Ngày mới nơi địa đầu Tổ quốc: 'Sống trên đá, thoát nghèo trên đá và tiến tới làm giàu trên đá
Đồng Văn có đêm sương, ngày nắng
Đá ở đây thay đất nuôi người
Người với đá tình sâu nghĩa nặng
Đá thương người chung thủy bên nhau…
Nhắc đến Hà Giang, ai trong bất kỳ chúng ta đều nghĩ đến cao nguyên đá Đồng Văn. Bởi nó dường như là biểu tượng cho mảnh đất địa đầu của Tổ quốc. Hồn của đá cũng như tấm lòng người Hà Giang luôn một lòng chung thuỷ sắt son với Tổ quốc. Mỗi người dân nơi đây là một cột mốc sống, luôn kiên định hết lòng bảo vệ từng gốc cây, ngọn cỏ nơi biên cương. Linh thiêng nơi địa đầu của đất nước, Hà Giang kiên cường trong kháng chiến, quyết liệt mạnh mẽ thời bình phát triển kinh tế mang lợi đời sống ấm no cho Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Ngày mới Hà Giang với một quyết tâm “Sống trên đá, thoát nghèo trên đá và tiến tới làm giàu trên đá”.
Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới cực Bắc Tổ quốc, trong những năm qua, bằng sự quyết liệt toàn hệ thống chính trị đã xây dựng một Hà Giang đổi thay. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra 3 nhiệm vụ đột phá, 5 chương trình trọng tâm và 17 chỉ tiêu cụ thể. Với quyết tâm cao, một lòng trong hệ thống chính trị tỉnh Hà Giang, nửa nhiệm kỳ đã đi qua, Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã “cán đích” các mục tiêu đề ra. Điều này một lần nữa khẳng định, sự năng động, đoàn kết, đổi mới và khát vọng vươn lên vì một Hà Giang ngày càng phát triển bền vững.
Quyết sách ''đường thông, kinh tế mở''
Tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 với 3 đột phá chiến lược là: Xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; liên kết vùng phát triển du lịch và đột phá phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hoá chất lượng cao. Từ đó phấn đấu xây dựng Hà Giang là tỉnh phát triển về du lịch, thương mại, dịch vụ và nông nghiệp đặc trưng hàng hóa; đến năm 2030 là tỉnh có KT - XH phát triển khá trong khu vực Trung du miền núi phía Bắc; đến năm 2045 là tỉnh có KT – XH trung bình khá của cả nước.
Để phát triển tiềm năng sẵn có, trong những năm qua, Hà Giang đã nỗ lực phát huy mọi khả năng nội lực và tận dụng ngoại lực để phát triển kinh tế - xã hội và từng bước đã bắt nhịp được với các tỉnh miền xuôi. Có thể thấy trong ba năm qua, khi nghị quyết Đại hội XIII đi vào cuộc sống, Hà Giang đã thật sự thay da đổi thịt.
Nghị quyết số 22-NQ/TU ngày 22/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã nhận định rõ: “Hệ thống giao thông của tỉnh hiện nay còn nhiều hạn chế, yếu kém, lạc hậu, chưa đồng bộ, thiếu tính kết nối, hiện đang là điểm nghẽn của quá trình phát triển”. Với vai trò, vị trí là tỉnh biên giới, nơi địa đầu của cực Bắc, trong suốt nhiều năm qua, tỉnh Hà Giang luôn được Chính phủ, Bộ ngành quan tâm, nâng cấp đầu tư hạ tầng. Trong đó, giao thông trong nửa đầu nhiệm kỳ qua được đặc biệt quan tâm khi sự kiện cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang chính thức khởi công. Đây được xem là công trình có tính chất quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội Hà Giang. Cú hích đưa Hà Giang lên một tầm cao mới khi “thông đường, kinh tế mở”.
Một trong những quyết sách mang tầm chiến lược, dấu ấn nhiệm kỳ cũng như huyết mạch hạ tầng của Hà Giang, khởi công, thi công dự án Cao tốc qua Hà Giang có chiều dài 27,5km quy mô giai đoạn 1 gồm 2 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/giờ (giai đoạn hoàn chỉnh, sẽ mở rộng lên 4 làn xe).
Khi hoàn thành sẽ phá vỡ thế độc đạo của quốc lộ 2 kết nối Hà Giang với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Rút ngắn thời gian di chuyển Hà Giang – Hà Nội chỉ còn 3 - 4 tiếng, giảm 2 tiếng so với hiện tại. Như vậy, Nghị quyết số 22, đặt mục tiêu xây dựng hai tuyến đường cao tốc nối Hà Giang - Tuyên Quang - Phú Thọ và đường cao tốc Hà Giang - Yên Bái nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông liên kết, kết nối các tỉnh tạo ra sức mạnh tổng thể. Cụ thể Dự án Chương trình đô thị miền núi phía Bắc được Ngân hàng Thế giới (WB) (gọi tắt là Dự án) tài trợ thông qua Hiệp định cấp vốn số 5476-VN ngày 17/7/2014 được ký giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hiệp hội Phát triển quốc tế. Những năm qua, với sự nỗ lực của ngành GTVT cũng như các địa phương, hàng loạt dự án giao thông tại các tỉnh miền núi phía Bắc được triển khai, từng bước thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông khu vực. Đầu tư 5.378 tỷ đồng kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc. Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc vay vốn Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).
Liên kết vùng tạo sức mạnh vì một Hà Giang phát triển
Quyết sách thực hiện đồng bộ hạ tầng giao thông để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, tại Hà Giang trong những năm qua, phát triển du lịch được xem là ngành kinh tế trọng điểm. Ngành công nghiệp không khói của Hà Giang đã và đang quyết định vấn đề an sinh của tỉnh nhà. Định hướng phát triển du lịch của Hà Giang được xác định trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thừa kế phát huy từ những nhiệm kỳ trước đó. Một trong những điểm nhấn cho du lịch Hà Giang đó là xây dựng chuỗi liên kết đưa sản phẩm du lịch đi khắp cả nước và thế giới, yếu tố liên kết vùng đóng vai trò đặc biệt quan trong cho sự phát triển kinh tế.
Hà Giang bằng những tiềm năng sẵn có, cùng với những cảnh quan kỳ vĩ, người Hà Giang làm du lịch độc đáo, họ không quá ồn ào, không phát triển nóng-chụp giật. Người Hà Giang làm du lịch từ những điều bình dị nhất, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, phát triển du lịch xanh, bảo tồn giá trị cha ông để lại với hình thức du lịch cộng đồng. Nếu những năm trước đây, Hà Giang cũng như các tỉnh xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm đều rất vất vả để có thể thành công, thì hôm nay Hà Giang xây dựng một mô hình du lịch thân thiện, giàu bản sắc thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến Hà Giang.
Thực tế, Hà Giang so với các tỉnh lân cận có bước phát triển “đột phá” dù hạ tầng, địa hình rất khó khăn. Bằng sự tận tâm các cấp chính quyền, trao “chìa khoá” làm du lịch đến tận thôn bản, từng gia đình, cá nhân… Với mục tiêu, làm du lịch để thoát nghèo, trong những năm qua, lãnh đạo tỉnh Hà Giang luôn năng động chú ý đến khâu liên kết để cùng nhau xây dựng, phát triển bền vững.
Điều này được thể hiện, những năm qua, thực hiện Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và Thành phố Hồ Chí Minh, du lịch của các tỉnh khu vực đã có nhiều khởi sắc, góp phần bảo tồn văn hóa bản địa, tạo động lực cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương. Đặc biệt, 8 tỉnh liên kết với Thành phố Hồ Chí Minh, phối hợp tốt cùng các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, các đơn vị lữ hành tổ chức triển khai nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch địa phương tạo hiệu ứng thu hút khách tham quan đến với khu vực.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Nhóm hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức 14/25 hoạt động; thu hút hơn 36,3 triệu lượt khách du lịch, với tổng doanh thu du lịch gần 105.000 tỷ đồng. Đến nay, các tỉnh, thành phố Nhóm hợp tác đã từng bước đưa vào khai thác hiệu quả tour du lịch kết nối các tỉnh Tây Bắc mở rộng và Thành phố Hồ Chí Minh như: Tour Bản Hùng ca Tây Bắc kết nối Thành phố Hồ Chí Minh - Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên - Lai Châu - Sa Pa (Lào Cai) - Hà Giang. Tour Hương sắc vùng cao kết nối Thành phố Hồ Chí Minh - Hà Nội - Bắc Hà (Lào Cai) - Xín Mần, Hoàng Su Phì, Đồng Văn (Hà Giang).
Bên cạnh việc liên kết nội vùng, ngành du lịch các tỉnh Tây Bắc còn cần phải liên kết với những địa phương khác có nhiều đầu mối tập trung về du lịch như Hà Nội, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh... Một hướng khác cũng cần mở rộng là liên kết phát triển du lịch liên quốc gia, nhất là với các địa phương có cửa khẩu quốc tế (Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên). Từ góc nhìn liên kết vùng trong du lịch, cần nhấn mạnh việc còn phải có liên kết vùng trong việc bảo vệ môi trường tại các điểm du lịch - cụ thể ở Tây Bắc là bảo vệ rừng và cảnh quan du lịch. Việc liên kết này phải dựa trên nguyên tắc nhấn mạnh phát triển bền vững, tránh tác động tiêu cực từ con người trong việc khai thác, kinh doanh du lịch.
