Hà Nội ghi nhận hơn 2.000 ca sốt xuất huyết/tuần
Số ca sốt xuất huyết tại Hà Nội đang tiếp tục tăng mạnh. Trong tuần vừa qua ghi nhận hơn 2.000 ca, tăng gấp đôi so với tuần cuối tháng 8.
Ngày 18/9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, bệnh nhân sốt xuất huyết sống tại 29 quận, huyện, nhiều nhất là Phú Xuyên, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông, Đống Đa, Đan Phượng, Thanh Oai và Thanh Trì.
Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội ghi nhận 10.372 ca sốt xuất huyết, trong đó 3 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số mắc tăng gần 4 lần, số ca tử vong tương đương.
Cũng trong tuần này, Hà Nội ghi nhận thêm 72 ổ dịch sốt xuất huyết tại quận, huyện: Đống Đa (16 ổ dịch); Hà Đông, Hoàng Mai (mỗi nơi có 8 ổ dịch); Thanh Oai (7 ổ dịch); Phúc Thọ (6 ổ dịch); Hai Bà Trưng, Bắc Từ Liêm (mỗi nơi có 4 ổ dịch); Tây Hồ, Quốc Oai, Phú Xuyên (3 ổ dịch); Đan Phượng, Thường Tín, Ba Vì (2 ổ dịch); Hoàn Kiếm, Mỹ Đức (1 ổ dịch).
Tổng số ổ dịch tính đến thời điểm hiện tại là 730. Hiện còn 258 ổ dịch đang hoạt động tại 30 quận, huyện, thị xã, trong đó một số ổ dịch ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất (439 ca); xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất (306 ca); thôn Nguyên Hanh, xã Văn Tự, huyện Thường Tín (91 ca); thôn Đống, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai (57 ca); phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa (29 ca)…
Theo đánh giá của CDC Hà Nội, thành phố đang bước vào giai đoạn cao điểm của dịch sốt xuất huyết với số ca mắc không ngừng gia tăng.
Tuy nhiên, kết quả kiểm tra, giám sát một số ổ dịch trong tuần vẫn ghi nhận chỉ số BI vượt ngưỡng nguy cơ từ 2 đến 3 lần (theo quy định BI=20) như: Phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm (BI=40); xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ (BI=40); phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm (BI=40); xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai (BI=40); xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên (BI=60).
Nguyên nhân khiến số ca sốt xuất huyết tăng được cho là Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa, một số nơi có dân cư đông đúc, biến động dân số phức tạp. Đặc biệt, hiện tượng biến đổi khí hậu và El Nino trong năm 2023-20 có thể thúc đẩy muỗi sinh sản, khiến bệnh sốt xuất huyết và các bệnh khác do muỗi truyền tăng nhanh.
Một nguyên nhân khác được CDC chỉ ra là người dân chưa hiểu đúng về cách phòng chống sốt xuất huyết. Như tại một số quận huyện, nhiều người không có ý thức vệ sinh, dọn dẹp môi trường, cảnh quan sạch sẽ. Từ đó, muỗi có thể trú ngụ và sinh sản trong các vật dụng nhỏ như vỏ lon nước ngọt bị bỏ quên, mảnh chén, bát vỡ, lốp xe cũ treo ngoài hàng rào, xô nước không được đậy kỹ, bể chứa nước không có nắp đậy...
CDC Hà Nội yêu cầu, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã căn cứ tình hình bệnh nhân và kết quả giám sát côn trùng truyền bệnh sốt xuất huyết để tham mưu UBND các địa phương tăng cường các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại các xã, phường, thị trấn.
Các địa phương cần tiếp tục tăng cường giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao, từ đó triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời. Mặt khác, tại các địa phương cần huy động các ban, ngành, đoàn thể và các lực lượng khác tham gia hỗ trợ vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy.