Phiên chợ giữa mùa trăng
Đến với xứ Lạng vào mỗi độ Rằm tháng 8 (âm lịch), khách thượng sơn sẽ được thưởng thức những nét đẹp văn hóa riêng biệt qua phiên chợ Háng Pỉnh của người đồng bào dân tộc Tày, Nùng xưa. Tuy rằng giờ đây chợ không còn được thường xuyên tổ chức, nhưng để gìn giữ những nét đẹp văn hóa này, chính quyền và nhân dân tỉnh Lạng Sơn vẫn cùng nhau tái hiện lại phiên chợ xưa, để người dân địa phương và du khách được thỏa sức đam mê, sống cùng với những kỷ niệm vào mỗi dịp trăng về…
Đậm đà hương sắc vùng cao
Cứ từ thế hệ trước truyền cho thế hệ sau, hễ là người con của dân tộc Tày, Nùng xứ Lạng thì hẳn ai cũng sẽ biết và đi phiên chợ Háng Pỉnh, bởi vì đây là một nét đẹp mang đậm bản sắc văn hóa độc đáo riêng của họ.
Theo tiếng dân tộc Tày, Nùng thì “Háng” có nghĩa là chợ, còn “Pỉnh” có nghĩa là bánh nướng, nên đây là phiên chợ mua sắm bánh nướng nhân dịp Tết Trung thu của dân tộc Tày, Nùng.
Nghe những cao niên ở khu chợ Kỳ Lừa kể lại, theo truyền thống cứ vào ngày 12/8 âm lịch hằng năm, đồng bào các dân tộc Nùng, Tày trong và ngoài tỉnh lại nô nức kéo về khu vực chợ Kỳ Lừa (phường Hoàng Văn Thụ) và tượng đài đồng chí Hoàng Văn Thụ (phường Chi Lăng) để trẩy hội “Háng Pỉnh”.
Xưa kia, hội Háng Pỉnh thường diễn ra ở chợ Kỳ Lừa, chợ Giếng Vuông và khu vực xung quanh chợ vào dịp chợ phiên Kỳ Lừa. Bởi tại đây là nơi mà khách thập phương cũng thường xuyên đến chợ để mua sắm, ăn uống và cùng nhau ngồi để trò chuyện, hát hò. Họ hát từ các sạp hàng, đến các hàng cây dọc những con đường, con phố trong chợ, có khi ra cả những bãi đất trống xung quanh chợ… Chỉ cần có không gian gặp gỡ như vậy là tiếng sli, lượn giao duyên lại được bay bổng lên tận mây xanh, vang vọng khắp nẻo những con đường rồi phảng phất nơi ngọn núi có bóng của nàng Tô Thị đang ẵm con đứng chờ chồng.
Đến với hội, từ các bô lão trong làng cho tới những trẻ em họ đều diện cho mình những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất, làm nổi bật sắc thái đặc trưng của cộng đồng dân tộc Tày, Nùng xứ Lạng. “Háng Pỉnh” đối với họ như một điểm hẹn hò sau những ngày xa cách, mỗi lần gặp nhau là những câu hát thay lời chào, và tiếng đàn tình tứ thay cho lời hẹn ước trong mỗi độ trăng về.
Chia sẻ với phóng viên về những nét đẹp văn hóa này, ông Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa tỉnh Lạng Sơn cho biết: Nét đặc sắc trong lễ hội Háng Pỉnh là người Tày, Nùng không chỉ mua bánh nướng, bánh dẻo cúng rằm, tỏ lòng hiếu lễ với tổ tiên mà còn hát giao duyên. Từ hội Háng Pỉnh mà nhiều người nên duyên vợ chồng. Nhiều đôi trai gái không nên duyên được thì giờ họ gặp nhau là bạn, là lão tồng, kết bạn với nhau, giúp nhau suốt đời, họ hát lại những bài hát ngày xưa; khi nhà có hoạn nạn, ngày mùa không gặt kịp họ gọi nhau đến giúp không công dù có ở xa cỡ nào… Cái đó mới là cái hay, mới là tính cố kết của dân tộc Tày, Nùng.
