Xóa các “điểm đen” giao thông ở Thanh Hóa
Để giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông, nhất là tại các “điểm đen” tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực vào cuộc giải tỏa hành lang, phát quang, đồng thời tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức chấp hành các quy định của Luật Giao thông đường bộ.
Xác định xóa các “điểm đen” và những điểm tiềm ẩn mất an toàn giao thông là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông. Thời gian qua, các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh mà nòng cốt là lực lượng Công an Thanh Hóa đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cấp bách, nỗ lực khắc phục xử lý các “điểm đen” nhằm kiềm chế tai nạn, bảo đảm an toàn cho người dân khi tham gia giao thông.
Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 12 điểm đen và 113 điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông. Phần lớn các “điểm đen” đều hình thành tại vị trí các điểm đấu nối giữa các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; đặc biệt có nhiều điểm xuất hiện tại các ngã ba, ngã tư... nơi có mật độ người tham gia giao thông cao, va chạm giao thông thường xuyên diễn ra nhưng lại không có đèn tín hiệu chỉ huy giao thông, hoặc không có biển cảnh báo nguy hiểm.
Quốc lộ 47 và đường Hồ Chí Minh là 2 tuyến giao thông trọng điểm, luôn có mật độ người và phương tiện tham gia giao thông cao, nhất là xe tải. Trên 2 tuyến này hiện vẫn còn tồn tại 3 điểm đen và 27 điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Trong đó điểm đen tại km 05 + 300 đến km 05 + 700 thuộc địa bàn xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân được mệnh danh là điểm giao cắt 4 không: Không biển cảnh báo, không biển hạn chế tốc độ, không hệ thống đèn chiếu sáng và không ngày nào là không xảy ra tai nạn hay va chạm giao thông.
Trung tá Trần Văn Cường, Tổ trưởng tổ TTKS tuyến QL47 cho biết: Chúng tôi trong quá trình tuần tra kiểm soát xác định tại km 05 + 300 đến km 05 + 700 luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông và xác định đây thuộc điểm đen về tai nạn giao thông. Qua thống kê, theo dõi trong 2 năm vừa qua liên tục xảy ra các vụ tai nạn giao thông vào các giờ tan tầm thì người và phương tiện tham gia giao thông đông và ý thức tham gia giao thông chưa cao dân đến tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông xảy ra.
“Bên cạnh việc tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, lãnh đạo đơn vị luôn quán triệt cán bộ chiến sĩ trong các ca tuần tra kiểm soát, tuyên truyền nhắc nhở trực tiếp cho người tham gia giao thông biết những đoạn đường hay xảy ra tai nạn giao thông, song song với công tác tuyên truyền trực tiếp cho người tham gia giao thông.
Những hôm thời tiết trời mưa, mặt đường trơn trượt, đơn vị đã cắt cử cán bộ chiến sĩ sử dụng xe loa tuyên truyền lưu động về nội dung cảnh báo cho người tham gia giao thông nắm biết những vị trí thường xảy ra tai nạn giao thông, đồng thời phát những thông tin nội dung ngắn gọn để lái xe biết và thực hiện khi điều khiển phương tiện trong điều kiện thời tiết trời mưa, đường trơn trượt, để đảm bảo an toàn....”
Tương tự tại Khu vực ngã tư giao nhau giữa đường tỉnh 506B với Quốc lộ 47B thuộc địa bàn xã Xuân Lai là một trong số các điểm đen, có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông. Đặc biệt vào các khung giờ cao điểm như: giờ công nhân đi làm, tan ca, giờ học sinh đến trường, tan trường... mật độ phương tiện tham gia giao thông tăng cao
Theo thống kê của Công an huyện Thọ Xuân, từ năm 2022 đến nay, tại đây đã xảy ra 6 vụ tai nạn, làm 8 người bị thương. Thời điểm giờ tan ca, học sinh đi về cùng một thời điểm hay xảy ra va cham giao thông. Tình trạng xe tải, xe ben phóng nhanh vượt ẩu phanh không kịp, gặp xe máy đi tốc độc cao.
Theo số liệu thống kê, từ đầu năm 2023 đến nay toàn tỉnh xảy ra 573 vụ tai nạn giao thông làm chết 2 người và bị thương 574 người. Trong đó, các vụ tai nạn giao thông xảy ra tại các điểm đen và điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông chiếm gần 20% số vụ, số người chết và bị thương.
Ông Vũ Hoàng Linh, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Thanh Hóa cho biết: Sở Giao thông Vận tải đã phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh, Khu quản lý đường bộ II và các đơn vị quản lý giao thông trên địa bàn tỉnh tiến hành cải tạo, khắc phục được hơn 50% "điểm đen", "điểm tiềm ẩn" tai nạn giao thông. Hiện tại, Sở Giao thông Vận tải và Ban An toàn giao thông tỉnh đã báo cáo Cục đường bộ Việt Nam và UBND tỉnh Thanh Hóa đề xuất phương án khắc phục trong thời gian tới.
Để xóa các điểm đen, điểm tiềm ẩn an toàn giao thông trước hết cần phải nâng cao ý thức, trách nhiệm của người tham gia giao thông trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Bên cạnh đó các ngành chức năng cần có những giải pháp tháo gỡ, xử lý các tồn tại, bất cập trong hệ thống tổ chức giao thông đường bộ. Đây được xem là giải pháp thiết thực nhất trong việc kiềm chế tai nạn giao thông những tháng cuối năm 2023.