Doanh nghiệp nhà nước tiếp tục thể hiện vai trò điều tiết dẫn dắt nền kinh tế
Đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển trong 8 tháng đầu năm 2023, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp các thành phần kinh tế, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, hoạt động của khu vực doanh nghiệp có tín hiệu phục hồi, khu vực DNNN vẫn đạt được nhiều điểm sáng.
Thống kê cho thấy, đến hết năm 2022, Việt Nam còn khoảng 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và khoảng 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Nếu loại trừ các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh và nông lâm nghiệp thì chỉ còn 77 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) quy mô lớn gồm: 06 tập đoàn kinh tế; 53 tổng công ở nhà nước, 18 công ty hoạt động theo mô hình nhóm công ty mẹ - công ty con.
Nhiều doanh nghiệp có tổng doanh thu lớn
Báo cáo mới được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) công bố cho thấy khu vực DNNN tiếp tục đóng vai trò chi phối, chủ đạo trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế. Theo đó, ước cả năm 2023 tổng doanh thu của toàn khu vực DNNN đạt 1.416.880 tỷ đồng, tăng 4% so với kế hoạch đề ra. Về lợi nhuận, tổng lãi phát sinh trước thuế của khu vực DNNN năm 2023 ước đạt 117.388 tỷ đồng, tăng 9% so với kế hoạch đề ra. Tổng thuế và các khoản phát sinh nộp NSNN của DNNN cả năm 2023 ước đạt 128.821 tỷ đồng, tăng 7% so với kế hoạch.
Đối với kết quả sản xuất kinh doanh hợp nhất 19 tập đoàn, tổng công ty ước thực hiện lũy kế đến tháng 8/2023, tổng doanh thu ước đạt 1.136.621 tỷ đồng (bằng 71% kế hoạch năm và 102% so với cùng kỳ). Một số doanh nghiệp có tổng doanh thu lớn gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đạt 350.525 tỷ đồng, bằng 84,7% kế hoạch năm và 94,4% so với cùng kỳ năm 2022; Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đạt 250.000 tỷ đồng, bằng 109% so với cùng kỳ năm 2022; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đạt 169.000 tỷ đồng, bằng 88,9% kế hoạch năm và 84% so với cùng kỳ năm trước liền kề; Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đạt 112.100 tỷ đồng, bằng 66% kế hoạch năm và 101% so với cùng kỳ năm 2022.
Tổng lợi nhuận trước thuế của DNNN đạt 27.095 tỷ đồng, bằng 72% kế hoạch năm và 133% so với cùng kỳ năm trước liên kề. Trong đó, các doanh nghiệp có lợi nhuận ước đạt hơn 3.000 tỷ đồng gồm: PVN đạt 35.897 tỷ đồng, bằng 103,3% kế hoạch năm; Tổng công ty Cảng hàng không Việt Việt Nam (ACV) đạt 6.534 tỷ đồng; Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đạt 5.295 tỷ đồng, bằng 94% kế hoạch năm và 182% so với cùng kỳ năm 2022;, Petrolimex đạt 5.000 tỷ đồng, bằng 92,9% kế hoạch năm.
Tuy nhiên, cũng có một số doanh nghiệp có kết quả kinh doanh còn hạn chế như: EVN, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines). Bên cạnh đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã có chuyển biến tích cực so với các năm trước, lợi nhuận trước thuế đạt 143.9 tỷ đồng, bằng 139,6% kế hoạch năm, bằng 193,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Tổng nộp ngân sách nhà nước của 19 Tập đoàn, tổng công ty đạt 129.453 tỷ đồng, bằng 85% kế hoạch năm và 102% so với cùng kỳ. Trong đó, 5/19 tập đoàn, tổng công ty nộp ngân sách nhà nước tăng so với cùng kỳ gồm: SCIC, TKV, Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe), Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2).
DNNN góp phần bảo đảm một số cân đối lớn của nền kinh tế
Theo Bộ KH&ĐT, năm 2022 và 8 tháng đầu năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều quốc gia, đối tác lớn của ta tăng trưởng chậm lại, lạm phát ở mức cao, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt...
Thực hiện Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ, thực chất, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo sát sao, mạnh mẽ theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm quyền tự chủ trong hoạt động của DNNN theo nguyên tắc thị trường.
Cùng với đó tập trung theo dõi sát tình hình quốc tế, trong nước, kịp thời có đối sách xử lý những vấn đề mới phát sinh; chú trọng rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế chính sách để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ, trong đó khởi công mới và đưa vào sử dụng nhiều dự án, công trình trọng điểm, tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng; xử lý dứt điểm, hiệu quả nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài, khó khăn, vướng mắc, nhất là về pháp lý của doanh nghiệp, dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, y tế, giáo dục.
Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, trong 8 tháng qua, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp các thành phần kinh tế, tình hình KTXH tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, hoạt động của khu vực doanh nghiệp có tín hiệu phục hồi, khu vực DNNN vẫn đạt được những điểm sáng.
