Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Hoàn thiện luật sau xử lý sự cố SCB
Giải trình, làm rõ các vấn đề Đại biểu Quốc hội nêu về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), chiều 23/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong quá trình xử lý sự cố ngân hàng SCB, ban soạn thảo thấy cần phải đưa vào luật những quy định để can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt và cho vay đặc biệt tại các ngân hàng.
Liên quan đến can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt và cho vay đặc biệt, theo Thống Đốc, đây là những vấn đề rất lớn và phải quy định để khi các tổ chức tín dụng có vấn đề sẽ có cơ sở pháp lý để thực hiện.
“Vừa qua khi chúng tôi xây dựng đề án tái cơ cấu ngân hàng không đồng và ngân hàng yếu kém hay trong quá trình xử lý sự cố SCB, trong quá trình tham vấn các cơ quan bộ ngành tất cả đều nêu rằng vậy giải pháp này thực hiện quy định ở điều nào, khoản nào trong luật. Cho nên chúng tôi nhận thức nếu trong luật không có quy định sau này sẽ rất khó có cơ sở để thực hiện”, bà Hồng nói.
Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, toàn bộ các giải pháp hỗ trợ đối với tổ chức tín dụng trong quá trình can thiệp sớm, cho vay đặc biệt phải có tài sản đảm bảo. Theo Thống đốc, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng nhận thấy đây là những quy định để hướng tới những quy định mang tính phổ quát trong hoạt động của ngân hàng. Để bản thân các tổ chức tín dụng phải nhận thức được trách nhiệm của mình, không ỉ lại và phải chịu trách nhiệm về những rủi ro mà tổ chức tín dụng do họ sở hữu phát sinh, gây hệ lụy.
Theo bà Hồng, hoạt động ngân hàng là trung gian tài chính, rất dễ tác động lan truyền, ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của hệ thống và an ninh tiền tệ của quốc gia. “Nếu trong trường hợp khẩn cấp, cấp thiết, trong luật không có những quy định để các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định, lúc đó sẽ rất khó có thể có những biện pháp để xử lý trong trường hợp cần thiết để đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động của quốc gia”, bà Hồng đề xuất.
Tăng cường công tác thanh tra, giám sát
Về vấn đề giảm thao túng, giảm sở hữu chéo trong hoạt động ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, phải có một loạt các giải pháp mới xử lý được.
Để giảm thao túng về đầu ra của tổ chức tín dụng trong dự thảo luật này thiết kế phải giảm tỷ lệ cấp tín dụng đối với khách hàng và những khách hàng có liên quan từ % xuống 10%. Một số đại biểu cũng nêu việc này cần phải có lộ trình. Trên thực tế thì cơ quan soạn thảo đã dự thảo một lộ trình để giảm từ % xuống 10%. Ở đây Ủy ban Kinh tế và Thường vụ Quốc hội cũng nêu có thể sẽ giao cho Chính phủ quy định về lộ trình cụ thể này.
Theo bà Hồng, về phía Ngân hàng Nhà nước trong quá trình chỉ đạo điều hành và thanh tra giám sát, cũng nhận diện và cũng nhận thức phải tăng cường công tác thanh tra, giám sát. Đặc biệt ở các tổ chức tín dụng có bộ phận kiểm soát, kiểm toán của từng tổ chức tín dụng. Phải có trách nhiệm trong việc giám sát tối cao đối với hoạt động của Hội đồng quản trị và Ban điều hành.
“Vấn đề này trong thời gian vừa qua Ngân hàng Nhà nước cũng đã tăng cường để chính tại tổ chức tín dụng họ phải là người giám sát tối cao và không phải là những người đó phải thực hiện theo những ông chủ của ngân hàng. Đó là một số những giải pháp tôi cho rằng thời gian tới sẽ tăng cường để hoàn thiện chỉnh lý để giảm thao túng cũng như giảm sở hữu chéo trong hoạt động ngân hàng”, bà Hồng nói.
Hệ thống ngân hàng đang tạo ra những rủi ro
Trước đó, góp ý dự thảo luật, Đại biểu Trịnh Xuân An – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai đề nghị phải chấm dứt tình trạng sở hữu chéo. “Thực tế qua vụ việc của SCB cũng như thực trạng đánh giá một số ngân hàng hiện nay tôi cho rằng có 3 vấn đề: một là sở hữu chéo; hai là chi phối và ba là thao túng đối với hệ thống tín dụng, hệ thống ngân hàng đang tạo ra những rủi ro, đang tạo ra những vấn đề hết sức cấp bách cần xử lý, cần thiết để chúng ta xây dựng một hệ thống ngân hàng, hệ thống tín dụng phát triển mạnh. Đây là những vấn đề tôi cho rằng phải tiếp tục được nhìn nhận để xử lý một cách triệt để”.
Lấy ví dụ cụ thể tại điểm c khoản 1 Điều 62 quy định nghĩa vụ của cổ đông đó là "không được góp vốn mua cổ phần của tổ chức tín dụng dưới tên của cá nhân, pháp nhân khác dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được ủy thác".
Theo đại biểu, “đây là vấn đề của vụ SCB vừa qua rất rõ, đó là nhờ đứng tên. Tuy nhiên, tôi thấy rằng quy định tại điểm c Điều 62 này rất không cụ thể và rất chung chung. Thế nào là nhờ góp vốn dưới tên người khác? Quy định này chúng ta triển khai thực tế như thế nào? Sẽ rất khó. Tôi đề nghị phải rất cụ thể quy định này, có cơ sở, có phương pháp, cách thức nào để chúng ta phòng ngừa được việc nhờ trước những ma trận mà ta hay gọi một cách mỹ miều đó là hệ sinh thái do các ông bầu hay các madame đứng sau các ngân hàng tạo dựng lên những hệ sinh thái ma trận như vậy”.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang kiến nghị đưa vào luật cơ chế để Ngân hàng Nhà nước báo cáo đánh giá về mức độ rủi ro trong sở hữu chéo hàng năm có thể công bố. “Bởi vì chính những công bố của Ngân hàng Nhà nước sẽ giúp cho nhân dân và các doanh nghiệp trong nền kinh tế biết được, từ đó có những thông tin để phản biện lại. Trong mọi trường hợp, nếu việc giám sát hoạt động kinh tế dựa vào nhân dân, các doanh nghiệp, cả nền kinh tế sẽ rất hiệu quả và chỉ ra được thông tin xác đáng”, Đại biểu Thịnh đề xuất.
Theo đại biểu, Ngân hàng Nhà nước trong dự thảo luật lần này có một cơ chế để tập hợp từng đại diện nhóm cổ đông nhỏ cùng tham gia hoạt động giám sát ngân hàng.