Tòa án địa phương

Phòng truyền thống TAND TP Hà Nội: Nơi tái hiện lịch sử hào hùng của Toà án Thủ đô

Mạnh Hùng 28/09/2023 - 07:39

“Phòng truyền thống không đơn thuần chỉ là nơi trưng bày các hiện vật, tư liệu, hình ảnh về quá trình xây dựng và phát triển của TAND hai cấp TP Hà Nội suốt những năm qua, mà sâu xa hơn, đây chính là địa chỉ văn hóa để giáo dục, học tập, nuôi dưỡng truyền thống lịch sử cho cán bộ, công chức, người lao động ngành Toà án Thủ đô”, đó là chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Hữu Chính - Thẩm phán cao cấp, Chánh án TAND TP Hà Nội với PV Báo Công lý khi nói về phòng truyền thống của đơn vị.

ac5a60fc-dc8f-49e9-868e-fb84fc05887f.jpeg
Thẩm phán cao cấp Nguyễn Hữu Chính, Chánh án TAND TP Hà Nội

PV: Mục đích và ý nghĩa của việc xây dựng phòng truyền thống của Toà án thành phố là gì? Hiện nay, phòng truyền thống đã và đang trưng bày các hiện vật gì thưa Chánh án?

Chánh án Nguyễn Hữu Chính: Phòng truyền thống của ngành Toà án Thủ đô được khánh thành vào đúng dịp kỷ niệm 69 năm, tiến tới 70 năm thành lập ngành TAND (13/9/1945 - 13/9/20).

Quá trình hình thành và phát triển, TAND TP Hà Nội đã đạt được nhiều thành tích trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ pháp luật. Để ghi lại một cách sinh động nhất về 69 năm phát triển vẻ vang của đơn vị, Ban lãnh đạo TAND TP Hà Nội đã thống nhất và quyết định thành lập phòng truyền thống của ngành Toà án.

Năm 2014, TAND TP Hà Nội đã hoàn thành xong việc xây dựng Phòng Truyền thống giai đoạn 1 và tổ chức khánh thành đúng dịp kỷ niệm 69 năm ngày Truyền thống TAND.

Tháng 3/20, đồng chí Nguyễn Đức Bình, nguyên là Chánh án TAND TP Hà Nội tiếp tục thành lập Ban Chỉ đạo, các tiểu ban xây dựng Phòng truyền thống TAND TP Hà Nội (giai đoạn 2); Ban Biên soạn lịch sử “TAND TP Hà Nội - 70 năm xây dựng và phát triển”.

Năm 2022, ngay khi TAND TP Hà Nội chuyển địa điểm trụ sở làm việc đến địa chỉ hiện nay (tại Ô đất số 2, khu VP đô thị chức năng, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội), tập thể lãnh đạo đã quyết định dành một không gian riêng để bố trí làm phòng truyền thống của đơn vị.

Có thể nói, phòng truyền thống không đơn thuần chỉ là nơi trưng bày các hiện vật, tư liệu, hình ảnh về quá trình xây dựng và phát triển của TAND hai cấp TP Hà Nội suốt những năm qua, mà sâu xa hơn, đây chính là địa chỉ văn hóa để giáo dục, học tập, nuôi dưỡng truyền thống lịch sử cho cán bộ, công chức, người lao động ngành Toà án Thủ đô. Đơn vị nào cũng cần có một không gian để bảo lưu, giữ gìn giá trị, thành tựu hoạt động đã đạt được trong quá khứ để tạo động lực cho thế hệ trẻ của tương lai thực hiện những nhiệm vụ chính trị trong điều kiện, hoàn cảnh mới.

23f64103-bfc4-4b33-a7db-67fbd05a477b.jpeg
Thẩm phán cao cấp Nguyễn Hữu Chính, Chánh án TAND TP Hà Nội trao đổi với PV Báo Công lý tại phòng truyền thống của đơn vị

Phòng truyền thống hiện nay đang trưng bày các nội dung được bố cục xuyên suốt toàn bộ không gian phòng, gồm có: khu vực trưng bày về các giai đoạn lịch sử từ 1945 - 1959; 1959 - 1980; 1980 - 1992; 1992 - 2002; 2002-2008; 2008 - 20 và 20 - nay; khu trưng bày Ban liên lạc hưu trí; Chánh án TAND TP Hà Nội qua các thời kỳ; lãnh đạo TAND TP Hà Nội hiện nay; khu trưng bày về các thành tích tiêu biểu trong công tác; cơ cấu tổ chức của TAND hai cấp TP Hà Nội; khu vực tái hiện mô hình Phòng xét xử và tủ làm việc từ những ngày đầu thành lập; phần trưng bày về Hoạt động tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của TAND TP Hà Nội hiện nay; hoạt động phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao; hoạt động xây dựng cơ sở vật chất, hoạt động hoà giải, đối thoại tại Toà án; phần trưng bày về Hợp tác quốc tế.

