Cải cách tiền lương và tinh giản biên chế
Việc dành nguồn cho cải cách tiền lương cùng với tinh giản biên chế để làm sao đảm bảo mức lương mới được cải thiện hơn so với lương cũ, tương đối công bằng trong mối quan hệ giữa các đối tượng hưởng lương… là vấn đề quan tâm hiện nay.
Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 nêu rõ, cải cách chính sách tiền lương là yêu cầu khách quan, là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi quyết tâm chính trị cao trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Thúc đẩy cải cách hành chính; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế;
Gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị và người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập với việc thể chế hoá và thực hiện các Nghị quyết Trung ương 6 khoá XII, đặc biệt là việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tạo nguồn bền vững cho cải cách chính sách tiền lương…
Việc cải cách tiền lương sẽ tạo bước tiến lớn để thúc đẩy tăng năng suất lao động, đóng góp tích cực cho nền kinh tế. Tuy nhiên, việc dành nguồn cho cải cách tiền lương cùng với tinh giản biên chế để làm sao đảm bảo mức lương mới được cải thiện hơn so với lương cũ, tương đối công bằng trong mối quan hệ giữa các đối tượng hưởng lương… là vấn đề quan tâm hiện nay.
Chính phủ đã nhiều lần điều chỉnh mức lương cơ sở. Tuy nhiên, điều chỉnh lương lần này không chỉ đơn thuần là tăng lương, tăng thu nhập mà việc điều chỉnh này mang tính cải cách. Cải cách tiền lương gắn với nâng cao chất lượng và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức. Cải cách tiền lương gắn với vị trí việc làm, gắn với tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương trong công tác cán bộ.
Theo các chuyên gia, vấn đề tạo nguồn để tăng lương cùng với tinh giản biên chế là rất quan trọng. Đây là vấn đề được nhắc đến trong nhiều năm qua nhưng thực tế đem lại kết quả chưa như mong muốn khi bộ máy vẫn quá cồng kềnh, kém hiệu quả. Việc rà soát lại lực lượng cán bộ để có phương án tinh giản biên chế cần được đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới, kết hợp với chuẩn bị nguồn lực cho công tác cải cách tiền lương là nhiệm vụ trọng yếu.
Trả lời báo chí, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng, chúng ta không thể chỉ tập trung vào tăng lương mà phải tập trung vào cải cách tiền lương. Theo bà Nga, cải cách tiền lương nghĩa là cải cách cách tính lương cho cán bộ, công chức, viên chức và nếu muốn cải cách cách tính lương, chắc chắn phải đi đôi với việc sắp xếp lại bộ máy.
"Hiện nay, chúng ta cũng đang thực hiện việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản bộ máy. Tuy nhiên cần phải có lộ trình để có được một bộ máy thực sự tinh gọn và hiệu quả. Qua đó, giảm bớt được số người hưởng lương từ ngân sách, nhưng mức lương cho người lao động sẽ được cải thiện hơn.
Còn nếu chúng ta cứ giữ một bộ máy quá cồng kềnh cùng những bộ phận hoạt động không hiệu quả sẽ làm mức lương bị dàn trải. Rồi sẽ có thực trạng mức lương trả cho cán bộ, công chức, viên chức chưa tương xứng với nhu cầu cuộc sống cũng như sức lao động của họ" - đại biểu Việt Nga nói. Do vậy, một lần nữa bà Nga nhấn mạnh, về lâu dài, cần tập trung vào cải cách tiền lương cùng với sắp xếp, tinh giản tổ chức bộ máy.
Còn nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh nhìn nhận, nếu biên chế cứ tăng mà trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp thì khó có thể tăng lương. Do đó, muốn cải cách tiền lương sẽ phải đi đôi với tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan nhà nước. Tiếp đó là đổi mới cơ chế quản lý tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Với việc thực hiện hàng loạt các giải pháp “thắt lưng buộc bụng”, cơ cấu chi ngân sách trong từng lĩnh vực, tiết kiệm 10% chi thường xuyên từ nguồn tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế… đến nay chúng ta đã tiết kiệm được 500.000 tỷ đồng để chuẩn bị cải cách tiền lương trong các năm 20 - 2026.
Để triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương, việc tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy cần được đẩy mạnh thực hiện, cùng với đó là thực hiện cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước, cải cách đơn vị sự nghiệp công lập. Việc giảm đầu mối, biên chế là cơ sở quan trọng để cải cách tiền lương.