Song song với đó, tỉnh Hà Giang còn liên kết 6 tỉnh Việt Bắc trong 14 năm qua để hình thành chuỗi liên kết các tỉnh thông qua chương trình du lịch 'Qua những miền di sản Việt Bắc' gồm các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên và Cao Bằng
Các tỉnh chiến khu Việt Bắc có nhiều điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội và tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, nhất là du lịch lịch sử, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa, với hệ thống những điểm di tích quan trọng của quốc gia, như: ATK Pác Bó (Cao Bằng), ATK Tân Trào (Tuyên Quang), ATK Định Hóa (Thái Nguyên), ATK Chợ Đồn (Bắc Kạn).
Nơi đây cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hệ sinh thái đa dạng với những cánh rừng nguyên sinh, hệ thống sông, hồ, thác nước, hang động hùng vĩ, những địa danh nổi tiếng như: Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng, Công viên Địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), hồ Ba Bể (Bắc Kạn), núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn), hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), Danh thắng Quốc gia Đặc biệt Na Hang-Lâm Bình (Tuyên Quang)… được đánh giá là điểm đến thú vị, có sức hấp dẫn đối với khách du lịch cả trong nước và quốc tế.
Qua 14 năm hình thành và phát triển, Chương trình đã tạo ra liên kết phát triển vùng trong 6 tỉnh Việt Bắc. Tour, tuyến, sản phẩm du lịch được hình thành. Lượng khách du lịch đến các tỉnh đều tăng. Trong giai đoạn 2009-2022, 6 tỉnh đã thu hút trên 71 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân trên %/năm. Thu nhập xã hội du lịch đạt trên 50.000 tỷ đồng, góp phần đóng góp vào GRDP của mỗi tỉnh, thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác, tạo nhiều việc làm cho người dân địa phương
Lĩnh vực nông nghiệp tại Hà Giang cũng được đánh giá thế mạnh để phát triển kinh tế, trong những năm qua, tỉnh Hà Giang trú trọng xây dựng thương hiệu nông sản sạch, đặc sản đồng bào các dân tộc vùng cao những đặc sản này hiện đang mang lại hiệu quả kinh tế cao người dân nơi đây.
Để thực hiện đồng bộ có hiệu quả, năm 2023 tỉnh Hà Giang đã có nhiều chương trình phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tổ chức Hội nghị Thúc đẩy phát triển nông nghiệp tỉnh Hà Giang đến năm 2030. Tại hội nghị này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chỉ rõ: Hà Giang cần xác định phát triển nông nghiệp, du lịch không chỉ là phát triển kinh tế đơn thuần mà còn là trách nhiệm và lòng tự hào của quê hương Hà Giang, vùng đất “nở hoa trên đá”…
Hà Giang xác định, trong giai đoạn 2021-2025, vẫn là tỉnh nông nghiệp, lĩnh vực nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm sinh kế bền vững cho hơn 80% lao động nông thôn. Năm 2022, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản theo giá hiện hành đạt gần nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 31% cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Sau những hội nghị, Hà Giang luôn hướng đến giá trị phát triển liên kết vùng trong phát triển nông nghiệp, phải nhận thức “tư duy về liên kết vùng” là tư duy chủ đạo, kết nối và dẫn dắt sự phát triển của từng địa phương trong vùng theo cơ chế điều phối và kết nối hiệu quả nhằm thống nhất về nhận thức và định hướng cùng nhau phát triển, tránh tình trạng phân mảnh, sản phẩm giống nhau, dàn trải nguồn lực đầu tư trong phát triển nông nghiệp. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, sản phẩm hàng hoá đặc trưng của từng địa phương. tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhằm phát triển nông nghiệp các tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang và Yên Bái theo hướng sinh thái, tuần hoàn, chất lượng, hiệu quả, bền vững.
“Thoát nghèo trên đá, làm giàu trên đá”
Nghị quyết số 11 ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị nêu rõ phương hướng phát triển KT - XH, đảm bảo QP - AN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng phát triển xanh, bền vững, toàn diện. Nhất quán quan điểm, tầm nhìn và chiến lược của Đảng, là một trong những địa phương đặc biệt khó khăn, nghèo nhất cả nước với 7 huyện nghèo địa hình núi đá, chia cắt mạnh, có tới 86% dân cư sinh sống ở khu vực nông thôn, tỉnh Hà Giang đã tổ chức triển khai quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết và có nhiều cách làm sáng tạo nhằm khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế gắn với liên kết vùng theo phương châm “Sống trên đá, thoát nghèo trên đá và tiến tới làm giàu trên đá”.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra 3 nhiệm vụ đột phá, 5 chương trình trọng tâm và 17 chỉ tiêu cụ thể. Với quyết tâm cao, một lòng trong hệ thống chính trị tỉnh để xây dựng ngày mới Hà Giang xứng với niềm mong đợi nơi địa đầu Tổ quốc.