Bên cạnh đó, tại đây còn trưng bày các quà tặng lưu niệm của các Đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc tại trụ sở Toà án Hà Nội (Trung quốc, Lào, Nga, v.v…); bàn viết lưu bút cảm nghĩ…

Các hình ảnh, tư liệu và hiện vật được sắp xếp một cách khoa học, có sự hỗ trợ của các thiết bị kỹ thuật chiếu sáng, hiện đại và theo trình tự thời gian xuyên suốt giúp người xem theo dõi một cách logic và thu hút. Điểm nổi bật, bên trong phòng truyền thống là bức tượng của chủ tịch Hồ Chí Minh cùng dòng chữ “Phụng công thủ pháp, chí công vô tư” được thể hiện ấn tượng với thiết bị kỹ thuật chiếu sáng hiện đại, là nơi ghi dấu lời dạy của Bác dành cho cán bộ ngành Toà án, để sống và làm việc theo đúng tư tưởng và ước nguyện của Người.

Có thể nói, bước chân vào phòng truyền thống, người nào cũng có một cảm giác vừa gần gũi, vừa ấm cúng, vô cùng xúc động, gợi nhớ công lao của những thế hệ cha, anh đi trước đã hết lòng xây đắp nền móng để thế hệ sau này kế thừa và tin tưởng vững bước đi lên.

PV: Được biết, để thành lập được phòng truyền thống, Chánh án, Ban Cán sự đảng TAND thành phố Hà Nội và các cán bộ, công chức đơn vị đã rất tích cực sưu tầm các tư liệu, hình ảnh về hoạt động của TAND các cấp thành phố từ năm 1945 đến nay. Chánh án có thể cho biết khó khăn của quá trình sưu tầm tư liệu đó là gì thưa ông?

Chánh án Nguyễn Hữu Chính: Quyết định thành lập phòng truyền thống, Ban Cán sự đảng TAND TP Hà Nội và các cán bộ, công chức của đơn vị đã rất tích cực thu thập, sưu tầm các tư liệu, hình ảnh về hoạt động của TAND hai cấp Thành phố từ năm 1945 đến nay. Điều này thể hiện trách nhiệm và sự nỗ lực của toàn bộ đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ chung.

Khoảng thời gian tái hiện lịch sử không quá dài nhưng cũng không hề ngắn ngủi, từ năm 1945 đến nay. Trải qua nhiều năm lịch sử cùng với ảnh hưởng của chiến tranh, khoảng thời gian trước đây chưa có bộ phận đặc thù có chức năng lưu trữ những tư liệu, hình ảnh một cách hệ thống, bài bản. Ảnh hưởng chiến tranh còn nặng nề, cả nước tập trung cho công cuộc đấu tranh cách mạng nên chưa có nhiều khoảng thời gian dành cho việc lưu, thu thập các tài liệu lưu trữ.

Tuy nhiên, với quyết tâm tái hiện lại khoảng thời gian và không gian lịch sử xây dựng và phát triển của ngành, tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức không quản ngại khó khăn, vất vả, đã dành toàn bộ thời gian và tâm huyết cùa mình để sưu tầm các tư liệu, hình ảnh và hiện vật có giá trị ghi dấu lại những mốc son lịch sử của ngành.

Đến nay, mỗi khi có một hoạt động của cơ quan, lãnh đạo TAND TP Hà Nội luôn nhắc nhở các cán bộ đã được phân công đưa các hình ảnh, kỷ vật đặt vào Phòng truyền thống, là cơ sở để tiếp tục xây dựng cũng như hoàn thiện không gian lịch sử đầy ý nghĩa này. Hiện nay, TAND TP Hà Nội đang tích cực hoàn thiện khu trưng bày về hình ảnh của các lãnh đạo Toà chuyên trách, Phòng nghiệp vụ và Thẩm phán đang công tác tại TAND TP Hà Nội.

PV: Thưa Chánh án, ở phòng truyền thống, ông tâm đắc nhất là khu trưng bày nào? Ấn tượng của ông về gian trưng bày đó ?

