Đời sống

Hải Phòng: Di tích quốc gia Đình Cung Chúc bị thấm dột, xuống cấp

Vũ Ba - Văn Công 04/12/2023 - 17:13

Người dân xã Trung Lập, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng luôn tự hào về Đình Cung Chúc có niên đại hàng trăm năm, không chỉ mang giá trị lịch sử, văn hoá, mà còn là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, ngôi đình trong tình trạng xuống cấp, khiến người dân vô cùng lo lắng.

Theo một số tài liệu, Đình Cung Chúc (tên cũ là Đình Kính Chúc) là ngôi đình cổ, hàng trăm năm tuổi. Đình được xây dựng từ thời Lê, thờ 4 vị Thành Hoàng làng là Thuần Chính, Thanh Tĩnh Long Cung, Quý Minh và Hải Khẩu Đài Bàng Chi Thần có công đánh giặc, bảo quốc an dân. Trước đây, Đình Cung Chúc thuộc thôn Kính Chúc, tổng Viên Lang, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương; nay là thôn Cung Chúc, xã Trung Lập, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng.

Ngôi đình cổ có 25 gian xây theo kiến trúc kiểu tứ diện đồng tứ, bốn hướng đều thấy 5 gian và 5 gian hậu cung rất bề thế, được làm bằng gỗ lim, gồm các hàng cột đỡ các bộ vì liên kết, mộng chốt theo kiểu chồng rường - giá chiêng, chạm khắc hoa văn cầu kì, tinh xảo. Ở đại đình là 4 bộ vì, trên 8 cột cái và 8 cột quân. Các bộ vì liên kết với nhau qua hệ thống xà dọc. Tất cả chỉ sử dụng vẻn vẹn 16 lỗ đục thông qua cột cái. Các kết cấu còn lại liên kết bằng khớp chồng mộng trên các đấu ở các đầu cột, tạo nên ngôi đình bề thế và vững chắc. Phần trước Đình có 10 cột, trong đó 6 cột góc mỗi cột đục 2 lỗ, 4 cột còn lại mỗi cột đục 1 lỗ (16 lỗ đục), sau đó được khớp chồng, đấu đỡ để giữ mái.

dinh-cung-chuc-1.jpg
“Tiếng Đình Cung Chúc quả không sai
Kiến trúc kỳ công đủ vẻ tài
Mười sáu lỗ đục qua cột cái
Cổ truyền, nay có một không hai”.
Đó là 4 câu thơ được lưu truyền trong dân gian, ca ngợi về ngôi đình cổ Cung Chúc, tọa lạc bên cạnh dòng Phú Nông giang xưa (sông Luộc ngày nay)

Đình Cung Chúc không chỉ bề thế, độc đáo về kiến trúc, mà ở đây còn giữ nhiều hiện vật có niên đại từ thế kỉ XVIII đến thế kỉ XX; trong đó có 18 đạo sắc phong của các Triều đại Hậu Lê và Triều Nguyễn. Đình còn 2 bia đá (Bi ký hậu thần) niên đại Cảnh Trị thất niên (1669) và Cảnh Hưng thứ 37 (1776). Cả hai bia đều có khung diềm chạm các hình cúc mãn khai, cánh sen, hoa dây, đao lửa, vân tản; trán bia trạm nổi “Lưỡng long chầu nguyệt”.

Ngoài ra, Đình còn lưu giữ các bức đại tự, cửa võng, long ngai, kiệu, bát biểu, các bia đá ghi danh hậu thần được cúng tế trong Đình. Bia hậu thần lập dựng 1669, niên hiệu Cảnh Trị đã ghi danh các hậu thần là Hà Công Tự Huyền Vinh, Phạm Thị Ngọc Hiệu Từ Mỹ. Bia hậu thần thứ hai lập dựng năm 1776, niên hiệu Cảnh Hưng, ghi danh các cụ: Vũ Công Tự giáo thúc, Hà Thị Hiệu từ thường, Ngô Công Tự Đắc khiêm hiệu huệ thắng…

Hàng năm, từ ngày ngày 9 đến 12/11 Âm lịch, Nhân dân địa phương lại nô nức tổ chức lễ hội truyền thống đình làng với các hoạt động, nghi lễ, trò chơi mang đậm bản sắc văn hóa vùng quê... thu hút đông đảo người con của quê hương, du khách về dự.

