EVN cần hơn 500 ngàn tỷ đồng để đầu tư trong giai đoạn tới
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có báo cáo thẩm định kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021-2025 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Trước đó, ngày 04/8/2023, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV) có văn bản số 1605/UBQLV-NL đề nghị Bộ KH&ĐT tổ chức thực hiện thẩm định Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 05 năm giai đoạn 2021-2025 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Theo EVN, giai đoạn 2021-2025, sản lượng điện sản xuất các nhà máy điện thuộc EVN và các công ty thành viên dự kiến chiếm 40-46% so với tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống.
Cũng trong giai đoạn này, EVN dự kiến hoàn thành đưa vào vận hành 275 công trình (gồm 61 công trình 500kV và 214 công trình 220kV) với tổng khối lượng thực hiện khoảng 13.000km chiều dài đường dây và 86.000MVA tổng dung lượng máy biến áp.
Về nguồn vốn, theo Quyết định số 35/QĐ-TTg ngày /9/2021 của Thủ tướng Chính phủ, dự kiến kế hoạch vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 của EVN là 4.382,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo báo cáo của EVN, nhu cầu vốn đầu tư của toàn Tập đoàn trong 05 năm là rất lớn, khoảng 506.600 tỷ đồng, trong đó, nhu cầu vay vốn trong và ngoài nước khoảng 177.9 tỷ đồng.
Mặc dù nhu cầu đầu tư lớn nhưng theo tính toán của EVN, lợi nhuận của Tập đoàn này các năm 2023-2025 dự kiến sẽ bị lỗ lên đến 42.300 tỷ đồng vào năm 2023 và ngày càng tăng qua những năm tiếp theo nếu không kịp thời điều chỉnh giá bán điện.
Trong năm 2023, kế hoạch giải ngân vốn đầu tư của EVN là 94.860 tỷ đồng, trong đó 55.000 tỷ đồng đầu tư vào các dự án và 39.860 tỷ đồng trả nợ gốc và lãi vay. Tính đến tháng 6/2023, EVN đã giải ngân vốn đầu tư được 29.803 tỷ đồng. Tính đến tháng 8/2023, tổng sản lượng điện sản xuất và mua ước đạt 179.984 tỷ kWh, tăng 1,9% so với cùng kỳ. Kết quả sản xuát kinh doanh hợp nhất ước thực hiện lũy kế đến tháng 8/2023 của EVN là 250.000 tỷ đồng, bằng 109% so với năm 2022. Tuy nhiên, tổng lợi nhuận trước thuế của EVN lại bị liệt vào nhóm doanh nghiệp có kết quả kinh doanh còn hạn chế trong nhóm 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Ước cả năm 2023, lỗ phát sinh của EVN cán mốc 37.062 tỷ đồng.
Cho ý kiến về kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021-2025 của EVN, theo Bộ KH&ĐT, để đảm bảo cung ứng điện toàn quốc, EVN cần xây dựng kế hoạch cung ứng và sản xuất điện 05 năm giai đoạn 2021-2025 theo các kịch bản tăng trưởng phụ tải tại theo Quy hoạch điện VIII và đảm bảo đúng các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Về 275 công trình mà EVN dự kiến hoàn thành đưa vào vận hành trong giai đoạn 2021-2025, Bộ KH&ĐT cho hay, trong dự thảo Kế hoạch không gửi kèm danh mục các công trình này nên đề nghị UBQLV chỉ đạo, phối hợp với EVN làm rõ để có cơ sở phê duyệt Danh mục đầu tư các công trình nguồn và lưới điện truyền tải 500kV, 220kV giai đoạn 2021-2030 trong Kế hoạch 05 năm của EVN (cần đảm bảo phù hợp với danh mục các dự án tại Phụ lục II kèm theo Quyết định số 500/QĐ-TTg); đồng thời bổ sung nội dung phân tích về sự phù hợp giữa các hạng mục đầu tư nguồn và lưới điện nhằm đảm bảo tính đồng bộ, cân bằng, an toàn cho hệ thống điện giai đoạn 2021-2025, nhất là các các công trình phục vụ giải tỏa công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo.
Về nguồn vốn 506.600 tỷ đồng, Bộ KH&ĐT cho rằng, để đảm bảo tính khả thi trong thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh 05 năm giai đoạn 2021 - 2025 của EVN, đề nghị đề xuất các giải pháp cụ thể để huy động đáp ứng đủ vốn cho việc triển khai, thực hiện kế hoạch.
Về tính toán mức lỗ lên đến 42.300 tỷ đồng vào năm 2023, Bộ KH&ĐT đề nghị EVN cần căn cứ vào số liệu tính toán giá bán lẻ điện giai đoạn 2023-2025 và cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân theo Quyết định số /2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ để tính toán Kết quả sản xuất kinh doanh giai đoạn 2023-2025; bổ sung nội dung tính toán điểm hòa vốn trong trường hợp thực hiện việc điều chỉnh giá bán điện.
Ngoài ra, Bộ KH&ĐT cũng lưu ý, EVN cần có tính toán cụ thể, tách bạch các khâu sản xuất, truyền tải, phân phối, dịch vụ phụ trợ, chi phí mua điện, doanh thu bán điện, hoạt động công ích để làm rõ các khó khăn vướng mắc và đề xuất giải pháp khắc phục, đảm bảo hoạt động của EVN giai đoạn tới hiệu quả. Bên cạnh đó, cần có phân tích về sự ảnh hưởng trong trường họp EVN không đủ khả năng trả nợ đúng hạn các khoản vay tới việc đầu tư nguồn và lưới điện.
EVN vẫn muốn nắm giữ 100% vốn điều lệ Công ty NSMO?
Theo tìm hiểu, tại Công điện số 517/CĐ-TTg ngày 06/6/2023 về việc thực hiện các giải pháp đảm bảo cung ứng điện mùa khô năm 2023, Thủ tướng chỉ đạo: Bộ Công thương khẩn trương điều chỉnh việc quản lý, chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia về Bộ Công thương theo quy định của Đảng và Nhà nước trong tháng 6/2023 và nghiên cứu thực hiện các chính sách phù hợp, hiệu quả.
Từ chỉ đạo trên, Bộ KH&ĐT cũng cho rằng, hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, UBQLV đang chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng Đề án tách Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) ra khỏi EVN để thành lập Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO) trực thuộc UBQLV, sau đó chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu của NSMO từ UBQLV về Bộ Công Thương.
Tuy nhiên, tại điểm 1 (trang 60) mục IX phần II dự thảo Kế hoạch về nhiệm vụ kế hoạch các lĩnh vực trọng tâm khác của EVN lại kiến nghị “Thủ tướng Chỉnh phủ phê duyệt chủ trương thành lập Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia do EVN nắm giữ 100% vốn điều lệ ”.
Theo Bộ KH&ĐT, việc kiến nghị này của EVN là chưa cập nhật chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Còn Bộ Công thương thì cho rằng, Nội dung EVN kiến nghị liên quan đến AO là trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 517/CĐ-TTg.