Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Tạo đột phá trong hợp tác kinh tế, thương mại l nguyện vọng cháy bỏng của cả Việt Nam v Lo
Chính trị - Ngày đăng : 22:17, 05/12/2023
Đây là cuộc gặp mặt thứ hai, diễn ra hơn 1 năm sau chuyến thăm chính thức Lào của Chủ tịch Quốc hội với các doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động tại Lào trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội Lào đã có nhiều khởi sắc, nhiều kiến nghị đề xuất của doanh nghiệp Việt Nam đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ hai nước xem xét, giải quyết.
Đặc biệt, cuộc gặp mặt có sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith và Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Sommad Pholsena; lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư hai nước cùng hơn 160 doanh nghiệp hiện đang hoạt động tại Lào.
Tại cuộc làm việc, đại diện bộ, ngành hai nước đã báo cáo với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về kết quả hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước và việc giải quyết các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp Việt Nam tại cuộc gặp nhân chuyến thăm chính thức Lào năm 2022 của Chủ tịch Quốc hội.
Phát biểu tại cuộc gặp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ vui mừng trở lại thăm đất nước Lào xinh đẹp và nhấn mạnh, so với thời điểm hơn một năm trước, Lào đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu đáng mừng trong phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế vĩ mô có khởi sắc, kết quả rất đáng khích lệ, khả năng tăng trưởng có thể đạt 4,2 - 4,5%. Lạm phát đã được kiểm soát và hạ nhiệt. Thu ngân sách Lào đạt chỉ tiêu Quốc hội giao, nhiều tỉnh vượt chỉ tiêu; khách du lịch tăng lên... Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là những tín hiệu rất đáng mừng đối với các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp.
Ghi nhận và biểu dương kết quả hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Lào, tình hình đầu tư kinh doanh có nhiều khởi sắc, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nhiều kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp trong cuộc gặp năm 2022 đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào quan tâm tháo gỡ; một số dự án lớn, với sự đầu tư ba bên (Việt Nam - Lào và một đối tác phát triển) tiếp tục được khởi động, như dự án chăn nuôi bò sữa của Vinamilk phối hợp với Nhật Bản, hay các dự án về năng lượng tái tạo, điện gió, quy mô lớn cũng được thúc đẩy đầu tư...
Chủ tịch Quốc hội cảm ơn Quốc hội và Chính phủ Lào đã trực tiếp quan tâm, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam; biểu dương tinh thần quyết tâm, sự nỗ lực vươn lên của các doanh nghiệp Việt Nam, nhấn mạnh, đây là yếu tố then chốt, quyết định để các doanh nghiệp tiếp tục gặt hái được những thành công tại Lào.
"Nguyện vọng cháy bỏng của cả hai nước là tạo được bước đột phá trong phát triển quan hệ kinh tế, thương mại song phương. Tuy nhiên, hiện nay, trao đổi thương mại hai nước mới chỉ đạt khoảng hơn 1 tỷ USD, đầu tư khoảng 5 tỷ USD nhưng chưa có dự án mang tính chất động lực, nhiều dự án còn khó khăn trong quá trình triển khai. Do đó, phải tạo bằng được bước đột phá trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Ghi nhận các đề xuất của doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội nhất trí cho rằng, thể chế, chính sách pháp luật; nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và hạ tầng, chi phí logistics… là những vấn đề quan trọng đối với sự phát triển của các quốc gia. Việt Nam đã xác định đây là các khâu đột phá chiến lược. Phía Lào cũng hết sức quan tâm đến các lĩnh vực này.
Trước những khó khăn chung hiện nay, Chủ tịch Quốc hội mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào kiên nhẫn hơn và quyết tâm hơn, bởi Đảng, Quốc hội và Chính phủ hai nước đang nỗ lực kiến tạo môi trường đầu tư ngày càng tốt hơn. “Tình hình năm nay đã tốt hơn năm ngoái. Chúng ta có quyền lạc quan, quyết chí bền gan thì chắc chắn sẽ thành công tại Lào”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và đề nghị Đại sứ tổng hợp đầy đủ các kiến nghị của doanh nghiệp để cập nhật, báo cáo cấp có thẩm quyền, có những kiến nghị có thể trình xem xét ngay tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ thứ 46 sắp diễn ra.
