Công đoàn có quyền khởi kiện hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội
Theo Điều 14 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, tổ chức Công đoàn có quyền khởi kiện ra Toà án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động theo quy định tại khoản 8 Điều 10 của Luật Công đoàn.
Trong khuôn khổ Hội thảo khoa học “Góp ý dự thảo Luật BHXH” do trường Đại học Văn Lang và trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội phối hợp tổ chức vào ngày 7/10, Ths Lê Đình Quảng, Phó Ban Chính sách - Pháp luật Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đã có bài tham luận về 'Quyền và trách nhiệm của Công đoàn, tổ chức đại diện người lao động đối với BHXH trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi)'.
Nhiều năm qua, với tư cách là cơ quan đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn chủ động tham gia, góp ý kiến xây dựng và triển khai thực hiện Luật BHXH; huy động và phối hợp nhiều nguồn lực khác nhau để cùng thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật; tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH... để đoàn viên công đoàn, người lao động được tham gia và thụ hưởng đúng, đủ, kịp thời các chế độ, quyền lợi về BHXH của mình.
Theo điểm d khoản 1 Điều 14 Luật BHXH năm 2014 quy định về quyền và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, tổ chức Công đoàn có quyền “khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động theo quy định tại khoản 8 Điều 10 của Luật Công đoàn”.
Để thực hiện quy định này, các cấp Công đoàn và cơ quan BHXH đã nỗ lực, phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu, củng cố hồ sơ để khởi kiện ra Tòa án. Tuy nhiên, việc Công đoàn khởi kiện các tranh chấp lao động nói chung và tranh chấp về BHXH nói riêng vẫn còn gặp nhiều khó khăn do các quy định của pháp luật chưa đồng bộ.
Trên cơ sở đề nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, BHXH Việt Nam, Chính phủ đã tổ chức các cuộc họp liên ngành với TANDTC, Ủy ban Xã hội, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp, Văn phòng Chính phủ... và các bộ/ngành có liên quan để giải quyết những khó khăn trong việc Công đoàn khởi kiện các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH.
Từ năm 2019 đến nay, việc khởi kiện đơn vị trốn đóng, chậm đóng BHXH của tổ chức công đoàn các địa phương hầu như đã chững lại do những khó khăn về quy trình, thủ tục khởi kiện, nhân sự thực hiện việc khởi kiện.
Mặt khác, việc cơ quan BHXH được bổ sung thêm chức năng thanh tra đóng BHXH, BHTN, BHYT từ năm 2016 cũng như việc bổ sung 3 tội danh về vi phạm pháp luật lĩnh vực BHXH, BHTN, BHYT vào Bộ luật Hình sự năm 20, có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 nên hành vi vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHTN, BHYT hiện được xử lý bằng nhiều biện pháp hiệu quả hơn (xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự).
Do vậy, để thu hồi số tiền trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT trong các doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi cho người lao động, các tổ chức công đoàn đã linh hoạt trong các giải pháp thực hiện như tăng cường giám sát, đề xuất thanh tra, kiểm tra, ra thông báo nhắc nhở... để yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện nghĩa vụ của mình.
Liên quan đến việc sửa quy định “theo quy định tại khoản 8 Điều 10 của Luật Công đoàn” tại điểm d khoản 1 Điều 14 Luật BHXH năm 2014 thành “theo định của pháp luật” tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Ths Lê Đình Quảng cho rằng việc bỏ quy định về dẫn chiếu đến quy định tại khoản 8 Điều 10 của Luật Công đoàn và thay bằng “theo quy định của pháp luật” là hoàn toàn phù hợp, tạo sự linh hoạt trong áp dụng các quy định của pháp luật có liên quan để tổ chức Công đoàn, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp căn cứ áp dụng.
Mặt khác, hiện nay dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) đang được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì soạn thảo theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XV, do đó kết cấu của Luật Công đoàn (sửa đổi) có thể thay đổi so với Luật Công đoàn 2012.
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) sẽ được đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tới đây.
Hội thảo khoa học: “Góp ý dự thảo Luật BHXH” là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, giảng viên, những người làm công tác thực tiễn liên quan đến lĩnh vực BHXH, học viên, sinh viên quan tâm thảo luận, đề xuất ý kiến, quan điểm có luận cứ khoa học, có đúc kết thực tiễn, góp ý với Nhà nước xem xét, sửa đổi một số nội dung của Luật BHXH hiện hành.
Hội thảo đã được lắng nghe nhiều bài tham luận: Quan điểm, định hướng sửa đổi Luật BHXH do ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, trình bày; Đánh giá thực trạng pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật BHXH năm 2014 do PGS.TS Lê Thị Hoài Thu, Khoa Luật Kinh doanh Trường Đại học Luật, ĐHQG Hà Nội trình bày; Chế độ tử tuất trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi do TS. Lê Minh Thái, trường Đại học Văn Lang trình bày…