Một trong ba mục tiêu đột phá của Hà Giang đó là xây dựng chiến lược phát triển du lịch, trên cơ sở Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, những năm qua, tỉnh ta đã ban hành một số chính sách, kế hoạch, đề án để phát triển du lịch; đây là những hành lang pháp lý quan trọng tạo nền tảng thúc đẩy phát triển ngành “công nghiệp không khói”. Cùng đó, tỉnh kiện toàn Ban Chỉ đạo phát triển du lịch và Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn...
Hiện, toàn tỉnh có 106 điểm du lịch, trong đó, hình thành 3 không gian du lịch: Không gian du lịch đồi núi thấp gắn với sản phẩm du lịch thương mại, du lịch nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái và tâm linh; không gian du lịch đồi núi đá phía Bắc, là vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn; không gian du lịch đồi núi đất phía Tây gắn với Di tích danh thắng Quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, tập trung phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và nghỉ dưỡng. Nhằm tạo cơ chế thông thoáng, ưu đãi, hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng du lịch, tỉnh đã xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, thu hút đầu tư vào du lịch.
Tại Hà Giang, các bạn trẻ có cách làm du lịch rất độc đáo, ấn tượng đặc biệt cho khách du lịch. Họ không đi theo lối mòn cách làm du lịch mà họ xây dựng các tour trải nghiệm bằng xe máy để những câu chuyện về bản sắc văn hoá dân tộc của mình. Mong muốn đưa bản làng ra thế giới từ những câu chuyện bình dị thắm đẫm văn hoá truyền thống.
Anh Hoàng Văn Hoàn, hiện đang là Giám đốc Công ty truyền thông và dịch vụ du lịch lữ hành Gió Hà Giang, chia sẻ “Mình bắt tay vào làm du lịch ngoài tình yêu quê hương, mong muốn lữu giữ nét văn hoá dân tộc Tày của mình. Bởi khi nhìn thấy các bạn trẻ hiện nay đến ngôn ngữ dân tộc mình còn không nói được, đó là điều rất đáng lo ngại. Từ đó, mình bắt đầu xây dựng thương hiệu, hành trình những chuyến tour trải nghiệm bằng xe máy, đội xe của mình có đủ các dân tộc khác nhau trên địa bàn Hà Giang. Mỗi một bạn là một hướng dẫn viên kể những câu chuyện văn hoá, du lịch cho du khách cảm nhận về quê hương, con người Hà Giang. Đặc biệt phương châm của mình là khách đến Hà Giang được trải nghiệm thắng cảnh, văn hoá, ẩm thực, làng nghề một cách chân thực, độc đáo và thoải mái nhất. Để khi họ nhớ đến Việt Nam là nhớ đến Hà Giang. Sự khác biệt này chính là bọn mình đang kể những câu chuyện về đất và người Hà Giang”.
Trong 8 tháng của năm 2023, toàn tỉnh đón hơn 1,9 triệu lượt khách du lịch, trong đó có hơn 188.000 lượt khách quốc tế và trên 1,7 triệu lượt khách nội địa; tổng doanh thu từ du lịch đạt gần 4 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, dịp nghỉ lễ 2.9 vừa qua, tổng lượng khách du lịch đến tỉnh đạt trên 75.000 người, tăng hơn 78% so với dịp nghỉ lễ 2.9 năm 2022, trong đó có trên 4.500 lượt khách nước ngoài và hơn 71.000 lượt khách nội đị; tổng doanh thu từ du lịch đạt 177 tỷ đồng.
Thực tế cho thấy, Hà Giang đang là điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch, minh chứng là lượng khách du lịch đến tỉnh không ngừng tăng qua các năm, bình quân tăng trên %/năm. Đáng chú ý, đầu năm 2023, Hà Giang vui mừng được tờ báo nổi tiếng của Mỹ - The New York Times đưa vào danh sách 52 điểm đến toàn cầu năm 2023; Tạp chí Du lịch nổi tiếng thế giới Lonely Planet (Australia) bình chọn Hà Giang nằm trong top 10 điểm đến tuyệt vời nhất Việt Nam năm 2023…
Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc được xem là làng Mông kiểu mẫu, gây ấn tượng mạnh với không gian đậm đà bản sắc văn hóa, được thiết kế theo hình lục giác. Làng Mông được xây dựng và hoạt động từ giữa năm 2019 với tổng giá trị đầu tư gần 25 tỷ đồng bằng nguồn vốn xã hội hóa.
