Cân nhắc quy định 20% diện tích nhà ở thương mại trong khu nhà ở xã hội
Cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), chiều nay (16/11), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cân nhắc quy định về 20% diện tích nhà ở thương mại trong khu nhà ở xã hội. Vì sẽ xuất hiện một số vấn đề bất hợp lý phát sinh trong quá trình thực hiện.
Báo cáo một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý Điều 57 về nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ (còn gọi là chung cư mini) của cá nhân để khắc phục các tồn tại, hạn chế thời gian qua, tăng cường quản lý chặt chẽ nhưng vẫn bảo đảm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân đối với loại hình nhà ở này.
Đáng chú ý, dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định về ưu đãi chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội tại điểm d khoản 2 Điều 85 theo hướng kế thừa quy định của pháp luật nhà ở hiện hành để “bổ sung quyền được xây dựng cả nhà ở thương mại trong quỹ đất 20% của tổng diện tích đất ở trong phạm vi dự án, nhưng chủ đầu tư phải nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích này theo quy định của pháp luật về đất đai để vừa thu hút đầu tư, vừa quản lý chặt chẽ nguồn thu ngân sách nhà nước”.
Ngoài ra, quy định xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp tại Điều 94; không quy định về nhà lưu trú công nhân ngoài khu công nghiệp.
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, các nội dung chính của dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý. Trong đó, một số nội dung qua thảo luận nhận được sự đồng thuận của đa số đại biểu Quốc hội như quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người lao động tại khoản 4 Điều 80; Điều 94 về nhà lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp quy định mở nhưng có kiểm soát từng bước; quy định về nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân (chung cư mini) với tinh thần tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nhà ở nhưng không hợp thức hóa sai phạm…
Nêu quan điểm cá nhân về việc bố trí nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị điều chỉnh về khái niệm và thuật ngữ, có thể bố trí khu lưu trú nhưng phù hợp với điều kiện về môi trường, an toàn, theo quy hoạch. Việc sử dụng cụm từ “trong khu công nghiệp” sẽ dẫn tới cách hiểu lầm, là bố trí cho nhà ở lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp.
Về chính sách nhà ở xã hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc quy định về 20% diện tích nhà ở thương mại trong khu nhà ở xã hội. Mặc dù quy định như vậy nhằm thu hút nguồn lực đầu tư xã hội hóa, nhưng cũng xuất hiện một số vấn đề bất hợp lý phát sinh trong quá trình thực hiện.
Cưỡng chế bàn giao Quỹ bảo trì nhà chung cư khi có tranh chấp
Trước việc Chủ tịch Quốc hội đề nghị xem xét tính khả thi của quy định về Cưỡng chế bàn giao Quỹ bảo trì nhà chung cư tại Điều 4… Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, hiện cả nước có khoảng 5.587 nhà chung cư tính đến tháng 11/2022, có 85 nhà chung cư có tranh chấp về quỹ bảo trì, khi có tranh chấp thì phải có động thái vào cuộc của chính quyền và có biện pháp cưỡng chế. Do đó trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, Ủy ban Pháp luật đã trao đổi với Bộ Xây dựng về vấn đề này, nếu quy định ủy quyền cho huyện ngay trong luật, thì trong một số trường hợp, UBND cấp huyện không đủ năng lực thực hiện việc này.
Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị quy định cho phép UBND cấp tỉnh khi cần thiết, nếu đơn vị cấp dưới đủ năng lực thì được ủy quyền để tạo sự linh hoạt. Ở các đô thị lớn như Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh, có thể ủy quyền cho chính quyền các quận thực hiện vì đủ năng lực.
Kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội, đề nghị tập trung giải trình thuyết phục một số nội dung như nhà ở lưu trú ngoài khu công nghiệp hay quy định về Tổng Liên đoàn Lao động làm chủ đầu tư nhà ở xã hội… Đối với một số nội dung khác, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát kỹ lưỡng điều khoản chuyển tiếp, thời điểm áp dụng, một số nội dung như về nhà ở xã hội có thể có hiệu lực thi hành sớm hơn.