Giải ngân vốn đầu tư công tại Thanh Hóa: 'Trên nóng, dưới lạnh'
Với mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công trước ngày 31/12/2023, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa luôn quyết liệt chỉ đạo các chủ đầu tư, các địa phương, cũng như thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ giải ngân, thế nhưng thực tế lại rơi vào tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.
Tỉnh Thanh Hóa đã xác định nhiệm vụ thúc đẩy tiến độ và giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2023. Chỉ trong 10 tháng qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành 30 văn bản, tổ chức 4 hội nghị giao ban toàn tỉnh nhằm quyết liệt chỉ đạo các chủ đầu tư, các địa phương tập trung chỉ đạo trong thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư công.
Đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện dự án đầu tư công của đơn vị, địa phương. 5 tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh do các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh làm tổ trưởng cũng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ, ban hành văn bản chỉ đạo tới cấp ủy, chính quyền về việc thực hiện dự án của các địa phương, các đơn vị.
Tuy nhiên, theo thống kê của Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa, tính đến ngày 26/10/2023, toàn tỉnh có 94 chủ đầu tư đã được phân bổ kế hoạch vốn chi tiết năm 2023 với tổng số tiền 9.416,57 tỷ đồng; trong đó, số vốn đã giải ngân là 4.450,68 tỷ đồng, đạt 47,26%.
Trong đó nhóm chủ đầu tư là các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh (16 đơn vị) đã giải ngân được 1.693,973/4.420,388 tỷ đồng, đạt 38,32%; 01 đơn vị đạt 100% (Công an tỉnh); 04 đơn vị đạt từ 80% trở lên (gồm: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh 99,36%; Sở Công Thương 98,28%; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội 85,11%; Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch 81,45%); 04 đơn vị đạt từ 50% đến dưới 80%; 06 đơn vị đạt dưới 50% (trong đó có 02 đơn vị đạt thấp dưới 30% gồm: Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa đạt 20,98% và Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp là PTNT đạt ,18%); 01 đơn vị chưa giải ngân (Ban Dân tộc tỉnh).
Nhóm chủ đầu tư là UBND cấp huyện (27 đơn vị) đã giải ngân được 2.685,456/4.888,05 tỷ đồng, đạt 54,94%; trong đó: 05 đơn vị đạt trên 80% (gồm thị xã Bỉm Sơn 94,77%, huyện Quảng Xương 89,55%; huyện Yên Định 85,33%; huyện Hậu Lộc 82,87%; huyện Thọ Xuân 80,02%); 14 đơn vị đạt từ 50% đến dưới 80%; có 08 đơn vị đạt dưới 50% (trong đó có 02 đơn vị đạt thấp dưới 30%, gồm: UBND huyện Mường Lát ,4%, UBND huyện Ngọc Lặc 18,%).
Đối với nhóm chủ đầu tư là UBND cấp xã (39 đơn vị) đã giải ngân được 39,953/60,949 tỷ đồng, đạt 65,55%; trong đó: có 30 đơn vị hoàn thành giải ngân 100%; 02 đơn vị đạt trên 80%; 04 đơn vị đạt từ 50% đến dưới 80%; 02 đơn vị dưới 50% (UBND xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc đạt 41,48%; UBND xã Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn đạt 30,54%); 01 đơn vị chưa giải ngân (UBND xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân).
Nhóm chủ đầu tư khác (12 đơn vị): đã giải ngân được 31,306/47,18 tỷ đồng, đạt 66,35%; trong đó: có 06 chủ đầu tư đạt 100% (gồm: Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc, Bệnh viện Da liễu Thanh Hóa, Chi cục Kiểm lâm, BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Huyện ủy Vĩnh Lộc, Bệnh viện Y dược cổ truyền Thanh Hóa); 01 đơn vị đạt trên 80% (Bệnh viện phụ sản).
Ngoài ra có 01 đơn vị đạt từ 50% đến dưới 80% (BQL di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng); 03 đơn vị đạt dưới 50% (gồm: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc Hội và HĐND tỉnh 30,5%; Huyện ủy Thọ Xuân 17,04%; Trường Dân tộc nội trú tỉnh 6,36%). Đặc biệt, có 01 đơn vị chưa thực hiện giải ngân là Liên minh Hợp tác xã tỉnh.