Nỗ lực bảo tồn
Lạng Sơn là một tỉnh miền núi nằm ở phía Đông bắc của Tổ quốc, có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời, mảnh đất hội tụ và sinh tồn của những dân tộc như: Tày, Nùng, Kinh, Dao, Hoa, Sán Chay, Mông và một số dân tộc ít người khác. Trong số các dân tộc cùng sinh sống thì dân tộc Tày, Nùng chiếm số lượng đông nhất khoảng 80% dân số, phân bố ở hầu hết tại các huyện, thành phố trong tỉnh.
Trải qua quá trình xây dựng, hình thành và phát triển cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn vẫn gìn giữ được những nét đặc trưng văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc. Một trong những nét đặc sắc ấy không thể không nhắc đến hội Háng Pỉnh.
Tuy nhiên, thời gian sau này do nhiều nguyên nhân khác nhau mà hội Háng Pỉnh đã bị gián đoạn trong nhiều năm. Đến những năm đầu của thế kỷ XXI đặc biệt là từ năm 2010 khi Hội Bảo tồn dân ca được thành lập thì hội Háng Pỉnh bước đầu đã được khôi phục trở lại trên cơ sở truyên truyền, vận động các hạt nhân là hội viên hội bảo tồn dân ca và những người dân đam mê, yêu thích dân ca và di sản văn hóa dân tộc tham gia hưởng ứng và phục dựng.
Qua một số năm được tổ chức trở lại, Hội Háng Pỉnh đã dần trở thành không gian, địa điểm sinh hoạt văn hóa để đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn làm nơi gặp gỡ, giao lưu tình cảm, thể hiện sự đoàn kết, gắn bó chặt chẽ trong nhân dân. Đây là nét đẹp văn hóa độc đáo, là nếp sinh hoạt mang tính cộng đồng thu hút đông đảo đồng bào các dân tộc cùng tham dự, qua đó góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của xứ Lạng.
Để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc này, với chức năng và nhiệm vụ được giao, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn đã tham mưu, xây dựng hội Háng Pỉnh thành một sự kiện văn hóa, một sản phẩm du lịch tiêu biểu, đặc sắc với nhiều nét văn hóa đặc trưng riêng làm phong phú, đa dạng thêm hành trình tham quan, khám phá, trải nghiệm văn hóa xứ Lạng của du khách tham quan du lịch trong và ngoài tỉnh, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển kinh tế, xã hội, du lịch, dịch vụ tại địa phương một cách bền vững trong thời kỳ hội nhập, phát triển.
Sau một quá trình chuẩn bị từ việc: Khảo sát, điều tra, thống kê, thu thập thông tin về hội Háng Pỉnh; xây dựng phim khoa học về hội Háng Pỉnh; nghiên cứu tái hiện không chợ Kỳ Lừa xưa, xây dựng mô hình và không gian trưng bày giới thiệu quy trình thực hành, hình thành sản phẩm bánh nướng, bánh dẻo truyền thống. Ngày 26/9 (tức ngày 12/8 âm lịch), tại Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn và Khuôn viên tượng đài đồng chí Hoàng Văn Thụ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch long trọng tổ chức chương trình khai mạc Hội Háng Pỉnh năm 2023.
Theo kế hoạch, Hội Háng Pỉnh sẽ diễn ra từ ngày 26 đến ngày 29/9 (ngày 12 đến ngày tháng 8 âm lịch) với chuỗi các hoạt động như: Tổ chức trình diễn một số tiết mục hát dân ca: sli, lượn, then; giao lưu hát sli giữa các câu lạc bộ hát dân ca trong tỉnh; múa sư tử, võ thuật, trò diễn; lảy cỏ; tái hiện không gian văn hóa chợ phiên Kỳ Lừa xưa với các gian hàng trưng bày các mặt hàng thiết yếu phục vụ cuộc sống; trưng bày và bán bánh nướng truyền thống, một số thương hiệu bánh nướng nổi tiếng của Lạng Sơn; trình diễn quy trình làm bánh nướng, bánh dẻo truyền thống; trải nghiệm làm bánh nướng tại mô hình lò bánh nướng đốt củi...
Đến với các hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống này, hội Háng Pỉnh sẽ mang lại cho du khách những ấn tượng, trải nghiệm khó quên khi đến với Lạng Sơn vào mỗi dịp Trung thu. Để Háng Pỉnh như một giá trị còn mãi, để những câu Sli, Lượn thay lời mời gọi du khách đến với mảnh đất vùng biên viễn đậm đà bản sắc văn hóa này.