Ông Chu Minh Quang, Trưởng Ban quản lý làng, chia sẻ: “Tư duy của người dân khi làm du lịch đã năng động hơn- tuy nhiên các hộ gia đình tham gia làng cộng đồng đều ý thức giữ gìn bản sắc trọn vẹn truyền thống dân tộc Mông để phát triển du lịch, tạo nên điều khác biệt để thu hút khách du lịch nâng cao thu nhập, đời sống của mình. Cụ thể, Năm 2022, làng đón trên 200 nghìn lượt khách lưu trú; doanh thu trên 60 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2023, đón trên 0 nghìn lượt khách, doanh thu đạt trên 30 tỷ đồng.”
Hay, thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn) nằm dưới chân núi Rồng, đây là ngôi làng được người Hà Giang xây dựng bước ra từ câu chuyện cổ tích, đáng sống nhất nơi cực Bắc Tổ quốc. Người dân trong thôn chỉ có 40 hộ nhưng có 32 hộ làm du lịch. Từ những căn nhà ghỗ đơn sơ, mộc mạc cũng được người dân sơn sửa, cải phục lại để cho du khách trải nghiệm. Điều mà du khách đến đây sẽ cảm nhận đó là không khí của ngôi làng cổ tích bình yên, lãng mạn, con người vô cùng thân thiện. Bởi người Lô Lô luôn có niềm tin, vững tin bám bản, giữ từng gốc cây, ngọn cỏ, mỗi người dân là những cột mốc sống nơi biên cương. Bên cạnh đó người trong thôn biết liên kết giữ du lịch và nông nghiệp thành hệ thống cung ứng thực phẩm sạch cho những hộ kinh doanh homestay tăng thêm thu nhập, nâng cao chất lượng dịch vụ. Sự đoàn kết ấy, trung bình mỗi năm, thôn đón trên 10 nghìn lượt khách tới tham quan, lưu trú - Trưởng thôn Lô Lô Chải, Sình Dỉ Gai chia sẻ.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Hà Giang luôn chú trọng thúc đẩy, phát triển nguồn nhân lực cho các tỉnh cũng như tăng cường cùng hợp tác và chuyển giao công nghệ để phát triển liên kết nông nghiệp tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Đối với Hà Giang, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định Hà Giang là tỉnh nông nghiệp; nông nghiệp là một trong ba trụ cột chính trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Phát triển du lịch gắn với nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị là “1 trong 3” đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, khó khăn trong phát triển nền nông nghiệp hiện đại và nông thôn văn minh, nền nông nghiệp xanh, sạch, bền vững.
Ông Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, chia sẻ: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nhất là đối với Hà Giang, tỉnh địa đầu Tổ quốc có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của quốc gia. Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 vẫn xác định Hà Giang là tỉnh nông nghiệp; nông nghiệp là một trong ba trụ cột chính trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Trong 3 đột phá của Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII có 02 đột phá liên quan đến ngành Nông nghiệp, đó là: Tạo sinh kế, nâng cao vật chất, tinh thần cho người dân; Phát triển Du lịch, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị. Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành các quyết chuyên đề về lĩnh vực nông lâm nghiệp, được cấp ủy đảng, chính quyền và hệ thống chính trị các cấp từ tỉnh đến cơ sở triển khai thực hiện đã đi vào cuộc sống, tạo ra giá trị, thu nhập cho người dân và nhận được sự đồng thuận của đại bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh.
Với mục tiêu, gắn kết, xây dựng chuỗi liên kết sản phẩm nông nghiệp sạch các tỉnh trong khu vực, Hà Giang cũng đã xây dựng hàng loạt sản phẩm hàng hoá chất lượng cao phục vụ cho Du lịch trong và ngoài nước biết đến. Như mật ong bạc hà Hà Giang hiện được phát triển tại 4 huyện Cao nguyên đá, gồm: Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ với trên 43.700 đàn, gần 2.900 hộ nuôi ong, hơn 1.100 ha diện tích trồng cây Bạc Hà. Cùng với đó, tỉnh cũng có hàng chục doanh nghiệp, HTX sản xuất, chế biến mật ong. Sản phẩm mật ong bạc hà được đánh giá chất lượng sản phẩm tốt, có giá trị dinh dưỡng cao.
Năm 2013, thương hiệu “Mật ong Bạc Hà” của Hà Giang đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Chứng nhận Chỉ dẫn địa lý. Từ khi được cấp Chỉ dẫn địa lý, mật ong bạc hà của Hà Giang không ngừng được mở rộng vùng sản xuất, nâng cao giá trị cũng như tạo dựng được thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế. Với giá bán bình quân hiện nay từ 750 đến 800 nghìn đồng/lít, có thời điểm tới 900 nghìn đồng/lít, nghề nuôi ong nội khai thác phấn hoa cây bạc hà đã góp phần nâng cao thu nhập, tạo tiền đề đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo đối với đồng bào các dân tộc trên vùng cao nguyên đá.
