Ký ức Điện Biên

Chính trị - Ngày đăng : 08:52, 07/05/2016

62 năm đã tri qua kể từ ngy chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, nhưng với những cựu chiến binh đang sinh sống tại Tuyên Quang, ký ức 56 ngy đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn b n non ấy chưa bao giờ phai mờ.

Cựu chiến binh Trần Văn Hảo ở tổ 7, phường Tân Hà, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang đã tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đặc biệt, ông là một trong những pháo thủ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, thuộc đơn vị pháo cao xạ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm nay đã 87 tuổi, tai đã nặng, mắt đã mờ, sức khỏe đã yếu nhưng khi được hỏi về chiến thắng cách đây 62 năm, cựu chiến binh Trần Văn Hảo vẫn nhớ rõ.

Năm 1953, ông Hảo là một trong những chiến sĩ được cử đi học pháo cao xạ tại Trung Quốc. Đầu năm 1954, ông trở về và tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, là pháo thủ trực tiếp chiến đấu ở vùng lòng chảo Điện Biên. Ông cho biết: Toàn bộ pháo được kéo bằng sợi tời được dệt từ dây rừng, mọi người dùng tay trần, bằng sức người để kéo. Sau 10 ngày kéo pháo qua núi cao vực thẳm đầy gian khổ, khi vừa đến nơi đặt trận địa, ông và đồng đội lại được lệnh cấp tốc kéo pháo ra. Kéo pháo vào đã gian nan nhưng kéo pháo ra còn gian nan hơn, không may chúng tôi bị địch phát hiện, chúng liên tiếp bắn đạn pháo về phía chúng tôi khiến nhiều dây tời kéo pháo bị đứt, một quả pháo đứt dây lao xuống, đồng chí Tô Vĩnh Diện thuộc Đại đội 827 Tiểu đoàn pháo cao xạ 394 đã anh dũng hy sinh khi lấy thân mình chèn lại cứu khẩu pháo. Vì sự anh dũng hy sinh ấy và sự quyết tâm của tất cả anh em trong Trung đoàn nên đến ngày mở đầu chiến dịch Điện Biên Phủ, 88 khẩu pháo vẫn được bảo toàn. 56 ngày đêm chiến đấu, Trung đoàn pháo cao xạ 367 đã bắn rơi 52 trong tổng số 62 máy bay địch bị bắn rơi trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bắn bị thương trên 100 chiếc khác.

Tiếp dòng ký ức về Điện Biên năm xưa còn có cựu chiến binh Đàm Sính. Ông từng là chiến sĩ địch vận và là một trong những người trực tiếp vào hầm bắt sống tướng Đờ Cát ngày 7-5-1954. Ông Đàm Sính hiện ở tổ 22, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang. Người lính với biệt danh “Nhỏ” năm nào giờ đây đã 81 tuổi. Khi nhắc về những ký ức hào hùng của một thời hoa lửa, ông không khỏi xúc động.

Ký ức Điện Biên

Tướng De Castries, chỉ huy lực lượng Pháp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, và các sĩ quan cao cấp người Pháp ra đầu hàng quân đội Việt Nam vào ngày 7/5/1954

Ông Sính nhớ lại, năm 1954, vì biết tiếng Pháp nên ông được Cục Địch vận cử tham gia bắt sống và áp giải tướng Đờ Cát từ Yên Bái về Tuyên Quang. Thời khắc vào hầm bắt tướng Đờ Cát là thời khắc ông không bao giờ quên, lúc ấy vào khoảng cuối giờ chiều 7-51954, không khí trong hầm vô cùng căng thẳng, tất cả quân lính đã giơ tay đầu hàng, riêng Đờ Cát vẫn ngồi im. Ông Sính chuyển khẩu lệnh “tất cả đứng lên” bằng tiếng Pháp, tướng Đờ Cát và những binh lính trong hầm lập tức cúi đầu xin hàng. Sau đó, những đồng đội của ông Sính áp giải tướng Đờ Cát và những sỹ quan cao cấp của Pháp ra ngoài, còn ông là người cuối cùng ra khỏi hầm.

Khi tướng Đờ Cát bị áp giải qua thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang), lúc đó người dân thị trấn Vĩnh Lộc đổ ra xem rất đông. Tướng Đờ Cát được giam giữ riêng tại xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang, sau đó trao trả cho Pháp ở cầu Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ông Sính chia sẻ, được tham gia chiến dịch Điên Biên Phủ là niềm tự hào của ông và đồng đội.

Cũng như nhiều người lính Điện Biên năm xưa, những kỷ niệm về chiến dịch Điện Biên Phủ là ký ức không thể nào quên của ông Nguyễn Văn Mạo, 89 tuổi, cựu chiến binh hiện ở tổ 11, phường Tân Hà, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang. Ông là một trong những dân công hỏa tuyến phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ông Mạo kể, để vận chuyển được lương thực ra tiền tuyến, những dân công hỏa tuyến như ông đã phải vận chuyển gạo trên những chiếc xe đạp thồ, vượt qua những đường mòn, đèo, dốc, chủ yếu là đi vào ban đêm để tránh bị địch phát hiện. Mỗi người một xe, chở trung bình 250kg gạo. Vì lúc ấy lượng thực rất thiếu thốn nên ai cũng quý gạo như con, bằng mọi giá không để cho gạo bị mốc, hỏng. Bên cạnh đó, để giữ bí mật cho chiến dịch, những dân công hỏa tuyến như ông phải thực hiện nghiêm yêu cầu 3 không: “không biết, không nói, không thấy”. 

Ký ức Điện Biên

17h30 ngày 7/5/1954, bộ đội Việt Nam vẫy lá cờ chiến thắng trên nóc hầm của chỉ huy lực lượng Pháp, Tướng De Castries. Ảnh: Getty

Mỗi cựu chiến binh đến từ một đơn vị, mỗi người một nhiệm vụ khác nhau nhưng với lòng dũng cảm và yêu nước, sẵn sàng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, họ đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”. Trở về với cuộc sống thời bình, họ vẫn tiếp tục phát huy truyền thống của người Bộ đội Cụ Hồ để xây dựng quê hương, tích cực tham gia xây dựng chính quyền tại địa phương, giáo dục con, cháu trở thành người có ích cho xã hội, góp sức xây dựng và bảo vệ đất nước…

Trong ký ức của những người trở về, cách đây 62 năm, cả Tây Bắc là một "rừng lửa" rực rỡ, lửa từ những viên đạn cuối cùng báo tin thắng trận, "lửa" từ những những tiếng hò reo của quân ta và cả từ trong trái tim những đồng đội đã ngã xuống. Đó là những hình ảnh về một chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” mà khi nhắc đến, bất cứ người Việt Nam nào cũng tự hào.

Nguyễn Văn Tý