Chánh án Nguyễn Hữu Chính: Khu trưng bày về hoạt động xét xử các vụ án xét xử trọng điểm được đặt khiêm tốn tại một góc nhỏ trong Phòng truyền thống, bên cạnh mô hình bàn ghế xét xử từ những năm đầu thành lập ngành Toà án. Nơi đây đã được trưng bày nhiều hình ảnh xét xử các vụ án lớn, trọng điểm của TAND TP Hà Nội. Những bức ảnh đen trắng nhuốm màu thời gian đưa người xem trở lại những thời điểm lịch sử của hàng chục năm về trước.

Năm 1997, cả nước rúng động bởi vụ án lớn nhất trong lịch sử chống ma tuý, bởi số lượng mua bán tuý buôn bán trái phép vô cùng lớn, việc phá án cũng như truy tố, xét xử vô cùng khó khăn, phức tạp bởi một số đối tượng là cán bộ, chiến sĩ công an, bộ đội biên phòng thoái hoá, biến chất đang giữ các trọng trách của một số đơn vị nghiệp vụ phòng, chống ma túy, địa bàn phạm tội rộng, có đông người tham gia. Ngày đó, với hơn 3000 bút lục, 22 bị cáo, phiên tòa kéo dài 12 ngày, TAND TP Hà Nội đã tuyên 08 án tử hình, 08 án chung thân gây chấn động dư luận xã hội, thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân.

Cũng trong năm 1997, TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử vụ án Khánh “trắng”, tên thật là Dương Văn Khánh, cầm đầu băng đảng xã hội đen gồm 19 tội phạm khét tiếng Hà Nội, Khánh “trắng” phải nhận hình phạt tử hình về bốn tội “Giết người”, “Cướp tài sản của công dân”, “trốn thuế” và “Che giấu tội phạm”.

Xác định công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là tất yếu để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, TAND TP Hà Nội đã tổ chức xét xử thành công nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, như vụ án Lã Thị Kim Oanh về tội “Tham ô tài sản”, vụ án Nguyễn Đức Kiên về các tội “ Trốn thuế”; “Kinh doanh trái phép”; “ Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế ”; “ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, vụ án Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm về tội “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ” và “Đưa hối lộ”; vụ án “Đưa, nhận hối lộ” và “Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty Viễn thông Mobifone...

Có thể nói, những vụ án phức tạp, hồ sơ dày lên đến hàng trăm nghìn bút lục, áp lực dư luận, đối tượng bị đưa ra xét xử đều có trình độ, chức vụ cao, Tuy nhiên, các vụ án tham nhũng do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực theo dõi, chỉ đạo đã được đơn vị khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh đáp ứng yêu cầu chính trị của địa phương, được dư luận đồng tình ủng hộ.

Đạt được kết quả như trên do có sự tạo điều kiện thuận lợi của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, sự chỉ đạo của TANDTC; sự phối hợp liên ngành Công an - Viện kiểm sát - Tòa án và sự đồng lòng của cán bộ, công chức TAND hai cấp TP Hà Nội.

Có thể nói, những hình ảnh này đều ghi dấu những công việc thầm lặng của các cán bộ, các chiến sỹ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và nhân dân Thủ đô.

Đứng trước những hình ảnh các phiên toà xét xử các vụ án trọng điểm, người xem càng thêm tin tưởng vào quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ công lý, lẽ phải, gợi nhớ đến lời bài hát của ngành TAND “Uy phong công đường xử án, phán quyết nghiêm minh, tiêu trị gian tà, phải trái đục trong định phân sáng tỏ, tự hào ngành TAND”. Cán bộ, công chức Toà án Thủ đô chúng tôi càng thêm phấn khởi và tự hào về vị thế, vai trò của ngành Toà án càng ngày càng được khẳng định.

PV: Chánh án có thể kể một số câu chuyện đang trưng bày tại phòng truyền thống?

Chánh án Nguyễn Hữu Chính: Có thể nói, phòng truyền thống tựa như một bảo tàng nhỏ về lịch sử ngành Toà án Thủ đô. Mỗi kỷ vật, hình ảnh đều gắn với những câu chuyện nhất định. Sau đây, tôi chỉ xin được chia sẻ một câu chuyện mà tôi cảm thấy ấn tượng và xúc động.

Vào ngày thành lập ngành TAND (13/9/1945 - 13/9/2023) vừa qua, TAND TP Hà Nội đã tổ chức Hội thao chào mừng kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống, nhằm tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại; cổ vũ, động viên phong trào thể thao; phát huy tinh thần đoàn kết, giao lưu, học hỏi; tuyên truyền về truyền thống tốt đẹp của ngành trong 78 năm xây dựng và trưởng thành.