Thương hiệu chè Shan Tuyết là giống chè cổ thụ mọc trên những dãy núi cao, lá chè, búp chè được phủ một lớp nhung trắng như tuyết, đây là đặc điểm mà những giống chè trồng ở các vùng trung du và đồng bằng không thể có được. Nằm ở độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển, xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên là một trong những xứ chè Shan tuyết cổ thụ của tỉnh. Cây chè không biết có từ khi nào, có những cây tuổi đời hàng trăm năm tuổi được công nhận là cây di sản Việt Nam. Chè Shan tuyết được trồng ở cả 11 thôn, bản trong xã, với tổng diện tích trên 1.000 ha. Trung bình mỗi năm, sản lượng thu hái đạt hơn 1.800 tấn chè búp tươi, giá trị kinh tế đạt hơn 32 tỷ đồng. Đối với người Dao giữa đại ngàn núi rừng Cao Bồ, cây chè được ví như báu vật, tâm hồn, nhờ có nó mà đồng bào có việc làm, của ăn, của để và có những nhà đã giàu lên từ chè.
Thương hiệu cam sành vàng Hà Giang, năm 2004 nhãn hiệu "Cam sành Hà Giang" được Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam xác lập và bảo hộ. Năm 2005, Hà Giang đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cam sành Hà Giang. Năm 2014 cam sành Hà Giang nằm trong top 10 sản phẩm được người tiêu dùng tin cậy lựa chọn. Cam sành Hà Giang được Hiệp hội Khoa học và Công nghệ lương thực thực phẩm Việt Nam chứng nhận danh hiệu "Món ngon tinh hoa ẩm thực Việt". Năm 2016, giống cam sành Hà Giang đã được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Nghị quyết lớn của Đảng hợp lòng dân
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra 3 đột phá, 5 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong nhiệm kỳ 2020 – 2025; trong đó “Tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân” là một đột phá chiến lược, quan trọng. Trong những năm qua, Hà Giang đã luôn làm rất tốt công tác giảm nghèo với mục tiêu đưa Nghị quyết vào cuộc sống để hiện thực
Kế thừa và phát huy những thành quả trước đó trong công cuộc giảm nghèo và hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành 3 nghị quyết chuyên đề nhằm tạo sinh kế cho người dân vươn lên trên chính mảnh đất quê hương là: Nghị quyết số 05 về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho nhân dân giảm nghèo bền vững; Nghị quyết số 16 về phát triển lâm nghiệp bền vững và Nghị quyết số 17 về phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị.
Đi tìm lời giải cho “bài toán” làm thế nào để đem lại sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số? Qua các kỳ đại hội và đặc biệt là đến nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ tỉnh đã có những chủ trương, định hướng khơi dậy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, sức mạnh nội sinh, tiềm lực nhân dân, làm tươi sáng bức tranh giảm nghèo, thay đổi diện mạo, vị thế Hà Giang trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Dưới sự định hướng của Đảng, cùng các cấp, các ngành, 19 dân tộc anh em không kể giàu, nghèo luôn đoàn kết, đồng lòng, kề vai, sát cánh biến khó khăn thành động lực, điều không thể thành có thể để đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, đến trực tiếp với đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới của tỉnh. Dù mới đi được một nửa nhiệm kỳ, từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ trên 72 nghìn lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách vay 480 tỷ đồng phát triển sản xuất. Từ đó, kết tinh thành những “quả ngọt” nơi biên cương .
Một trong những nghị quyết đi vào lòng dân nhanh nhất, sớm nhất là Nghị quyết số 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp. Với sức hút của chương trình, từ cấp tỉnh đến cơ sở đều chủ động vào cuộc, phần lớn các địa phương có cách rất bài bản, linh hoạt như: Bắc Quang, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, riêng huyện Yên Minh đã hoàn thành mục tiêu cho cả giai đoạn.
Sau gần 3 năm triển khai Nghị quyết số 05, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2.756 hộ nghèo, cận nghèo tham gia cải tạo vườn tạp. Những mảnh vườn khô cằn, hoang hóa ngày nào giờ đây được phủ xanh và thay thế bằng những vườn rau, cây ăn quả bốn mùa tươi tốt. Trong đó, hơn 1.900 vườn hộ cho hiệu quả kinh tế, thu nhập đạt 18,8 triệu đồng/năm, cao gấp 2 - 3 lần so với trước. Đặc biệt, cải tạo vườn tạp không chỉ đem lại sinh kế cho hộ nghèo, với phương châm không để lãng phí tài nguyên đất, chương trình đã lan tỏa khí thế thi đua cải tạo vườn ở các hộ trung bình, khá, giàu với hơn 3.400 vườn, tổng diện tích trên 304ha đã được cải tạo
Mèo Vạc là huyện vùng cao núi đá phía Bắc tỉnh Hà Giang, một trong 62 huyện nghèo của cả nước. Đồng bào các dân tộc trong huyện chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Cây trồng chính là cây ngô, đời sống và thu nhập của bà con còn thấp. Tỷ lệ hộ nghèo và nguy cơ tái nghèo còn cao, đến năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 64,04%. Dưới định hướng của Đảng, người dân đã thay đổi tư duy cách sản xuất mang lại giá trị nông sản chất lượng cao, xây dựng thương hiệu
Trong hai năm 2021 - 2022, huyện Mèo Vạc có 260 hộ thực hiện cải tạo vườn tạp, trong đó có 204 hộ được thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết số 58 về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế vườn hộ và phát triển bền vững cây cam sành trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 với tổng số tiền được giải ngân gần 6 tỷ đồng. Kết quả cho thấy, đối với hộ được thụ hưởng chính sách đã cải tạo tổng diện tích trên 1.265.000m2.
