Thủ tướng: Doanh nghiệp l nguồn lực quan trọng cần khơi dậy để phát triển

Chính trị - Ngày đăng : 21:58, 21/04/2016

Nội dung trên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại buổi lm việc với Bộ Kế hoạch v Đầu tư (KH&ĐT) diễn ra sáng nay (21/4).

Buổi làm việc do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì để thống nhất những giải pháp cụ thể nhằm tiếp tục mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng, kiểm soát tốt lạm phát và đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2016.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan và nhiều chuyên gia kinh tế.

Tại buổi làm việc, theo ý kiến đánh giá của các bộ, ngành tại cuộc họp, bối cảnh khó khăn hiện tại của tình hình kinh tế, xu hướng tăng trưởng GDP chậm lại đã được dự báo từ năm trước do diễn biến của tình hình kinh tế, tài chính thế giới và dấu hiệu của thiên tai trong nước. Trong khi đó, một số dư địa của chính sách tài khóa và tiền tệ để phục vụ tăng trưởng kinh tế là hạn hẹp.

Thủ tướng: Doanh nghiệp là nguồn lực quan trọng cần khơi dậy để phát triển

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Để giải quyết khó khăn trước mắt, định hướng chủ đạo được nhiều chuyên gia, cán bộ quản lý đề xuất đó là tập trung tháo gỡ ngay khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân; thứ hai là giảm mặt bằng lãi suất bởi trong khi dư địa của chính sách tiền tệ và tài khóa khá hạn hẹp, để thúc đẩy tăng trưởng vẫn còn nguồn dư địa từ khu vực kinh tế tư nhân. Do đó, các ý kiến tại buổi làm việc để nghị Chính phủ tăng cường đối thoại trực tiếp nhằm nắm bắt tình hình, lắng nghe và có giải pháp tháo gỡ ngay khó khăn cho doanh nghiệp. Các chuyên gia kinh tế đánh giá cao ý nghĩa của việc Thủ tướng gặp gỡ đối thoại với doanh nghiệp vào cuối tháng 4 này tại TP Hồ Chí Minh.

Về biện pháp hạ mặt bằng lãi suất, các ý kiến cho rằng, mức lãi xuất hiện nay khoảng 9,5% là mức cao trong khu vực. Với dư nợ tín dụng nền kinh tế mỗi năm khoảng 50.000 tỷ đồng/năm, nếu giảm được lãi suất cho vay sẽ khuyến khích đầu tư từ xã hội tăng mạnh, giảm gánh nặng đầu tư từ ngân sách. Hơn nữa, mặt bằng lãi suất giảm sẽ giúp lãi suất trái phiếu giảm, lượng tiền trả nợ của Chính phủ cũng giảm và đồng thời thúc đẩy thị trường chứng khoán sôi động hơn, doanh nghiệp có thị trường để huy động vốn. Đó là dư địa lớn cho tăng trưởng.

Về dài hạn, các ý kiến chuyên gia tại buổi làm việc đề nghị các bộ, ngành phải tiếp tục thực hiện tốt, quyết liệt các giải pháp của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đặc biệt là phát huy vai trò của người đứng đầu. Bên cạnh đó, phải thực hành nghiêm túc tiết kiệm, chống lãng phí; tiếp tục tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp, tập trung đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước và giảm dần sự lệ thuộc vào các nguồn vốn vay ODA. Liên quan đến vấn đề này, Bộ KH&ĐT cho biết, từ năm 2017 sẽ thực hiện chuyển đổi từ cơ chế cấp phát ODA sang cho vay lại vốn ODA. Bộ đề nghị thành lập cơ quan phát triển vùng để thực hiện chức năng điều phối phát triển giữa các vùng, tăng cường liên kết nguồn lực giữa các vùng, phục vụ phát triển kinh tế.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ KH&ĐT cần chủ động thực hiện tốt hơn nhiệm vụ tham mưu chiến lược cho Chính phủ; triển khai quyết liệt hơn Đề án tái cơ cấu nền kinh tế, sớm trình Chính phủ kế hoạch đầu tư công trung hạn, xác định vốn ngân sách là vốn mồi, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và có đột phá. Bộ sớm giải quyết những vướng mắc trong hoạt động đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Phát biểu kết luận tại phiên họp, Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành phải tìm giải pháp để thực hiện bằng được mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay.

Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ KH&ĐT phải thực hiện tốt vai trò là tham mưu trưởng về các giải pháp kinh tế-xã hội cho Chính phủ, có tư duy đổi mới; “phải là đường dây nóng về kinh tế” để tập trung giải quyết những vấn đề vĩ mô cấp bách.

“Tinh thần lớn là tập trung hoàn thiện thể chế, gỡ bỏ ngay các rào cản để phát triển”, Thủ tướng nêu rõ.

Bộ phải là đơn vị đi đầu trong chống tham nhũng; đề xuất mô hình tăng trưởng như mô hình đặc khu kinh tế, khu trung chuyển hàng hóa…

Trước mắt, Bộ cần phối hợp với Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam để thực hiện tốt hội nghị gặp gỡ DN sắp tới. “DN là nguồn lực quan trọng. Chúng ta phải khơi dậy nguồn lực này để phát triển”, Thủ tướng nói. Bên cạnh đó, cần quan tâm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp.

Về một số giải pháp cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo Bộ KH&ĐT phải sớm đưa ra giải pháp tạo nguồn cho đầu tư phát triển, mà không chỉ là vay nước ngoài, phát hành trái phiếu. Thứ hai là kiểm soát và tiết kiệm trong đầu tư công, kể cả chi cho đầu tư phát triển. Phối hợp với các bộ, ngành rà soát lại danh mục các dự án đầu tư công, tập trung cho lĩnh vực y tế, giáo dục.

Yêu cầu đưa ra cơ chế quản lý chặt chẽ chi tiêu công, mua sắm công, bảo đảm bình đẳng, công khai trong đấu thầu; nghiên cứu hình thức mua sắm công, đấu thầu quốc gia qua mạng...

Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, thẩm định lại các dự án quốc gia quan trọng, trước hết là các dự án có vốn từ 10.000 tỉ đồng trở lên.

Bộ KH&ĐT cần có giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, nhất là việc thoái vốn để lấy nguồn đầu tư cho những lĩnh vực khác; phối hợp với Bộ NN&PTNT đưa ra chính sách đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; phối hợp với Bộ KH&CN nghiên cứu gói hỗ trợ DN về khoa học công nghệ. 

Trọng Bằng