Nhân dịp này, lãnh đạo cơ quan đã trân trọng kính mời các đồng chí nguyên là lãnh đạo TAND TP Hà Nội và Chánh toà chuyên trách, Trưởng phòng nghiệp vụ đến gặp mặt.

Ngày hôm đó, có bác Phạm Văn Quý, nguyên là Thẩm phán, Trưởng phòng Phòng Giám đốc Kiểm tra (nay tên gọi là Phòng Kiểm tra nghiệp vụ và Thi hành án) có mặt tham dự. Điều vô cùng xúc động là bác tuy tuổi đã cao (SN 1930) nhưng vẫn nhận lời. Hình ảnh của bác gầy gò, một tay chống ba toong, bước chậm rãi nhưng chắc chắn đi vào Phòng truyền thống... Bác dừng lại ở từng không gian trong phòng và ngắm nhìn kỹ từng hình ảnh, kỷ vật.

Một đồng chí cán bộ đi cùng dìu bác, bác hỏi “Bác có thể viết vài dòng lưu niệm được không”… Bác cầm bút viết từng dòng rất rõ nét “Hôm nay, tôi vinh dự được đến họp mặt tại trụ sở mới kỷ niệm ngày thành lập ngành 13/9. Tôi rất mừng là được gặp các lãnh đạo và đồng nghiệp đã trang trí phòng truyền thống rất chu đáo, ý nghĩa và đẹp mắt. Tôi cũng rất vui mừng là gặp lại nhiều đồng nghiệp cũ đã về hưu…”

Sau khi viết xong, dừng bút, đứng dậy, bác có nói với tôi.. Bác sẽ cố gắng giữ gìn sức khoẻ để 2 năm nữa được đến cơ quan dự ngày kỷ niệm 80 năm truyền thống ngành TAND.

Tôi đã vô cùng xúc động, bởi các đồng chí cán bộ hưu trí trân trọng giá trị tốt đẹp của phòng truyền thống. Các bác, các anh, các chị đã một đời cống hiến cho sự nghiệp ngành Toà, giờ vẫn hướng về ngành và dành tình cảm đặc biệt cho cơ quan, đó cũng là điều mà thế hệ như chúng tôi phải khắc sâu, học tập. Tôi tự nhận thấy trách nhiệm trong việc phải bảo tồn, phát huy và lưu giữ các giá trị quý báu đặt tại phòng truyền thống để khi đặt chân vào phòng, các cán bộ đều cảm nhận được sự tự hào là cán bộ ngành Toà án Thủ đô.

PV: Thưa Chánh án, ông có mong muốn và đề xuất gì trong việc bảo tồn, phát huy và lưu giữ các hiện vật tại phòng truyền thống ?

Chánh án Nguyễn Hữu Chính: Thành lập, xây dựng Phòng truyền thống là một nỗ lực vô cùng lớn lao của lãnh đạo TAND TP Hà Nội cũng như toàn thể các cán bộ, công chức, người lao động Toà án. Việc bảo tồn, phát huy và lưu giữ các hiện vật tại phòng truyền thống còn phải quyết tâm thực hiện.

Tôi và tập thể lãnh đạo sẽ tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục để thế hệ trẻ nhận thức được ý nghĩa lịch sử và giá trị tốt đẹp của phòng truyền thống ngành Toà án Thủ đô.

Chúng tôi cũng thiết tha kêu gọi các cơ quan, tổ chức, các cá nhân sưu tầm, đóng góp các kỷ vật, hình ảnh gắn với lịch sử xây dựng và phát triển của Toà án để làm phong phú thêm nội dung của Phòng truyền thống.

Mong rằng, trong thời gian tới, được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền, chúng tôi có thể đầu tư thêm trang, thiết bị công nghệ, ứng dụng khoa học để tạo sự tương tác cũng như phổ cập tính hiện đại cho Phòng truyền thống Công nghệ tích hợp hiện đại, khiến cho người xem có thể có click chuột và có thể thưởng lãm toàn bộ không gian phòng truyền thống và tìm hiểu về từng khu trưng bày hiện vật.

Bên cạnh đó, có thêm máy tính đặt trong khu vực phòng truyền thống để người xem chủ động xem xét kỹ hình ảnh, với các thông tin chú thích chính xác.

PV: Xin cảm ơn Chánh án!

Mạnh H ng