twitter), rằng họ đang “liên hệ chặt chẽ với Liên hợp quốc và với các nhà chức trách ở Libya để xác định xem chúng tôi có thể nhanh chóng hỗ trợ đến những nơi cần thiết nhất như thế nào”.