Đời sống

Hà Nội sẽ tổ chức hội thảo khoa học về quy hoạch Thủ đô

Hà Kim 19/11/2023 - 09:47

Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” sẽ diễn ra vào ngày 21/11, với khoảng 250 đại biểu tham dự.

Dự kiến ngày 21/11 tới, Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Hội thảo được tổ chức nhằm khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác lập Quy hoạch Thủ đô; của việc cụ thể hóa các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành liên quan và của Thành phố về công tác lập Quy hoạch Thủ đô; sự tham gia thực hiện công tác lập Quy hoạch Thủ đô của cả hệ thống chính trị Thành phố.

Đồng thời, hội thảo nhằm làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với các định hướng quan trọng theo Nghị quyết số -NQ/TW, ngày 5-5-2022, của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” sẽ tập trung thảo luận 02 nhóm vấn đề lớn sau:

Nhóm 1: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Nhóm 2: Thực tiễn xây dựng và thực hiện quy hoạch các ngành và quận, huyện TP Hà Nội để sử dụng hiệu quả các nguồn lực thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

quy-hoach-thu-do-1-.jpg
Hà Nội sẽ tổ chức hội thảo khoa học về Quy hoạch Thủ đô

Trong quá trình chuẩn bị cho hội thảo, Ban Tổ chức nhận được hơn 60 bài tham luận của các chuyên gia, các nhà khoa học, các Bộ, ban, ngành Trung ương, các Sở, ban, ngành Hà Nội. Các bài viết chất lượng, tâm huyết, đóng góp có giá trị cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội.

Đây là các tham luận tiêu biểu, tập trung vào các nội dung trọng yếu như: Lý luận và thực tiễn trong xây dựng Quy hoạch Thủ đô; Một số nội dung chủ yếu về Quy hoạch Thủ đô; Thể chế để phát triển Thủ đô theo hướng thông minh và bản sắc, tầm nhìn đến năm 2050; Cơ chế, chính sách “vượt trội”, đặc thù bảo đảm lợi thế so sánh và ưu thế cạnh tranh cho phát triển Thủ đô; Cách tiếp cận đa chiều đối với lập Quy hoạch Thủ đô; Quản lý Quy hoạch để phát triển không gian Thủ đô; Phát huy vai trò của các nguồn vốn tài chính, đất đai trong xây dựng và phát triển Thủ đô…

Bên cạnh đó còn có các ý kiến trao đổi, góp ý, đề xuất ý tưởng của các nhà khoa học được mời tham dự hội thảo. Trên cơ sở các ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, Ban Tổ chức sẽ hoàn thiện nội dung, là tài liệu quan trọng đối với lập Quy hoạch Thủ đô cũng như xây dựng và phát triển Thủ đô trong tương lai.

H Kim