Theo Ban Chỉ đạo Chương trình cải tạo vườn tạp huyện Mèo Vạc, qua theo dõi, thu nhập mang lại sau khi thực hiện cải tạo vườn tạp đã trừ chi phí đầu tư, bình quân mỗi hộ thu nhập từ trên 10,4 triệu đồng trở lên/năm.
Bên cạnh đó, tiếng reo vui hân hoan nhân dân khi khơi thông con đường cao tốc dấu ấn nhiệm kỳ Đảng bộ Nhân dân tỉnh Hà Giang. Dự án đường cao tốc Tuyên Quang- Hà Giang là dự án giao thông trọng điểm nhóm A có vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH, giữ vững AN - QP, mở ra cơ hội thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng thế mạnh của tỉnh Hà Giang.
Với ý nghĩa quan trọng đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Giang đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, nêu cao vai trò của cấp ủy trong tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), bồi thường tái định cư cho người dân nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án, giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển KT-XH của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII.
Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang là dự án lớn mang tầm vóc Quốc gia. Đây là lần đầu tiên huyện Bắc Quang triển khai một dự án trọng điểm lớn nên không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai GPMB. Do đó, UBND tỉnh Hà Giang đã thành lập Tổ công tác số 801 với sự tham gia của các sở, ngành có liên quan trực tiếp giao ban hàng tuần với huyện Bắc Quang nhằm giải quyết các vướng mắc từ cơ sở.
Xác định khối lượng công việc rất lớn, huyện Bắc Quang đã nhanh chóng thành lập, kiện toàn hệ thống Ban Chỉ đạo (BCĐ) 2 cấp, xây dựng quy chế hoạt động, thành lập tổ giúp việc, phân công các đồng chí lãnh đạo chủ chốt phụ trách các xã, thị trấn. Hội đồng bồi thường GPMB phối hợp BCĐ cấp xã, thị trấn xây dựng lộ trình, đưa ra phương án cụ thể để lãnh đạo cấp ủy của huyện kịp thời nắm bắt tình hình, dễ dàng đôn đốc các đơn vị triển khai theo kế hoạch.
Một cách làm mới, sáng tạo của huyện Bắc Quang là biên soạn và ban hành cuốn cẩm nang hỏi đáp về GPMB, bồi thường tái định cư. Cuốn sách này không chỉ cung cấp kiến thức các văn bản quy định pháp luật của nhà nước về Luật Đất đai mà còn đưa ra các tình huống trả lời những thắc mắc, câu hỏi phổ biến người dân có thể gặp phải. Trên cơ sở đó, các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền giúp người dân cập nhật thông tin, củng cố kiến thức về nội dung của cuốn sách. Điển hình như xã Quang Minh đã tổ chức Cuộc thi viết về công tác thu hồi đất bồi thường tái định cư. Cuộc thi đã thu hút đông đảo cán bộ đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên và nhân dân trên địa bàn tham gia hưởng hứng. Từ đó tạo sự đồng thuận lớn trong nhân dân về đường lối, chủ trương chung của tỉnh Hà Giang về dự án đường cao tốc; giúp chính quyền địa phương dễ dàng triển khai công tác bồi thường GPMB.
Công tác giải phóng mặt bằng luôn chủ đề nóng, được sự quan tâm ban Thường vụ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh thường xuyên đôn đốc, chia sẻ, chỉ đạo huyện Bắc Quang đã khắc phục những khó khăn để thực hiện đúng tiến độ bàn giao mặt bằng trước ngày 30/09/2023. Công tác tái định cư tại đây cũng được người dân ủng hộ. Có lẽ rằng, hơn lúc nào hết, Đảng bộ nhân dân tỉnh Hà Giang luôn đoàn kết, sẻ chia, đồng lòng để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đảng bộ đã đề ra. Như thấu hiểu sự nỗ lực lãnh đạo tỉnh nhà, người dân nơi nơi những công trình đi qua đều sẻ chia những "cái khó" cùng khi mà nghị quyết của Đảng đã đi vào cuộc sống từ những điều bình dị nhất "nói đi đôi với làm", những việc gì có lợi cho dân hết sức làm- những việc gì có hại cho dân hết sức tránh", từ đó tiếp thêm niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và khát vọng đưa Hà Giang vươn mình trong thời gian tới.
Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng nhấn mạnh: Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang có ý nghĩa quan trọng, là cơ hội lớn để xây dựng và phát triển tỉnh Hà Giang. Quyền Bí thư Tỉnh ủy đề nghị lãnh đạo các sở, ngành, BQL Dự án với chức năng nhiệm vụ của mình cần phát huy tinh thần trách nhiệm triển khai công việc một cách đồng bộ, làm đến đâu chắc đến đó. Về khó khăn vướng mắc trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, Quyền Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Sở Tài nguyên – Môi trường phối hợp với các ngành hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ sớm nhất để trình Chính phủ phê duyệt. Đối với BQL Dự án, trên cơ sở mặt bằng sạch đã được giao chỉ đạo, đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công đảm bảo thời gian, chất lượng công trình.
Đến thăm khu tái định cư tại xã Hùng An và Quang Minh, đa số người dân đều vui mừng, đồng thuận với chủ trương, chính sách của Nhà nước, tuy nhiên một số hộ kiến nghị về giá đền bù đất, tài sản phải di dời còn thấp… Quyền Bí thư Tỉnh ủy đề nghị huyện Bắc Quang, BQL Dự án cần công khai, minh bạch bản đồ thu hồi đất, bảng giá đền bù đất đai, hoa màu, tài sản trên đất để người dân biết, tham gia giám sát việc thực hiện. Sở Tài chính tiếp thu ý kiến người dân, phối hợp với các ngành xây dựng biểu giá đền bù, đảm bảo mức cao nhất Nhà nước cho phép và sát với thực tế giá thị trường, đảm bảo người dân đến nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ. Đề nghị MTTQ, Ban Dân vận các cấp tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong công tác thu hồi, đền bù, tái định cư để người dân hiểu, đồng thuận hưởng ứng.
Ông Nguyễn Xuân Thủy, xã Hùng An, Bắc Quang chia sẻ “tuyến đường Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang hiện đang triển khai, nhân dân chúng tôi rất phấn khởi, vì có đường là khơi thông phát triển kinh tế nâng tầng huyện và tỉnh Hà Giang. Tôi nhận thấy, công tác giải phóng mặt bằng luôn là khâu khó, phức tạp. Thế nhưng trên địa bàn chúng tôi bà con đồng thuận chung tay cùng tỉnh đẩy nhanh tuyến đường sớm hoàn thành. Tôi rất hài lòng cách dân vận làm của lãnh đạo địa phương không kể nắng mưa, người dân có ý kiến sẵn sàng đối thoại, chia sẻ, giải thích và lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân. Từ đó, nắm bắt được tình hình thực tiễn đôn đốc các thành viên trong BCĐ triển khai phương án phù hợp với định hướng sinh kế cho bà con. Quá trình theo dõi, giám sát việc kiểm đếm, bồi thường, tất cả các bản đồ thu hồi đất tại 9 thôn của xã đều được niêm yết công khai. Qua đó, tạo sự đồng thuận cao khi tất cả 226 hộ dân thuộc diện giải tỏa đều chấp nhập phương án di dời GPMB của nhà nước.
Trong 8 lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang khi Người lên thăm tháng 03/1961, trong đó có một câu “Đồng bào phải ra sức tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để làm cho mọi người có áo ấm, cơm no”. Lời căn dặn đó, trong suốt hành trình lịch sử, Đảng bộ nhân dân tỉnh Hà Giang luôn nỗ lực không ngừng để thực hiện nhiều chương trình an dân với những mục tiêu đột phá để Hà Giang ngày mới bứt phá xứng đáng nơi địa đầu Tổ quốc
Nghị quyết số 11 ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị nêu rõ phương hướng phát triển KT - XH, đảm bảo QP - AN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng phát triển xanh, bền vững, toàn diện. Nhất quán quan điểm, tầm nhìn và chiến lược của Đảng, tỉnh Hà Giang là một trong những địa phương đặc biệt khó khăn, nghèo cả nước với 7 huyện nghèo địa hình núi đá, chia cắt mạnh, có tới 86% dân cư sinh sống ở khu vực nông thôn. Hà Giang ngày mới với quyết tâm tận dụng bằng mọi tiềm năng sẵn có, đôi bàn tay, trí tuệ đồng lòng toàn tỉnh quyết liệt thực hiện hiệu quả các nghị quyết đã đề ra với phương châm “Sống trên đá, thoát nghèo trên đá và tiến tới làm giàu trên đá”....