Cơ bản, các DNNN hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; tổng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, giá trị vốn đầu tư phát triển thực hiện và thu nhập bình quân của người lao động tăng lên, một số tập đoàn, tổng công ty đạt kim ngạch xuất nhập khẩu lớn; chưa phát sinh dự án đầu tư có nguy cơ rủi ro cao gây thua lỗ lớn, thất thoát vốn nhà nước.
Khu vực nhà nước đã thể hiện rõ vai trò trong việc góp phần bảo đảm một số cân đối lớn của nền kinh tế, xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng KTXH và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; là công cụ quan trọng để thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, đối phó với những biến động thị trường, kiềm chế lạm phát, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Một điểm sáng nữa là khu vực DNNN tiếp tục bảo toàn và phát triển vốn, tài sản, áp dụng công nghệ, mô hình quản trị hiện đại nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp lớn, tập đoàn, tổng công ty đã đi dầu trong các công nghệ mới, công nghệ 4.0... Hoạt động đầu tư của DNNN trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn theo chốt, quan trọng của nền kinh tế đã giúp giảm bớt đầu tư từ ngân sách nhà nước trong thực hiện các dự án đầu tư phát triển KTXH quan trọng của đất nước; góp phần thực hiện tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Khu vực DNNN cũng đóng vai trò quan trọng, là lực lượng nòng cốt, cùng với các doanh nghiệp tư nhân trong nước và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện thành công kế hoạch phát triển KTXH, kế hoạch đầu tư công của quốc gia. Khu vực này là công cụ hỗ trợ để Nhà nước điều tiết nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy phát KTXH của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Cũng theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, thời gian qua, DNNN cũng thể hiện rõ vai trò của mình trong việc đảm bảo cung cấp sản phẩm, dịch vụ thiết yếu cho xã hội. Thông qua hoạt động của mình, DNNN đóng góp lớn, tạo sức mạnh về kinh tế, tham gia trực tiếp các hoạt động phục vụ quốc phòng, an ninh, xây dựng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng cần thiết cho phát triển kinh tế, là cánh tay nối dài để Nhà nước thực hiện điều hành các chính sách, ổn định kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội, ổn định cuộc sống của người dân, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa và các lĩnh vực mà từ nhân không thực hiện.
Để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của DNNN, Bộ KH&ĐT kiến nghị: các DNNN, tập đoàn kinh tế, tổng công ty tập trung cao độ để bảo đảm cung cấp các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu, các cân đối lớn cho nền kinh tế; đặc biệt là các Tập đoàn, Tổng công ty EVN, PVN, TKV, VNPT, MobiFone, Petrolimex, ACV, VNA, VNR cần bảo đảm cung cấp đầy đủ các sản phẩm, dịch vụ: điện, than, dầu khí, xăng dầu, vận tải hàng không, hàng hải, đường sắt, viễn thông và công nghệ thông tin.
Các Bộ ngành, địa phương, các cơ quan đại diện chủ sở hữu tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty tập trung cao độ nguồn lực để bảo đảm các mốc tiến độ thực hiện đối với những dự án lớn, quan trọng, như: các nhà máy thủy điện Hòa Bình, laly, Trị An mở rộng; các nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I, Ô Môn III và IV; dự án tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí Lô 103107, Lô 01/10&02/10, Lô 09-2/09, Lô 09-2/09, Phú Quốc POC; Dự án Kho LNG Thị Vải; Chuỗi dự án khí - điện Lô B, Cá Voi xanh; các dự án Khai thác hầm lò mỏ Khe Chàm II-IV, dưới mức 0 mỏ Mạo Khê, Thiết bị Chi nhánh mỏ Đồng sin quyền Lào Cai, Thiết bị mỏ than Cao Sơn, Khai thác lộ thiên Khu Bắc Bảng Danh; Cũng HKQT Long Thành; Mở rộng Nhà ga hành khách T2 Cảng HKQT Nội Bài; Nhà ga hành khách T3 Cảng HKQT Tân Sơn Nhất; Mở rộng Nhà ga hành khách T1 Cảng HKQT Đà Nẵng; Nhà ga T2 Cảng HKQT Cát Bi Cảng hàng không Điện Biên; Cải tạo mở rộng Cảng hàng không Côn Đảo; các Dự án đường cao tốc Bến Lúc - Long Thành, mở rộng Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, TP Hồ Chí Minh - Long Thành Dầu Giây; Xây dựng 02 bến Container số 3, 4 thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện; Xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, TP Đà Nẵng...
Đẩy mạnh hơn nữa vai trò của SCIC với định hướng là nhà đầu tư của Chính phủ để cùng với các TĐKT, TCT, hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước nghiên cứu các cơ hội đầu tư vào một số ngành, lĩnh vực quan trọng phục vụ phát triển nền kinh tế đất nước theo hướng bền vững, tuần hoàn mà tư nhân không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện hiệu quả như: năng lượng tái tạo/năng lượng sạch (điện gió ngoài khơi, hyrogen, LNG), thiết kế và sản xuất chip, bán dẫn.