Tòa án địa phương

Điểm sáng trong công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Thành Nhớ 27/09/2023 - :36

Sau gần 3 năm thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, TAND huyện An Minh (tỉnh Kiên Giang) đã đạt được những kết quả tích cực, không chỉ giúp giảm tải công việc của Tòa án mà rất nhiều đương sự đã lựa chọn phương án hòa giải để giải quyết vấn đề của mình.

Hòa giải, đối thoại tại Toà án là chế định mới được pháp luật quy định tại Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.

Sau khi đi vào thực tiễn, có thể khẳng định, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án mang lại rất nhiều lợi ích, hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử.

Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, TAND huyện An Minh đã khẩn trương chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất cũng như lựa chọn những người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn để bổ nhiệm hòa giải viên.

Hầu hết các hòa giải viên đều có trình độ, am hiểu pháp luật, có kinh nghiệm tiến hành hòa giải, đối thoại và đặc biệt đều rất nhiệt huyết, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao.

z4730991203109_78c44afae9b8e2ce0e4c5b987d3ae916.jpg
TAND huyện An Minh triển khai công tác Tòa án năm 2023.

Trong năm 2023 (tính từ ngày 01/10/2022 đến ngày 25/09/2023), TAND huyện An Minh đã thụ lý theo Luật Hòa giải là 622/796 đơn trên tổng số đơn khởi kiện, đạt tỷ lệ 78%. Trong đó đã tổ chức hòa giải 547 vụ, hòa giải thành 351 vụ đạt tỷ lệ 64% (gồm đoàn tụ 17 vụ, công nhận sự thỏa thuận 321 vụ, giải thích động viên các đương sự rút đơn khởi kiện 13 vụ).

Các Thẩm phán đã ban hành 309 quyết định công nhận kết quả hòa giải thành khi các đương sự yêu cầu, đạt 100% so với yêu cầu. Không có quyết định nào bị khiếu nại, khó hoặc không thi hành được. Từ đó làm giảm lượng án thụ lý của Tòa án, góp phần hạn chế mâu thuẫn trong nhân dân.

Tuy thời gian triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án chưa lâu nhưng các hòa giải viên TAND huyện An Minh đã nhanh chóng tiếp cận công việc, sắp xếp thời gian khoa học, đảm bảo giải quyết đúng tiến độ, hòa giải các vụ việc đạt kết quả rất tốt, không có trường hợp nào để hồ sơ hòa giải, đối thoại quá thời hạn.

Hòa giải viên Lê Xuân Diệu cho biết, từ khi nhận được quyết định của TAND tỉnh Kiên Giang làm hòa giải viên của TAND huyện An Minh, bản thân ông là người từng có kinh nghiệm kinh qua nhiều vị trí công tác từ Viện kiểm sát, Thanh tra, Phòng Tư pháp huyện nên có rất nhiều kinh nghiệm đối với các công việc liên quan đến thực thi pháp luật.

Ông tâm sự, với vai trò là hòa giải viên, ông đã tiếp xúc và hòa giải nhiều vụ thành công. Đối với các vụ về hôn nhân, ông thường mời gặp gỡ, trao đổi trên điện thoại hoặc là trực tiếp với các đương sự, rồi sau đó hẹn ngày giờ lên để hòa giải. Có những vụ khi hòa giải thấy hai vợ chồng mâu thuẫn không lớn thì cho về, đợi một tháng hoặc nửa tháng gì đó để về vợ chồng suy nghĩ thấu đáo, sau đó mời họ lên hàn gắn. Có nhiều vụ ông đã hòa giải thành công sau khi gặp gỡ, trao đổi giúp cho các gia đình đoàn tụ,...

Ông Lê Chí Công, Chánh án TAND huyện An Minh cho biết, trong những năm gần đây, các vụ việc dân sự TAND huyện thụ lý, giải quyết ngày càng gia tăng về số lượng và tính chất phức tạp. Do đó, ngay từ khi thực hiện Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án, TAND huyện An Minh đã quan tâm bố trí cơ sở vật chất, nhân sự phục vụ nhiệm vụ này.

Hiện nay, TAND huyện có 5 hòa giải viên, trong quá trình thực hiện hòa giải đối thoại tại Tòa án, lãnh đạo TAND huyện đã chỉ đạo Thẩm phán và hòa giải viên phối hợp nghiên cứu nội dung các vụ, việc; đưa ra phương thức hợp lý nhằm đạt được kết quả cao.

z4730991201663_b840bf604ce2ec7c4b093dc5ffc013.jpg
Năm 2022 TAND huyện An Minh được TANDTC tặng Cờ thi đua xuất sắc.

Để nâng cao hiệu quả thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, thời gian tới, TAND huyện An Minh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm giúp người dân hiểu rõ và sâu sắc hơn về ý nghĩa việc hòa giải, đối thoại; bồi dưỡng, tập huấn cho hòa giải viên cũng như chủ động tham mưu, giải quyết bất cập, vướng mắc, nâng cao hơn nữa hiệu quả thi hành Luật, góp phần giải quyết hiệu quả các tranh chấp, tạo sự đồng thuận, xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân.

Ông Võ Kế Nghiệp, Phó Chánh án TAND tỉnh Kiên Giang cho biết, qua theo dõi, lãnh đạo TAND tỉnh thấy rằng, để đạt được những kết quả trên, ban lãnh đạo TAND huyện An Minh đã tập trung quan tâm thực hiện công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án; bố trí cơ sở vật chất, phương tiện đảm bảo cho hoạt động của hòa giải viên, các hòa giải viên rất tâm huyết, trách nhiệm với công việc, am hiểu pháp luật, có kiến thức, kinh nghiệm.

Đặc biệt có hai hòa giải viên nguyên là Chánh án TAND huyện và Phó Viện trưởng VKSND huyện thực hiện hòa giải thành đạt tỷ lệ cao, là gương sáng được biểu dương, nhân rộng ở TAND hai cấp trong tỉnh.

Cũng theo ông Võ Kế Nghiệp, để nâng cao hiệu quả công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án đối với TAND hai cấp tỉnh Kiên Giang, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện các giải pháp như: Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo TAND cấp huyện tập trung thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án; nâng chất hoạt động của hòa giải viên thông qua xét chọn, bổ nhiệm, tập huấn và tổng kết rút kinh nghiệm việc thực hiện công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án, kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân thực hiện tốt.

Tổ chức kiểm tra chuyên đề việc thực hiện công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án đối với TAND cấp huyện trọng tâm là số lượng, tỷ lệ, chất lượng các loại vụ việc thực hiện theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; kiểm tra số lượng vụ việc hòa giải viên thực hiện qua đó kịp thời miễn nhiệm, thay thế những hòa giải viên thiếu trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ; việc bố trí cơ sở vật chất, phương tiện cho hoạt động của hòa giải viên, chi trả chế độ cho hòa giải viên theo quy định.

Thnh Nhớ