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận các kiến nghị về tăng cường trao đổi kinh nghiệm quản lý vĩ mô, công tác quy hoạch, ngành vùng... giữa hai nước là rất đúng và trúng, đồng thời cho biết, hiện hai Đảng, hai Nhà nước cũng đang tập trung cho các lĩnh vực này.
Về cơ sở hạ tầng, theo Chủ tịch Quốc hội, đây là vấn đề quan trọng, cũng là trăn trở chung. Hai bên đang chuẩn bị cho dự án liên quan đến Cảng Vũng Áng, tạo điều kiện để Lào nối ra biển; xây dựng đường sắt kết nối từ Lào đến cảng Vũng Áng... Các tổ chức WB, ADB đều quan tâm dự án này. Nếu không thu xếp được vốn từ các tổ chức này, Chủ tịch Quốc hội gợi mở, hai bên có thể tính đến đầu tư công.
Về giao thông, theo Chủ tịch Quốc hội có thể chọn nút giao Vinh (Nghệ An) làm điểm kết nối với cao tốc Hà Nội -Vientiane, tạo điều kiện kết nối Đông - Tây, thúc đẩy vận tải hàng hóa, du lịch. Ủy ban Liên Chính phủ hai nước sẽ bàn vấn đề này. Cùng với việc mở thêm đường bay thẳng TP. Hồ Chí Minh - Vientiane sẽ chính thức đi vào hoạt động đầu năm tới, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc hoàn thiện các tuyến kết nối qua đường bộ, đường không, đường sắt sẽ là những yếu tố quyết định tạo ra sự thay đổi căn bản trong quan hệ thương mại và đầu tư song phương.
Về hoàn thiện để có môi trường đầu tư minh bạch, hấp dẫn, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đây cũng là quyết tâm của Quốc hội, Chính phủ Lào để tăng cường kết nối không chỉ hai nền kinh tế Việt Nam - Lào mà còn cả 3 nền kinh tế Việt Nam, Lào, Campuchia, hợp tác nội khối và hướng ra kết nối với khu vực. Về hàng không, Chủ tịch Quốc hội cho biết, đường bay Vientiane - TP. Hồ Chí Minh vừa được công bố sẽ góp phần thúc đẩy thương mại, du lịch, giao lưu văn hóa giữa hai nước.
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận các kiến nghị của doanh nghiệp về hợp tác trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ, tỷ giá... và cho biết, các kiến nghị này sẽ được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xem xét. Cùng với đó, tại Kỳ họp thứ Sáu vừa qua, Quốc hội đã đồng ý chủ trương xây dựng Nghị định về Quỹ hỗ trợ khuyến khích đầu tư cho doanh nghiệp trong và ngoài nước. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận, nghiên cứu ý kiến của doanh nghiệp tại Lào trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định này.
Tại cuộc gặp, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp về các lĩnh vực trong đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, trồng cao su, nông nghiệp sản xuất quy mô lớn để xuất khẩu; năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời; khai khoáng, du lịch, nhất là du lịch khu vực Tam giác phát triển của Campuchia -Lào - Việt Nam để tiếp tục thực hiện tốt mô hình “ba quốc gia một điểm đến”; lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, khuyến khích nhà nước và tư nhân cùng làm...
Đánh giá cao việc Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Lào đã tiến hành Đại hội và có nhiều hoạt động thiết thực kết nối doanh nghiệp hai nước, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, hàng năm Hội nên tập hợp ý kiến, đề xuất của các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào gửi về các cơ quan hữu quan trong nước để xem xét và kịp thời giải quyết.