Xã hội

Tăng cường tuyên truyền để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết

Lập - Hà 26/09/2023 - 21:38

Thực hiện Kế hoạch số 335/KH-BDT của Ban Dân tộc, tỉnh Quảng Bình tổ chức Hội thi tuyên truyền về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Lệ Thuỷ năm 2023. Nhờ công tác tuyên truyền nên tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống có xu hướng giảm dần.

Nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tại huyện Lệ Thuỷ, vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn còn len lỏi “ngầm” trong đời sống người đồng bào gây ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống vật chất và tinh thần của người đồng bào nói riêng và sự phát triển chung của địa phương nói chung.

Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc hai bên chưa đủ tuổi kết hôn, cụ thể là nam chưa đủ 20 tuổi trở lên, nữ chưa đủ 18 tuổi trở lên. Hôn nhân cận huyết thống là việc kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người có cùng dòng máu trực hệ là những người có họ trong phạm vi 3 đời.

Đến dự cuộc thi có sự tham gia của Đại diện lãnh đạo Phòng Dân tộc huyện Lệ Thủy; đại diện Đảng ủy, UBND xã Kim Thủy, Ngân Thủy, Lâm Thủy; đại diện UBMTTQVN xã và các ban, ngành, đoàn thể xã Lâm Thủy đến tham dự.

th.jpg
Các đội trong phần thi kiến thức

Với mục tiêu thực hiện có hiệu quả Tiểu dự án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó nhằm tập trung cung cấp thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình, Luật phòng, chống bạo lực gia đình,…tuyên truyền tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, tập trung vào đối tượng người dân đang sinh sống, cư trú tại các xã miền núi huyện Lệ Thủy, hội thi được triển khai trên tinh thần khách quan, hấp dẫn, thiết thực, hiệu quả và tích cực.

Mở đầu Hội thi là các tiết mục văn nghệ chào mừng đến từ các bạn đoàn viên thanh niên trên địa bàn huyện; sau tiết mục văn nghệ là Phát biểu khai mạc Hội thi do Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nguyễn Thị Lài.

Màn chào hỏi, tại đây các đội thi giới thiệu đội thi của mình bằng hình thức sân khấu hoá như văn nghệ, thơ, ca,…; Phần kiến thức, các đội thi trả lời bộ câu hỏi trắc nghiệm A, B, C, D, mỗi đội cử 3 đại diện tham gia phần này; Phần tiểu phẩm, mỗi đội tham gia thi tiểu phẩm về một trong những nội dung tuyên truyền giáo dục hoặc phản ánh thực tế về đạo đức lối sống trong gia đình; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Bình đẳng giới,…

Tham dự Hội thi có sự tham gia của thành phần ban giám khảo, những người cầm cân nảy mực góp phần quan trọng trong sự thành công của Hội thi: Ông Phạm Văn Hoạt, Huyện ủy viên, Bí thư Huyện đoàn làm Trưởng Ban giám khảo; Ông Nguyễn Minh Phương, Trưởng phòng Nghiệp vụ Ban Dân tộc làm Phó Trưởng Ban giám khảo; Ông Đỗ Trung Quân, Huyện ủy viên Trưởng phòng Dân tộc làm giám khảo viên; Ông Đặng Thái Vũ Hiệp, Phó Bí thư Huyện đoàn làm giám khảo viên; Bà Nguyễn Thái Vân, chuyên viên Ban Dân tộc làm giám khảo viên.

Tổ Thư ký gồm: Ông Võ Trường An, Bí thư Đoàn xã An Thủy, Tổ trưởng; Bà Lê Thị Khánh Huyền, Phó Bí thư đoàn xã Tân Thủy, Tổ viên với nhiệm vụ giúp Ban giám khảo tổng hợp và báo cáo kết quả chấm thi với Ban Tổ chức hội.

Tham gia các đội thi đến từ 3 xã miền núi: Kim Thuỷ, Lâm Thuỷ, Ngân Thủy với 6 đội. Đội Cẩm Ly, Đội Xà Khía, Đội Khe Giữa, Đội Cồn Cùng, Đội Tăng Ký và Đội Bang.

Trải qua 3 phần thi, các đội đều thể hiện một màu sắc riêng của mình qua cách diễn đạt, thể hiện, cách truyền tải nội dung và thông điệp vô cùng ý nghĩa và sâu sắc. Đặc biệt hơn, các đội thể hiện ý tưởng của mình thông qua các chất liệu dân gian, truyền thống dân tộc như hò khoan Lệ Thủy, thơ ca cũng góp phần không nhỏ trong việc giữ gìn và bảo tồn nền văn hoá của quê hương mình và mang đến hội thi những thông điệp ấn tượng: “Hãy nói không với nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”.

Các đội thi mở màn với phần chào hỏi vô cùng ấn tượng bằng hình thức sân khấu hoá sử dụng Hò khoan Lệ Thuỷ, thơ, nhạc cụ dân tộc, hát và múa,…; Phần thi kiến thức có lẽ là phần thi gay cấn nhất, bởi bộ câu hỏi không hề dễ, thời gian suy nghĩ và trả lời trôi qua rất nhanh đòi hỏi các đội chơi phải vô cùng tập trung và phân tích sau đó lựa chọn câu trả lời.

Phần thi tiểu phẩm là phần thi mang đến cho khán giả vô vàn những cảm xúc, từ yêu, ghét, hờn, tủi, trách móc và đồng cảm, các đội chơi đều đầu tư vô cùng công phu và tâm huyết từ nội dung, diễn viên, đạo cụ hỗ trợ, âm thanh, ánh sáng góp phần đưa khán giả hoà mình vào tiểu phẩm một cách sinh động, giàu tính nhân văn.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, các đội thi đều đã rất xuất sắc vượt qua 3 phần thi và đạt được kết quả cao: Xuất sắc giành giải Nhất là Đội Tăng Ký; giải Nhì là Đội Bang; Đội Cẩm Ly và Xà Khía đạt giải Ba, Đội Cồn Cùng, Khe Giữa đạt giải khuyến khích toàn đoàn.

Hội thi kết thúc với tinh thần khách quan, công tâm, tham gia sôi nổi của các thí sinh và mang lại những giá trị to lớn góp phần củng cố kiến thức của bà con dân tộc thiểu số về vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, giúp bà con hiểu vấn đề đó ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển Kinh tế - Văn hoá – Xã hội của đất nước.

Lập - H