Ngành Hải quan: Sức mạnh từ hợp tác quốc tế
Hiện nay, tội phạm công nghệ cao, gian lận thương mại, tội phạm trên biển đang đặt ra thách thức chung trên toàn cầu. Trong khi đó, Việt Nam đang ngày càng phát triển và có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh. Chính bởi vậy, vấn đề hợp tác quốc tế giữa các cơ quan hải quan được Tổng cục Hải quan hết sức chú trọng.
Thông tin từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 10, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã tham dự chuyến công tác theo lời mời của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan và Thuế Hồng Kông tại Hồng Kông nhằm tăng cường hợp tác trong phòng chống buôn lậu, phòng chống các vị phạm hải quan đặc biệt là phòng chống ma túy, trao đổi thông tin nghiệp vụ hải quan, hình thành hệ thống đầu mối liên lạc trao đổi thông tin.
Cơ quan Hải quan hai nước sẽ theo dõi, triển khai, thực hiện chuyển thông tin về các nghi vấn buôn lậu thuốc lá theo nội dung Dự án Cá Sấu thuộc điều phối của RILO/AP. Tiếp tục theo dõi Chiến dịch DEMETER IX (do WCO điều phối) về kiểm soát và chống vận chuyển chất thải nguy hại đến môi trường; Chiến dịch Con rồng Mê Kông V. Triển khai Chiến dịch Thunder 2023 về phòng, chống tội phạm và buôn bán bất hợp pháp các loài động, thực vật hoang dã.
Trước đó, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng đã có buổi làm việc với ông Ryan McKean, Giám đốc Văn phòng Cục Phòng, chống ma túy và Thực thi pháp luật quốc tế (INL) - Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội. Phó Tổng cục trưởng Lưu Mạnh Tưởng đã đề nghị thời gian tới, hai bên sẽ tăng cường hợp tác hơn nữa để thúc đẩy các hoạt động PCMT và thực thi pháp luật quốc tế.
INL đã mở rộng quan hệ hợp tác với Hải quan Việt Nam, khởi đầu là các hoạt động tài trợ trong khuôn khổ Chương trình Kiểm soát container hợp tác với Cơ quan Phòng chống ma túy và Tội phạm của Liên Hợp quốc (UNODC), Chương trình Phòng, chống tội phạm trên biển (GMCP) hợp tác với UNODC và Chương trình Ngăn chặn nhanh toàn cầu đối với các chất nguy hiểm (GRIDS) hợp tác với Ủy ban Kiểm soát ma túy quốc tế (INCB). INL đề xuất hợp tác trực tiếp với Hải quan Việt Nam thông qua hình thức hỗ trợ đào tạo kỹ thuật nâng cao năng lực trong và ngoài nước cho các cán bộ thực thi pháp luật trên biển của Cục Điều tra chống buôn lậu.
Ông Ryan McKean, Giám đốc INL nhận định, hiện nay tội phạm công nghệ cao, tội phạm ma túy, thực thi pháp luật trên biển đang đặt ra thách thức chung trên toàn cầu. Trong khi đó, Việt Nam đang ngày càng phát triển và có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh, nhất là với thị trường Hoa Kỳ về gỗ. Bởi vậy, INL cũng mong muốn được tăng cường hợp tác với Hải quan Việt Nam để thúc đẩy hơn nữa các hoạt động phòng chống ma túy và thực thi pháp luật quốc tế.
Thực tế theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trong tháng 10 tại Việt Nam tiếp tục tiềm ẩn, diễn biến phức tạp. Cơ quan Hải quan đã phát hiện các vụ việc vi phạm liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại. Hoạt động vận chuyển trái phép pháo nổ có chiều hướng gia tăng, các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép pháo nổ chủ yếu lợi dụng phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, gia cố hầm hàng, khoang, thùng để cất giấu pháo nổ nhằm qua mắt các lực lượng chức năng. Các vụ việc vi phạm liên quan đến vận chuyển trái phép pháo nổ nổi lên tại một số địa phương, như Quảng Trị, Nghệ An, Lạng Sơn..., trong đó có vụ việc vận chuyển lên đến 700 kg pháo nổ.
Bên cạnh đó, các mặt hàng tiêu dùng, thiết yếu như đường kính, thuốc lá, bia, mỹ phẩm, thực phẩm đông lạnh ... cũng được các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới hướng tới, tập trung tại các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Quảng Trị, Lào Cai, Cao Bằng...
Ngoài các mặt hàng trên, Cơ quan Hải quan cũng đã phát hiện việc vận chuyển sách, báo có nội dung không phù hợp với văn hóa phẩm của Việt Nam, như vụ việc do Chi cục Hải quan Sân bay Tân Sơn Nhất phát hiện hành khách nhập cảnh mang theo 69 đầu sách có tựa đề: “Giáp chiến cộng sản”, “Khối 8406 tự do dân chủ cho Việt Nam”…
Trước tình hình trên, với vai trò Cơ quan tham mưu, giúp việc cho Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban chỉ đạo 389 Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, cảnh báo cho các Cục Hải quan tỉnh thành phố, hướng dẫn thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại. Theo đó, tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng thiết bị điện tử viễn thông, điện thoại Iphone nhập lậu trên tuyến hàng không; Cảnh báo về thủ đoạn vận chuyển tiền chất ma tuý qua đường hàng không và chuyển phát nhanh; Hướng dẫn nghiệp vụ trong việc sử dụng máy phát hiện ma tuý; Hướng dẫn, chấn chỉnh công tác báo cáo về ma túy...
Với vai trò là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Lãnh đạo Bộ Tài chính trong công tác phòng, chống rửa tiền; chống tài trợ, phòng chống khủng bố, Tổng cục Hải quan đã thực hiện các nhiệm vụ của Tổ giúp việc Ban chỉ đạo phòng chống rửa tiền quốc gia, Tổ giúp việc sau đánh giá đa phương APG, Nhóm đánh giá rủi ro quốc gia về phòng chống rửa tiền trong việc tổng hợp số liệu, báo cáo, tham gia ý kiến, đánh giá rủi ro của Ngành Hải quan liên quan đến công tác phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ, phòng, chống khủng bố. Góp ý dự thảo kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ kỹ huỷ diệt hàng loạt.
Kết quả, từ ngày16/9-/10/2023, toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 1.238 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 666,7 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 09 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 12 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là 48,8 tỷ đồng.
Lũy kế 10 tháng năm 2023 (từ 16/12/2022 đến /10/2023), toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 14.141 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 5.691,7 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 35 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 97 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước lên tới 433,5 tỷ đồng.