Văn hóa - Du lịch

Bảo tồn di tích góp phần lưu giữ mạch nguồn văn hóa

Dương Thảo 05/12/2023 - :23

Trải qua mấy nghìn năm lịch sử oai hùng cùng dân tộc, huyện Thường Tín (Hà Nội) vẫn lưu giữ lớp lớp di tích lịch sử văn hóa thiêng liêng. Đây là mạch nguồn mang sức mạnh nội sinh, dẫn đường, là nguồn lực quan trọng để địa phương phát triển kinh tế - xã hội.

cover-trong.png

Trải qua mấy nghìn năm lịch sử oai hùng cùng dân tộc, huyện Thường Tín (Hà Nội) đã lưu giữ được rất nhiều di tích lịch sử văn hóa thiêng liêng. Đây là mạch nguồn mang sức mạnh nội sinh, dẫn đường, là nguồn lực quan trọng để địa phương phát triển kinh tế - xã hội.

Để hiểu rõ hơn về việc gìn giữ và phát huy giá trị di tích trong phát triển chung của địa phương, PV Báo Công lý đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Xuân Minh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín về những nội dung trên.

sang-mai-vung-dat-danh-huong(2).png

PV: Được coi là mảnh đất khoa bảng, đất danh hương với số lượng di tích tương đối lớn, xin ông cho biết những chủ trương, chính sách của các cấp, ngành huyện Thường Tín nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích địa phương?

z4941965545671_028f5af1d323090765962aaf95968d.jpg
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh.

Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh: Với sự quan tâm, chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, sự tham mưu tích cực của các phòng ban chuyên môn, những năm qua, các cấp ngành trong huyện đã quan tâm đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp các công trình di tích lịch sử văn hóa. Đồng thời xã hội hóa việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích trên địa bàn huyện. Nhờ đó, đã mang lại nhiều kết quả tích cực, các di tích sau khi được tu bổ, tôn tạo trở nên khang trang, sạch đẹp, vững chãi hơn, đáp ứng niềm mong đợi của nhân dân.

Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Thường Tín thực hiện hiệu quả Chương trình 06 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021 - 2025”; Nghị quyết 09 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đặc biệt là công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử.

Năm 2017, HĐND huyện ban hành Nghị Quyết số 21 và Nghị quyết 46, điều chỉnh Nghị quyết 21 về việc đầu tư bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp các công trình di tích lịch sử văn hóa. UBND huyện Thường Tín giao Phòng Văn hóa và Thông tin chủ trì tham mưu, hướng dẫn các xã, thị trấn, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng thực hiện nghiêm quy trình thủ tục, hồ sơ, thỏa thuận, xin phép các sở, ngành, UBND Thành phố, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch theo quy định Luật Di sản.

z4941963044309_d8a78125cf41d7ac5dfb5055defc4190.jpg
Toàn huyện Thường Tín có 462 di tích, công trình tôn giáo tín ngưỡng.

PV: Vậy ông có thể cho biết những chủ trương, chính sách trên đã mang lại kết quả như thế nào trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích địa phương?

Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh: Huyện Thường Tín luôn chú trọng huy động các nguồn lực nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể, mà trọng tâm là hỗ trợ đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích. Huyện ủy, HĐND, UBND đã ban hành các Nghị quyết, chủ trương cụ thể đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích. Giai đoạn 2021 - 2026, cùng với sự hỗ trợ của Thành phố theo Nghị quyết 02, huyện đang tu bổ, tôn tạo 59 di tích, với tổng kinh phí khoảng 740 tỷ đồng.

box123(1).png

Bên cạnh ngân sách nhà nước, các cấp ủy Đảng, chính quyền phát huy nguồn lực xã hội hóa từ các tổ chức, đặc biệt từ nhân dân. Nhờ đó, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn và phát huy. Hiện đã có 48/126 làng nghề được cộng nhận là làng nghề truyền thống, làng nghề Hà Nội; Hát trống quân xã Khánh Hà được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể; Văn Từ Thượng Phúc - tôn vinh 68 nhà khoa bảng được tu bổ, tôn tạo với kinh phí trên 50 tỷ đồng. Bên cạnh đó, di tích tại các xã, thị trấn đã huy động nguồn xã hội hóa, đầu tư với trị giá hàng trăm tỷ đồng; như: Đình Triều Đông; chùa Nỏ Bạn; đình Văn Hội; chùa Thượng Cung...

Nhiều di tích được bảo tồn, đảm bảo tính khoa học, nguyên trạng, phục vụ nhu cầu tôn giáo tín ngưỡng, đồng thời khai thác hiệu quả hoạt động du lịch, điển hình như: Lăng đá Quận Vân; nhà thờ Nguyễn Trãi; đền Quán Thánh; đình Mui; chùa Đậu; đền Ngũ Xã…

PV: Bên cạnh những kết quả đạt được, địa phương có gặp khó khăn gì trong quá trình bảo tồn di tích, thưa ông?

Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh: Toàn huyện có 462 di tích, công trình tôn giáo tín ngưỡng, trải qua thời gian và chiến tranh nên có nhiều di tích đang xuống cấp. Trong khi đó, nguồn kinh phí đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia và Thành phố, nguồn lực cho tu bổ, tôn tạo còn hạn chế.

Ngoài ra, số lượng di tích nằm trong danh mục kiểm kê tương đối lớn, đang xuống cấp, chưa được bảo tồn, tu bổ kịp thời. Trong khi thủ tục hồ sơ, kinh phí đầu tư, tu bổ, tôn tạo từ ngân sách và nguồn xã hội hóa còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Là lĩnh vực đặc thù, nên vẫn còn một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa huy động cộng đồng cùng tham gia bảo vệ, ý thức bảo vệ và tôn trọng di sản của nhân dân chưa cao. Hơn nữa, việc huy động nguồn vốn xã hội hóa tại một số địa phương còn khó khăn.

phat-trien-kinh-te.png

PV: Với thế mạnh về di tích lịch sử, văn hóa, vậy những di tích này đã được địa phương đưa vào khai thác du lịch như thế nào, thưa ông?

Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh: Xác định di tích và văn hóa luôn gắn liền với nhau, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo tập trung phát triển một số lĩnh vực giàu tiềm năng lợi thế như: Phát triển du lịch văn hóa gắn với các di tích lịch sử, công trình văn hóa. Trong đó, trọng tâm là phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với các làng nghề truyền thống với trọng tâm xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện cũng nỗ lực xúc tiến thu hút đầu tư xây dựng các khu du lịch sinh thái, phát triển dịch vụ du lịch để phát huy hiệu quả các danh lam, thắng cảnh.

Đến nay, ngoài xã Hồng Vân đã được công nhận là điểm du lịch làng nghề, xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, là một trong hai đơn vị đầu tiên của TP. Hà Nội đạt chuẩn OCOP 4 sao du lịch Thành phố, huyện Thường Tín còn có 5 xã nông thôn mới nâng cao. Năm 2023, địa phương phấn đấu có thêm 3 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, 9 xã hoàn thành nông thôn mới nâng cao.

PV: Là vùng đất có bề dày văn hóa, xin ông cho biết, giai đoạn 2025-2030, huyện có biện pháp gì để phát huy giá trị của di tích được nhiều hơn nữa, đồng thời có kiến nghị gì với Thành phố để việc triển khai đạt hiệu quả hơn?

Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh: Việc gìn giữ, phát huy giá trị của di tích nhằm thực hiện các quan điểm, nhiệm vụ Nghị quyết XIII của Đảng đã đề ra về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nói chung. Đồng thời, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước. Nhiệm vụ chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, góp phần vào sự phát triển chung, bền vững đất nước.

z4941963339400_1f7fc2b981c89de9a2e63bd2fa6e2760.jpg
Thường Tín được mệnh danh là đất khoa bảng, với những tấm bia đá cổ hàng trăm năm.

Huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nhận thức đầy đủ nội dung, giá trị của di sản văn hóa; về ý nghĩa, lợi ích của di sản văn hóa đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác phát triển văn hóa, du lịch; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại trong hoạt động quản lý bảo tồn di sản, phát triển du lịch. Hoàn thiện chính sách về công tác trùng tu, tôn tạo di tích, bảo tồn di sản linh hoạt, hiệu quả. Triển khai chi tiết quy hoạch bảo tồn không gian di tích, hài hòa giữa không gian văn hóa, bản sắc kiến trúc, cảnh quan môi trường, tạo nên giá trị tổng hòa và đặc trưng của di tích. Xây dựng, hoàn thiện các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch tâm linh gắn với các loại hình du lịch làng nghề…

Với tiềm năng và thế mạnh phát triển các loại hình du lịch làng nghề gắn với lịch sinh thái và tâm linh, huyện tiếp tục dành 1% ngân sách theo Nghị quyết 46 đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích giai đoạn 2020 - 2025 và các năm tiếp theo.

Từ những mong muốn trên, huyện đề xuất, kiến nghị UBND Thành phố về đầu tư kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia và Thành phố. Huyện mong muốn Thành phố hỗ trợ đầu tư nguồn lực tu bổ, tôn tạo các di tích. Mục tiêu để di tích mãi khang trang, bền vững, là niềm tự hào, cũng như góp phần phát triển kinh tế tại Thường Tín nói riêng và Thủ đô nói chung…

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Dương Thảo (Thực hiện)

Dương Thảo