Chung tay ngăn chặn tình trạng kháng thuốc
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: “Tổ chức Y tế thế giới đã tuyên bố kháng thuốc là một trong 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe công cộng toàn cầu mà nhân loại phải đối mặt. Việc sử dụng sai và lạm dụng thuốc là nguyên nhân chính dẫn đến sự phát triển của vi sinh vật kháng thuốc”.
Ngày 20/11, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương và Tổ chức Y tế thế giới, Tổ chức FHI 360 và các đối tác tổ chức Hội nghị triển khai Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và hưởng ứng "Tuần lễ thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc".
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nêu, kháng thuốc vẫn đang là mối lo ngại ở Việt Nam, bất chấp những tiến bộ khoa học đạt được trong 10 năm qua. Các dữ liệu gần đây cho thấy, xu hướng kháng kháng sinh ngày càng tăng. Tình trạng lạm dụng và sử dụng không hợp lý thuốc kháng sinh ở người, động vật và thực vật là nguyên nhân chính dẫn đến sự phát triển nhiễm trùng kháng thuốc. Đồng thời, do thiếu thực hành kê đơn thuốc hợp lý và sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân cũng góp phần gia tăng tình trạng kháng thuốc.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, dù đã có quy định yêu cầu kê đơn tất cả loại kháng sinh sử dụng trên động vật kể từ năm 2020, nhưng Việt Nam hiện vẫn có tỷ lệ sử dụng kháng sinh cao trong ngành chăn nuôi. Việc lạm dụng, sử dụng không hợp lý này góp phần gây ra tình trạng kháng kháng sinh, tăng nguy cơ lây nhiễm cho người tiêu dùng.
Theo Bộ Y tế, để phòng, chống kháng thuốc, người dân chỉ nên dùng thuốc kháng sinh và các loại thuốc chống vi sinh vật khác do nhân viên có chuyên môn và thẩm quyền kê đơn, luôn tuân thủ lời khuyên của nhân viên y tế khi sử dụng kháng sinh; không dùng chung hoặc sử dụng kháng sinh còn thừa của người khác; ngăn ngừa nhiễm trùng bằng cách rửa tay thường xuyên, chuẩn bị thức ăn hợp vệ sinh, tránh tiếp xúc gần người bệnh, tình dục an toàn và tiêm chủng đầy đủ.
Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT và đại diện lãnh đạo các tổ chức quốc tế tại Việt Nam đều khẳng định: Kháng thuốc xảy ra khi vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng thay đổi theo thời gian và không còn đáp ứng với thuốc, khiến cho việc điều trị nhiễm trùng ngày càng trở nên khó khăn hoặc không thể điều trị được...
Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cũng đánh giá cao cách tiếp cận của Chính phủ và sự hưởng ứng trong Tuần lễ Thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc từ 18 - /11/2023 với chủ đề: "Cùng nhau ngăn chặn tình trạng kháng thuốc".
Tuần lễ Thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc (WAAW) là một chiến dịch toàn cầu, nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết về kháng thuốc; khuyến khích các thực hành tốt trong cộng đồng, nhà hoạch định chính sách và nhiều bên liên quan tiếp cận "Một sức khỏe" - những người đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu sự xuất hiện và lan rộng của kháng thuốc.
Nhân dịp này, các đơn vị đã ký văn bản thỏa thuận về phòng, chống kháng thuốc, nhằm chung tay hành động thực hiện kêu gọi của WHO “Cùng nhau ngăn chặn kháng thuốc”.