Phát triển hệ thống hiện đại để ổn định giá, cung ứng thực phẩm an toàn
Tình trạng ngộ độc thực phẩm hiện diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng và niềm tin tiêu dùng đòi hỏi cần có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước.
Ngày /11, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị "Phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn". Hội nghị nhằm chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và những vấn đề đặt ra trong công tác phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn; thảo luận về các giải pháp phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn, hoàn thiện chuỗi cung ứng tiêu thụ sản phẩm…
Phát biểu tại hội nghị, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, vấn đề an ninh, an toàn thực phẩm có tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, cuộc sống của người dân mà còn có tác động lớn tới phát triển kinh tế, thương mại, an sinh xã hội của mỗi quốc gia.
Chính vì vậy, ngày 21/10/2022 Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 17-CT/TW về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Khẩn trương triển khai chỉ thị này, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương đã xây dựng Kế hoạch số 13-KH/BCSĐ ngày 28/3/2023 về việc triển khai Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới.
Theo bà Lê Việt Nga, hiện nay, thực phẩm được lưu thông, buôn bán chủ yếu qua kênh phân phối truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hoá), nhất là thực phẩm tươi sống. Thống kê cho thấy, cả nước có 8.517 chợ, trên 1.167 siêu thị, 254 trung tâm thương mại và hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi hiện đại hoạt động theo mô hình chuỗi hiện đại.
Trong số đó, chợ vẫn là kênh cung ứng thực phẩm chính trên cả nước. Tuy nhiên, với sự phát triển của nền kinh tế và thu nhập của người dân, ngày càng có nhiều hệ thống phân phối hiện đại, phát triển theo chuỗi, có quy mô rộng khắp trên cả nước.
Chia sẻ tại hội nghị, TS.BS Cao Văn Trung - Phó Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm và Thông tin truyền thông, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, an ninh, an toàn thực phẩm giữ vai trò đặc biệt quan trọng vì ảnh hưởng trực tiếp, thường xuyên đến sức khỏe, tính mạng người sử dụng, về lâu dài còn ảnh hưởng đến nòi giống của dân tộc. Tuy nhiên, tình trạng nhập lậu, thực phẩm không bảo đảm còn lưu thông trên thị trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng…
Tình trạng ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm tại các khu công nghiệp, các bếp ăn tập thể, các bệnh viện, các trường học còn diễn biến hết sức phức tạp.
"Nhiều cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm không bảo đảm các điều kiện vệ sinh tối thiểu; người trực tiếp sản xuất chế biến thực phẩm chưa đủ kiến thức dẫn đến nguy cơ không bảo đảm an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, tỷ lệ ô nhiễm vi sinh vật, ô nhiễm hóa chất, cụ thể là tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, các chất kháng sinh, các chất kích thích tăng trưởng trong các nông sản và thịt gia súc, gia cầm làm nguyên liệu để chế biến thực phẩm còn chiếm tỷ lệ cao hơn so với các nước trong khu vực", ông Trung bày tỏ.
Do đó cần đẩy mạnh và mở rộng các vùng sản xuất an toàn, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư các cơ sở chế biến; quản lý các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, khuyến khích giết mổ tập trung... Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm ở tuyến cơ sở, công khai tên, địa chỉ, sản phẩm, cơ sở vi phạm để tăng tính răn đe.
Còn theo ông Nguyễn Mạnh Thắng - Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), Bộ Công Thương sẽ tập trung hoàn thiện chính sách và bộ máy; rà soát, hoàn thiện các quy định về thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm theo hướng phù hợp với Luật Thanh tra.
Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về an toàn thực phẩm; hỗ trợ, khuyến khích hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và kết nối chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn…