TAND tỉnh Phú Yên: Điểm sáng trong công tác xét xử trực tuyến của hệ thống Tòa án
“Sự quyết tâm, quyết đoán của Ban cán sự đảng, lãnh đạo TAND tỉnh và những giải pháp, phương án hỗ trợ khoa học của Tổ công tác… đã đưa TAND hai cấp tỉnh Phú Yên đi đến thành công của ngày hôm nay. Khi kết thúc năm công tác 2023, đơn vị đã xuất sắc dẫn đầu Cụm thi đua số VII của TAND về tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến với 170 phiên”. Đó là chia sẻ của ông Trần Huy Đức, Chánh án TAND tỉnh Phú Yên với PV Báo Công lý khi nói về việc xét xử trực tuyến của đơn vị trong năm qua.
PV: Thưa Chánh án, được biết, việc xét xử trực tuyến được nhận định sẽ là xu thế trong thời kỳ chuyển đổi số. Vậy Chánh án có ý kiến chia sẻ gì về việc này?
Chánh án Trần Huy Đức: Nghị quyết số 33/2021/QH ngày 12/11/2021 của Quốc hội cũng như chủ trương của TANDTC về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến có một ý nghĩa đặc biệt to lớn trong bối cảnh ra đời chủ trương này. Như chúng ta đã biết, việc dịch bệnh COVID-19 xảy ra cho chúng ta thấy cần phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động xét xử. Do đó, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là nhiệm vụ cấp bách, là giải pháp đột phá, đồng thời là xu hướng tất yếu trong hoạt động của Tòa án.
Song song với việc tổ chức phiên tòa trực tuyến, TAND tỉnh Phú Yên cũng đang thực hiện hiệu quả một số phần mềm nội bộ được đánh giá là nền tảng để tiến tới xây dựng “Tòa án điện tử” như: Số hóa các tài liệu trong hồ sơ vụ án, hệ thống quản lý án, công bố bản án… thời gian qua đã mang lại nhiều thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận công lý, hoạt động quản lý và xét xử của Tòa án cũng được nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi cho đương sự tham gia tố tụng, hạn chế việc hoãn phiên tòa.
Vì vậy, việc chuyển từ hình thức xét xử trực tiếp sang hình thức xét xử trực tuyến là cần thiết, phù hợp với nhận định sẽ là xu thế trong thời kỳ chuyển đổi số. Đó là quá trình thay đổi tư duy và mô hình quản lý truyền thống sang mô hình kĩ thuật số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hệ thống điều hành, quản lý.
PV: Thưa Chánh án, hiện TAND tỉnh Phú Yên đã chuẩn bị như thế nào cho quá trình chuyển đổi số của ngành?
Chánh án Trần Huy Đức: Có thể nói, việc đã tổ chức thành công các phiên tòa hình sự, hành chính, dân sự và hôn nhân gia đình bằng hình thức trực tuyến trong thời gian qua và sự chỉ đạo quyết liệt của Ban cán sự đảng, lãnh đạo TAND tỉnh trong thực hiện hiệu quả các phần mềm như: Hệ thống giám sát hoạt động Tòa án (quản lý án), số hóa hồ sơ, công bố bản án, trợ lý ảo…, đồng thời, tích cực đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức cho cán bộ công chức đối với việc ứng dụng CNTT trong hoạt động là yếu tố quan trọng, quyết định sự thành công trong thực hiện quá trình chuyển đổi số của đơn vị, góp phần xây dựng Tòa án điện tử theo tinh thần cải cách tư pháp trong thời gian tới.
PV: Để xét xử trực tuyến được hiệu quả, yếu tố đường truyền, cùng đội ngũ nhân sự CNTT được đánh giá là yếu tố then chốt, Chánh án có ý kiến gì về việc này? Và đơn vị đã có kế hoạch gì cho việc phát triển đội ngũ nhân lực CNTT của Tòa án để phục vụ tốt cho quá trình chuyển đổi số?
Chánh án Trần Huy Đức: Tôi đồng tình với quan điểm nhân sự CNTT được đánh giá là yếu tố then chốt để tổ chức xét xử trực tuyến, nhưng về lâu dài để đạt hiệu quả cao hơn, trở thành hoạt động thường xuyên trong công tác tổ chức xét xử, tiết kiệm chi phí và công sức nhân lực phục vụ, không phụ thuộc vào các yếu tố khách quan, đòi hỏi Trung ương cần quan tâm sớm đầu tư trang thiết bị đồng bộ đến Tòa án cấp huyện, thành một hệ thống riêng biệt để phục vụ xét xử trực tuyến, kể cả đường truyền chuyên dụng để đảm bảo công tác bảo mật, an toàn thông tin.
Đồng thời, chú trọng công tác bồi dưỡng, hướng dẫn sử dụng cho những người làm công tác xét xử như: Thư ký phiên tòa, Thẩm phán và đào tạo chuyên sâu đối với nhân sự CNTT, có như thế, chất lượng của phiên toà trực tuyến mới được nâng cao.
Hiện tại, đơn vị chưa có nhân sự làm công tác CNTT chuyên trách, đồng chí Phó Chánh Văn phòng đang kiêm nhiệm, bằng kinh nghiệm qua thực tiễn công tác, chưa được đào tạo chuyên ngành về CNTT nên cũng gặp nhiều khó khăn trong việc vừa vận hành các ứng dụng CNTT của Tòa án tỉnh, vừa hỗ trợ, hướng dẫn công chức Tòa án cấp huyện trong việc ứng dụng CNTT và tổ chức xét xử trực tuyến.