Với những giá trị đặc sắc hiếm có, Đình Cung Chúc được xếp hạng Di tích quốc gia theo quyết định số 313-VH/VP ngày 28/4/1962 của Bộ Văn hóa.

dinh-cung-chuc-2.jpg
Đình Cung Chúc được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia từ năm 1962

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá, năm 2010, nhà nước đã đầu tư trên 23 tỷ đồng phục dựng toà đại bái, hậu cung và tả hữu mạc, nhà khách, làm lại cổng chính, bình phong, miếu thờ ông ba mươi, tôn tạo sân đình, đường nội bộ, tường bao, kè hồ nước trước Đình… tạo cho di tích thêm khang trang, bề thế để bảo tồn lâu dài.

Tuy nhiên, thời gian qua, do chưa được kiểm tra, duy tu, Đình Cung Chúc đã có dấu hiệu xuống cấp, thấm dột nước,... ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng của Nhân dân và việc bảo tồn, phát huy giá trị của di tích.

dinh-cung-chuc-3.jpg
dinh-cung-chuc-4.jpg
Mái ngói bị lún sụt tạo ra những đường hở dài

Theo ghi nhận của PV, phần mái đình bị xuống cấp nhiều vị trí sụt ngói tạo những khe hở dài; bờ nóc, bờ chảy, con kìm (đầu rồng) bị nứt, vỡ; nhiều cột, xà, rui, rường, hoành, nghé bảy, ván nong, tàu mái… bị ngấm nước mưa lâu ngày nên nứt, loang lổ. Trong Đình, nền bị dột nước nên cũng loang lổ, ẩm mốc...

dinh-cung-chuc-5.jpg
Bờ nóc, bờ chảy, con kìm (đầu rồng) bị nứt, vỡ

Trao đổi với PV, ông Vũ Ngọc Thậm, Trưởng ban Khánh tiết Đình Cung Chúc, cho biết: Cứ mỗi lần trời mưa là nước lại thấm dột qua mái đình xuống nền, mưa nhỏ thì nước thấm ít, mưa to thì nước lênh láng... tình trạng này đã xảy ra nhiều năm nay. Việc thường xuyên bị thấm dột nước mưa không chỉ khiến nhiều đồ vật bài trí trong Đình bị ẩm mục, hư hỏng, mất đi sự trang nghiêm, mà còn ảnh hưởng đến sự lệ của Đình và hoạt động tín ngưỡng của Nhân dân địa phương.

Theo ông Lê Văn Huyền, Trưởng ban quản lý Đình, Nhân dân và Ban quản lý Đình đã báo cáo, kiến nghị về việc Đình xuống cấp đến lãnh đạo địa phương. Mong mỏi của Nhân dân là được các cấp chính quyền khẩn trương quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn để Nhân dân được cải tạo, tu bổ lại Đình cho khang trang, bề thế, nhằm gìn giữ, bảo tồn di tích.

dinh-cung-chuc-6.jpg
dinh-cung-chuc-7.jpg
Nền Đình bị dột nước nên thương xuyên ẩm mốc, loang lổ

Đại diện UBND xã Trung Lập cho biết, sau khi nắm bắt được việc Đình Cung Chúc bị thấm dột, xuống cấp, UBND xã đã có văn bản báo cáo gửi UBND huyện và Sở Văn hóa Thể thao. Hiện địa phương đang chờ chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan này.

Thiết nghĩ, để bảo tồn nguyên vẹn giá trị của Di tích quốc gia Đình Cung Chúc, thành phố Hải Phòng cần sớm quan tâm, chỉ đạo kiểm tra, khắc phục tình trạng thấm dột, xuống cấp, đáp ứng niềm mong mỏi của Nhân dân.

Vũ Ba - Văn Cng