Thủ tướng dự Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư TP. Cần Thơ
Ngày 10/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng nhiều lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương đã dự Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư TP. Cần Thơ.
Cùng dự hội nghị có: ông Lê Quang Mạnh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; ông Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP. Cần Thơ; cùng Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán các nước tại TP.HCM; lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố; doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Theo quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phương hướng hoạt động kinh tế - xã hội của TP. Cần Thơ sẽ được phát triển theo 5 trục động lực, 3 vùng phát triển.
5 trục động lực bao gồm 2 trục ngang, 3 trục dọc. Tuyến trục ngang thứ nhất phát triển dọc theo cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng với mục tiêu chủ yếu là phát triển về công nghiệp, du lịch sinh thái, đô thị phía Tây thành phố.
Tuyến trục ngang thứ hai là tuyến hành lang kinh tế hiện hữu Tây sông Hậu, bao gồm các trục Quốc lộ 91, đường vành đai phía Tây, đường 920D với mục tiêu phát triển thương mại, dịch vụ, đô thị sinh thái và đô thị công nghiệp.
Ba trục dọc, bao gồm: Tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; đường liên vùng Ô Môn - Giồng Riềng; Quốc lộ 1A và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Trong đó tuyến dọc theo cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi thiên về phát triển công nghiệp, tạo kết nối vùng về hành lang công nghiệp. Tuyến dọc theo Quốc lộ 1A và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, chủ yếu phát triển theo hướng kết nối hành lang đô thị chính của vùng ĐBSCL.
Ba vùng phát triển: Vùng thứ nhất, gồm các quận: Cái Răng, Ninh Kiều, Bình Thủy, huyện Phong Điền (định hướng phát triển thành thị xã) và một phần quận Ô Môn, huyện Thới Lai là vùng đô thị;
Vùng thứ hai gồm: phần còn lại của quận Ô Môn, quận Thốt Nốt và một phần các huyện: Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh là vùng động lực phát triển kinh mới phía Bắc, với diện tích rộng hơn, ít công năng hơn, mật độ tháp hơn và ít mối liên kết giữa các tiểu vùng với nhau hơn, do đặc thù cấu trúc tự nhiên của vùng...
Vùng thứ ba gồm: một phần các huyện: Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh là vùng phía Tây cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ - Sóc Trăng bổ sung những hình thức sinh kế mới, như chuyên đổi từ lúa sang cây trồng vật nuôi phù hợp giá trị kinh tế, kết hợp năng lượng mặt trời, công nghệ môi trường, du lịch sinh thái sông nước, trang trại, để tăng thêm nguồn sinh kế cho người dân....
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết: Theo Quyết định số 19/QĐ-TTg ngày 2/12/2023 về quy hoạch TP. Cần Thơ, mục tiêu phát triển đến năm 2030, TP. Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL; thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á, trở thành thành phố thông minh đáng sống của Việt Nam; là trung tâm, cực tăng trưởng của vùng ĐBSCL; là trung tâm đô thị, trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo.
TP. Cần Thơ cũng sẽ được đầu tư phát triển với một hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu kết nối nội vùng, liên vùng và liên vận quốc tế.
Về kinh tế, TP. Cần Thơ phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân từ 7,5% đến 8%; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 220 triệu đồng.
Tỷ trọng trong GRDP của khu vực: nông, lâm, thủy sản khoảng 5,9%, công nghiệp - xây dựng khoảng 35,9%, dịch vụ và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 58,2%.
Theo định hướng phát triển, TP. Cần Thơ sẽ tập trung vào các ngành công nghiệp hóa chất, cơ khí chế tạo, năng lượng, dược phẩm, điện tử, chế biến nông thủy sản, thực phẩm và công nghiệp hỗ trợ có tính nền tảng, hiện đại, bền vững, phù hợp với điều kiện, tự nhiên, lợi thế của địa phương.
Cùng với đó là đẩy nhanh việc hoàn thành các khu công nghiệp Vĩnh Thạnh, Thới Lai - Cờ Đỏ; đô thị - công nghiệp - cảng - logistics Thốt Nốt; Trung tâm năng lượng, công nghiệp - công nghệ cao Ô Môn; thúc đẩy liên kết và hội nhập hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp từ Cần Thơ đến Long An.
Đối với thương mại, TP. Cần Thơ là trung tâm phân phối của ĐBSCL, luôn phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu, đẩy mạnh thương mại điện tử, hình thành các trung tâm thương mại cấp vùng. Bên cạnh đó, các dịch vụ được ưu tiên phát triển như: logistics, du lịch, y tế, giáo dục, tài chính ngân hàng, khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, giao thông vận tải, vui chơi giải trí, mua sắm, văn hóa - thể thao.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Việc xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch trong giai đoạn phát triển mới. Đây là lần đầu tiên nước ta có hệ thống quy hoạch gồm: quy hoạch quốc gia, vùng, các địa phương.
Quy hoạch phải đi trước một bước, quy hoạch của địa phương phải có sự liên thông với quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng. Quy hoạch phải xác định được những tiềm năng, lợi thế cạnh tranh để có giải pháp phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh của quốc gia, của vùng, của địa phương; Đồng thời, phải nhận diện được những khó khăn, thách thức, hạn chế, yếu kém để từ đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp sớm hóa giải, vượt qua.
Thủ tướng đề nghị sau khi xây dựng quy hoạch, vấn đề quan trọng là phải tìm ra nguồn lực để thực hiện quy hoạch bao gồm nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài. Nguồn lực bên trong dựa vào ba trụ cột là: con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa - lịch sử của đất nước, của vùng, của địa phương. Ba trụ cột này là nguồn lực nội sinh, có ý nghĩa cơ bản, lâu dài, chiến lược, quyết định. Nguồn lực bên ngoài là vốn, công nghệ quản trị từ các nhà đầu tư, bạn bè, đối tác trong và ngoài nước.
Tại hội nghị, TP. Cần Thơ giới thiệu các mục tiêu trọng tâm và các dự án kêu gọi đầu tư bao gồm 56 dự án thuộc 10 lĩnh vực về hạ tầng công nghiệp; thương mại; phát triển đô thị; hạ tầng nông nghiệp; hạ tầng cấp nước; y tế; giáo dục; văn hóa; giao thông vận tải; tài nguyên môi trường; hạ tầng xã hội. Đồng thời, thành phố cũng trao các quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư; trao bản ghi nhớ hợp tác đầu tư…