Do đó, tôi xác định, cần thiết phải có nhân sự chuyên trách về CNTT, có trình độ và năng lực chuyên môn giỏi phục vụ cho quá trình chuyển đổi số. Trên cơ sở nhu cầu công tác và được sự phân bổ của TANDTC, hiện nay Tòa án tỉnh đang thực hiện quy trình tuyển dụng 16 công chức, trong đó có 01 vị trí là chuyên viên CNTT để bổ sung nguồn nhân lực then chốt của Tòa án tỉnh trong quá trình chuyển đổi số.
PV: Được biết hiện nay mặc dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình xét xử trực tuyến, tuy nhiên đơn vị đã vượt qua những khó khăn đó để hoàn thành tốt nhiệm vụ của ngành đề ra, Chánh án có thể chia sẻ bí quyết để đơn vị mình có được sự thành công đó?
Chánh án Trần Huy Đức: Trong thời gian đầu triển khai thi hành Nghị quyết số 33/2021/QH ngày 12/11/2021 của Quốc hội, TAND tỉnh Phú Yên gặp muôn vàn khó khăn, không có thiết bị cũng như nhân sự thực hiện. Tuy vậy, sự chỉ đạo quyết tâm, quyết đoán của Ban cán sự đảng, lãnh đạo TAND tỉnh và những giải pháp, phương án hỗ trợ khoa học của Tổ công tác… đã đưa TAND tỉnh Phú Yên đi đến thành công của ngày hôm nay. Khi kết thúc năm công tác 2023, TAND tỉnh Phú Yên đã xuất sắc là đơn vị dẫn đầu Cụm thi đua số VII của TAND về tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến với 170 phiên.
Ban cán sự đảng, lãnh đạo Tòa án tỉnh thực hiện cho bằng được chủ trương đúng đắn của Quốc hội, của TANDTC về tổ chức phiên toà trực tuyến, nên đã thành lập “Tổ công tác triển khai phục vụ tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến tại TAND hai cấp tỉnh Phú Yên” (Quyết định số 33/QĐ-TCCB, ngày 06/4/2022) do đồng chí Phó Chánh án TAND tỉnh làm Tổ trưởng và 5 thành viên.
Bằng sự quyết tâm, nỗ lực vượt qua khó khăn, nhất là trang thiết bị để tổ chức phiên tòa trực tuyến đều phải thuê mướn, qua thời gian chuẩn bị, trong các ngày 27, 28 và 29/7/2022, Tòa án tỉnh đã đã tổ chức thành công 3 phiên tòa trực tuyến đầu tiên. Trên cơ sở đó, TAND tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo Tổ công tác triển khai hỗ trợ ngay cho Tòa án cấp huyện tổ chức thực hiện, đến cuối năm công tác (30/9/2022) Tòa án hai cấp đã tổ chức thành công 49 phiên tòa trực tuyến (cấp tỉnh 12, cấp huyện 37), đảm bảo 100% đơn vị tổ chức được ít nhất 3 phiên tòa trực tuyến trở lên theo Công văn số 58/TANDTC-TĐKT ngày 10/8/2022 của TANDTC về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Chính từ sự chỉ đạo quyết liệt của Ban cán sự đảng, lãnh đạo TAND tỉnh và những giải pháp và phương án hỗ trợ khoa học của Tổ công tác dẫn đến thành công khi kết năm công tác 2023, TAND hai cấp tỉnh Phú Yên là đơn vị dẫn đầu Cụm thi đua số VII của TAND về tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến với 170 phiên.
PV: Qua một thời gian đi vào triển khai cũng như nhiều phiên tòa xét xử trực tuyến được thực hiện, Chánh án có thể chia sẻ những ưu, nhược điểm, cũng như giá trị từ phiên tòa xét xử trực tuyến mang lại cho ngành Tòa án?
Chánh án Trần Huy Đức: Qua việc tổ chức xét xử bằng hình thức trực tuyến, có thể thấy ưu điểm nhất là việc bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm cầu khác do Tòa án quyết định, nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia tất cả trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng trực diện, liên tục, công khai, có sự chứng kiến của các chủ thể vào cùng một thời điểm.
Đối với những vụ án hình sự, ưu điểm của phiên tòa trực tuyến là có thể đảm bảo an toàn cho lực lượng áp giải và bị cáo vì từ nơi giam giữ đến nơi xét xử phiên tòa trực tuyến vẫn trong khuôn viên cơ sở giam giữ, tiết kiệm được thời gian, chi phí trong việc trích xuất bị cáo tham gia phiên tòa. Việc người tham gia tố tụng có thể tham dự ở điểm cầu gần nơi cư trú hoặc tại trụ sở làm việc của chính quyền địa phương đã góp phần hạn chế việc hoãn phiên tòa xét xử án hành chính.
Bên cạnh những thuận lợi thì vẫn còn một số khó khăn như: Cơ sở vật chất của TAND hai cấp còn thiếu thốn, không đồng bộ, nhiều thiết bị phải thuê mướn, phải dùng tạm đường truyền internet tính ổn định và bảo mật chưa cao. Nguồn nhân lực có chuyên môn CNTT để triển khai thực hiện còn hạn chế.
PV: Xin cảm ơn Chánh án.